“Chìa khóa” hiện đại hóa nông thôn ở Bắc Quang

07:27, 25/02/2023

BHG - Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn đã trở thành một trong những khâu đột phá của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang. Đây chính là “chìa khóa” để huyện chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (LĐNT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau đào tạo nghề xây dựng dân dụng, nhiều lao động của xã Tân Thành có việc làm mới.
Sau đào tạo nghề xây dựng dân dụng, nhiều lao động của xã Tân Thành có việc làm mới.

Chiếc máy cày trị giá hơn chục triệu đồng của gia đình anh Trương Văn Nghiệp, thôn Nậm An, xã Tân Thành vốn “đắp chiếu” gần 3 năm trời vì hỏng. Nhưng năm 2022, chỉ sau 3 tháng học nghề sửa chữa nông cụ, anh Nghiệp đã “tái sinh” chiếc máy cày để tiếp tục đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp việc cày xới đất trở nên hiệu quả hơn. Anh Nghiệp chia sẻ: Do gia đình chưa có khoản tiền dư giả để sửa chữa nên máy cày hỏng vẫn để từ năm này qua năm khác. Thế nhưng, chỉ sau khóa học nghề sửa chữa nông cụ do Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tân Thành phối hợp với Trường Trung cấp Dân tộc nội trú – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Quang tổ chức ngay tại thôn, tôi đã sửa được máy cày và vận dụng nhiều kiến thức đã học vào cuộc sống, giúp việc lao động, sản xuất hiệu quả hơn.

Niềm vui của anh Nghiệp cũng là cảm xúc chung của rất nhiều học viên khi được học nghề theo nhu cầu của mình. Đây cũng là thành quả quan trọng minh chứng cho quyết sách của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang trong việc chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, nhằm tạo đột phá trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bắc Quang đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khảo sát, căn cứ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nhu cầu học nghề của LĐNT để lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, hướng tới giải quyết việc làm, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp, HTX có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trực tiếp đào tạo nghề gắn với tuyển dụng, sử dụng lao động và bao tiêu sản phẩm. Điều này đặt nền móng quan trọng cho việc đào tạo, rèn luyện học viên trở thành những lao động có năng lực, kinh nghiệm thực tế, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và nâng cao chất lượng học viên sau đào tạo.

Điển hình cho cách làm trên có thể kể đến thỏa thuận hợp tác giữa huyện Bắc Quang với HTX Mây, tre đan Ngọc Quyết (Bắc Ninh). Năm 2022, HTX tiến hành đào tạo 2 lớp học nghề đan lát thủ công dành cho 70 học viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Việt Quang. Sau khi học nghề, toàn bộ sản phẩm chổi chít (sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương) của học viên được HTX bao tiêu, tạo đầu ra ổn định. Công ty TNHH Thương mại và Giáo dục Thăng Long (Hà Nội) mở 3 lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng cho 105 học viên trên địa bàn huyện Bắc Quang, thông qua đào tạo nghề trang bị cho người lao động kiến thức cơ bản về kỹ thuật xây dựng, thi công các hạng mục của công trình xây dựng dân dụng. Ấn tượng hơn, để góp phần tạo việc làm cho người lao động, Công ty còn phối hợp với doanh nghiệp sử dụng lao động là Công ty TNHH Xây dựng Tam Đảo (Hà Nội) nhằm tiếp nhận học viên hoàn thành khóa học, có nguyện vọng gắn bó với doanh nghiệp vào làm việc với mức lương từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng và 6 triệu đồng/học viên/tháng khi thực tập tại Công ty.

Bà Cao Thị Hoài, thôn Minh Khai, xã Quang Minh xúc động nói: Cuối tháng 10.2022, tôi được bàn giao ngôi nhà cấp 4 khang trang, đảm bảo chất lượng trong niềm hạnh phúc khôn xiết khi ước mơ “an cư lạc nghiệp” trở thành hiện thực. Đây không chỉ là sự nhân văn trong thực hiện chủ trương của tỉnh về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở mà còn là sản phẩm thực hành của 35 học viên lớp xây dựng dân dụng xã Quang Minh, do Công ty TNHH Thương mại và Giáo dục Thăng Long đào tạo, cấp chứng chỉ nghề. Tôi rất vui vì nhiều thanh niên của xã đã được đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp để có thể tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

Hiện nay, huyện Bắc Quang có trên 72.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61% dân số toàn huyện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Nhiều học viên sau học nghề đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn, trở thành điển hình ở cơ sở trong phát triển kinh tế với thu nhập từ 100 đến hơn 300 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu như mô hình: Sản xuất cam VietGAP của ông Dương Văn Tam, Bùi Văn Bối (xã Vĩnh Phúc), bà Triệu Thị Mạo (xã Vĩnh Hảo); mô hình nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò của hộ ông Sìn Văn Phường (xã Vĩnh Hảo)...

Trưởng Phòng Lao động – Thương bình và Xã hội huyện Bắc Quang, Nguyễn Xuân Hải cho biết: Đến năm 2025, huyện Bắc Quang phấn đấu đạt chuẩn huyện Nông thôn mới. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, Phòng chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện các giải pháp hoàn thành tiêu chí lao động có việc làm và tỷ lệ lao động qua đào tạo; triển khai đồng bộ công tác đào tạo nghề cho LĐNT để giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu LĐNT sang sản xuất phi nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp. Phấn đầu đào tạo nghề tối thiểu cho 1.200 LĐNT/năm theo các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào cuối năm 2025.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Năm 2023 phấn đấu phát triển mới 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên
BHG - Nhằm triển khai, thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hàng năm, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2023. 
25/02/2023
Nấm Dẩn xây dựng tuyến đường nông thôn kiểu mẫu
BHG - Cùng với việc tận dụng các nguồn lực hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đã và đang tích cực huy động nguồn nội lực xây dựng tuyến đường nông thôn kiểu mẫu, tạo bước đột phá về diện mạo địa phương.
24/02/2023
Cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững
BHG - Để chủ động thích ứng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và có những bước đi phù hợp sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỉnh ta đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
24/02/2023
Cô gái người Mông và khát vọng đưa “hồn” lanh vươn xa
BHG - Đó là em Vàng Thị Dế, sinh năm 2002, hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Là cô gái sinh ra từ một bản người Mông nghèo ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Không giống bạn bè cùng trang lứa lấy chồng từ sớm, Dế đã “ngược chiều” để xuống Thủ đô học đại học. Sau một lần liều mình bán tấm vải lanh là của hồi môn, không ngờ đó lại là ngã rẽ giúp em tìm được hướng đi của cuộc đời, cũng từ đó giúp em thực hiện được khát vọng mang “hồn” lanh – nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vươn xa.
23/02/2023