Cao Bồ phát triển cây trồng thế mạnh

09:42, 02/12/2022

BHG - Với đặc trưng về địa hình có độ cao bình quân trên 1.000 m so với mực nước biển cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) có lợi thế trong phát triển cây chè Shan tuyết và cây dược liệu. Cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung mở rộng diện tích dược liệu, triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Người dân xã Cao Bồ chế biến chè Shan tuyết.
Người dân xã Cao Bồ chế biến chè Shan tuyết.

Cao Bồ có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè Shan tuyết. Với màu nước xanh, vàng sánh cùng vị chan chát, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, chè Shan tuyết Cao Bồ được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến và ưa chuộng. Chè Shan tuyết nơi đây hầu hết đều là chè cổ thụ, có tuổi đời từ 100 – 400 năm tuổi, sinh trưởng hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, với môi trường trong lành, nên cho ra những búp chè thơm ngon và thuần khiết.

Anh Đặng Văn Dũng, thôn Lùng Tao cho biết: Gia đình tôi có trên 2 ha chè Shan tuyết, hầu hết đều có tuổi đời trên 100 năm. Trước đây, người dân trong thôn chưa chú trọng phát triển kinh tế từ cây chè, chủ yếu hái về rồi sao thủ công để làm thức uống trong gia đình, có đem ra chợ bán thì giá trị kinh tế cũng rất thấp. Những năm gần đây, chè Shan tuyết Cao bồ dần gây dựng được thương hiệu, giá thành sản phẩm tăng đáng kể và giá bán chè búp tươi cũng được nâng lên, dao động từ 20 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg, tùy từng loại theo yêu cầu của cơ sở chế biến, nên người dân trong thôn, xã tập trung chăm sóc, thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết.

Hiện, Cao Bồ có 1.000 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch 757 ha; sản lượng năm 2022 ước đạt 1.180 tấn, tăng 44 tấn so với năm 2021, đem lại giá trị hơn 14 tỷ đồng. Đồng chí Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết: Những năm gần đây, chè Shan tuyết của xã ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt năm 2015, 220 cây chè cổ thụ của xã được công nhận Cây Di sản Việt Nam và năm 2018 Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, trong đó có diện tích chè ở Cao Bồ càng khẳng định thêm uy tín và thương hiệu cho chè Shan tuyết Cao Bồ. Cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ để giữ gìn thương hiệu chè Shan tuyết.

Cùng với đó, khuyến khích nhân dân tăng cường liên doanh, liên kết để sản xuất, chế biến chè theo chuỗi giá trị; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè. Trên địa bàn xã hiện có 3 HTX sản xuất, chế biến chè; trong đó có 1 sản phẩm chè Vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; có Công ty Cổ phần trà Hữu cơ Cao Bồ và 9 cơ sở sản xuất chế biến chè của tư nhân; các cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bên cạnh cây chè, Cao Bồ còn có tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu. Trong đó, cây quế được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm xã vận động nhân dân trồng mới được trên 100 ha quế. Được biết, trên thị trường hiện nay, vỏ cây quế được ưa chuộng, thường sử dụng trong chữa bệnh (đông y, tây y). Với mùi thơm đặc biệt, vỏ quế còn được sử dụng làm gia vị cho các món ăn. Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế cũng được sử dụng làm hương liệu; còn thân cây cung cấp gỗ. Mặt khác, trồng cây quế người dân cũng không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì thường được doanh nghiệp, tư nhân đến thu mua tận vườn, vì vậy đây là cây trồng rất có triển vọng trong phát triển kinh tế. Toàn xã có tổng diện tích 627 ha quế, trong đó diện tích có thể thu hoạch 65 ha. Từ đầu năm đến nay, bà con khai thác khoảng 13,5 ha cây phân tán, sản lượng đạt 57 tấn quế khô, đem lại nguồn thu trên 3,5 tỷ đồng.

Thảo quả là cây dược liệu chủ yếu sinh trưởng dưới những tán rừng có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp; với diện tích rừng lớn nên trên địa bàn xã Cao Bồ hiện có 630 ha Thảo quả. Diện tích cho thu hoạch là 492 ha, năng suất ước đạt 4 - 6 tạ quả tươi/ha, sản lượng ước đạt 70 tấn quả khô, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Cấp ủy, chính quyền xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích Thảo quả hiện có gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững; chú trọng khâu thu hái, bảo quản để nâng cao giá trị kinh tế.

Tập trung phát triển các cây trồng mũi nhọn là hướng đi đúng đắn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, đưa KT-XH địa phương phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có đang được xã Cao Bồ thực hiện hiệu quả.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã theo Nghị định 31
BHG - Được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển KT - XH, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên kết quả chưa như mong đợi.
30/11/2022
Phụ nữ vùng cao và nghề chè Shan tuyết
BHG - Chè Shan tuyết là một trong những sản vật tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho nhiều người dân Hà Giang. Với 3 vụ thu hái trong năm và đặc trưng của nghề chè cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế về hương vị... những người phụ nữ nắm vai trò chủ chốt trong công việc thu hái và chế biến chè trên vùng trà cổ Hà Giang.
30/11/2022
Tam giác mạch Hà Giang hướng đến thị trường Nhật Bản
BHG - Những năm qua, cây tam giác mạch của tỉnh Hà Giang đã trở nên rất nổi tiếng, mang lại sức hút du lịch cho tỉnh, đồng thời nhiều hộ dân vùng Cao nguyên đá đã bước đầu có thu nhập từ loại cây này. Bên cạnh những hình ảnh đẹp khẳng định vai trò “đại sứ” du lịch của Hà Giang, nhiều sản phẩm chế biến từ cây tam giác mạch đã và đang được người tiêu dùng biết tới, như các loại bánh, rượu, trà làm từ hạt tam giác mạch. Đặc biệt, hạt tam giác mạch của Hà Giang cũng bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì của người Nhật Bản.
29/11/2022
Người tiên phong trồng hoa trên đất Vĩ Thượng
BHG - Đó là anh Nguyễn Xuân Hải, sinh 1984, thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình). Sau 2 năm kiên trì, mô hình trồng hoa Hồng cổ, loài hoa nổi tiếng của vùng đất Sapa (Lào Cai) và hoa Mẫu đơn cổ Văn Chấn (Yên Bái) đua nhau khoe sắc và bắt đầu tạo cho anh Hải thu nhập. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào cải tạo vườn tạp của địa phương.
29/11/2022