Mèo Vạc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

19:32, 19/12/2022

BHG - Người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, bền vững, rừng được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt - đây là những tác động tích cực từ việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Tổ bảo vệ rừng thôn Pải Lủng, xã Pải Lủng thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Tổ bảo vệ rừng thôn Pải Lủng, xã Pải Lủng thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Năm 2022, huyện Mèo Vạc có gần 20.000 ha rừng cung ứng DVMTR với tổng số tiền được nhận gần 14 tỷ đồng. Đối tượng sử dụng DVMTR rừng gồm các nhà máy thủy điện: Chiêm Hóa, Na Hang, Bắc Mê, Bảo Lâm 1, 2, Bảo Lâm 3A, Nho Quế 1, 2, 3. Để chủ động triển khai chính sách chi trả DVMTR, hàng năm, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện công tác chi trả DVMTR đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ; tuyên truyền, định hướng cho người dân sử dụng tiền DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng; hướng dẫn các thôn rà soát, kiện toàn lại tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; giao các cơ quan là thành viên Ban kiểm tra, giám sát của huyện thường xuyên kiểm tra các xã, thị trấn trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR…

Xã Khâu Vai là một trong những địa phương sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Theo Chủ tịch UBND xã Khâu Vai Mua Mí Mua cho biết: Hàng năm, sau khi nhận được quyết định phê duyệt danh sách chi trả tiền DVMTR, xã tổ chức hội nghị thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách thôn tổ chức họp thôn thông báo và niêm yết công khai danh sách các tổ chức, cá nhân được nhận tiền DVMTR. Nhìn chung, sau khi được nhận tiền DVMTR, các thôn đều họp, thống nhất sử dụng để làm đường bê tông nông thôn, mua sắm dụng cụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và kinh phí cho tổ tuần tra, kiểm tra rừng.

Tương tự, tại xã Pải Lủng, sau khi được cấp phát tiền DVMTR rừng, xã chỉ đạo các thôn niêm yết công khai danh sách các hộ được cấp phát tiền một cách công khai, minh bạch. Theo đó, 100% kinh phí các thôn được nhận đều sử dụng đúng mục đích, ưu tiên đầu tư vào việc bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng. Bên cạnh đó, các thôn dùng kinh phí để mở đường dân sinh phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng và hoạt động đi lại của người dân. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn thay đổi cách đun nấu từ bếp củi sang bếp gas, đầu tư bể chứa biogas trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường, hạn chế chất đốt từ củi, khắc phục được việc chặt phá rừng.

Nhiều tuyến đường bê tông tại xã Khâu Vai được xây dựng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.
Nhiều tuyến đường bê tông tại xã Khâu Vai được xây dựng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Hồng Mí Sinh, cho biết: Những năm qua, việc tích cực triển khai, thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kép. Trước tiên, chính sách chi trả DVMTR mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các chủ rừng, giúp các hộ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tiếp đến là nhận thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng lên, công tác bảo vệ và phát triển rừng được đảm bảo; bằng chứng là các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có chiều hướng giảm qua từng năm, tỷ lệ che phủ rừng năm sau hơn năm trước. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt hơn 36%, tăng gần 2% so với năm 2021.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR trên địa bàn huyện còn một số hạn chế cần khắc phục như: Một số ban kiểm tra, giám sát các xã đi kiểm tra, giám sát các thôn không thể hiện bằng biên bản; một số xã chưa có đầy đủ hồ sơ khoán bảo vệ rừng và biên bản họp thôn thống nhất sử dụng tiền DVMTR đối với số tiền của cộng đồng dân cư; một số tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các thôn đã được thành lập, song hoạt động chưa thường xuyên, hiệu quả; nhiều thôn ghi chép vào sổ theo dõi tiền DVMTR rừng chưa đầy đủ, không rõ ràng và không theo mẫu quy định…

Thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đảm bảo thanh toán, quản lý, sử dụng kinh phí đúng đối tượng, mục đích; tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, nghiệm thu diện tích có cung ứng DVMTR theo quy định…

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Nông thôn mới ở thôn Bản Qua 2
BHG - Thôn Bản Qua 2, xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì) có 72 hộ dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua, người dân trong thôn đã tích cực góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí, đem lại diện mạo ngày càng đổi thay trên mảnh đất quê hương.
19/12/2022
Nông dân tích cực tham gia các phong trào
BHG - Các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động cán bộ, hội viên (CBHV) tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh và bảo vệ môi trường với nhiều cách làm mới sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng tầng đời sống của hội viên, tạo đà phát triển KT – XH của địa phương.
19/12/2022
Hiệu quả kép từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG - Sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân được nâng lên. Đặc biệt, chính sách tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Để hiểu thêm về chính sách này, phóng viên có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
16/12/2022
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
BHG - Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của rừng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, nâng cao ý thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
16/12/2022