Hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã theo Nghị định 31

16:34, 30/11/2022

BHG - Được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển KT - XH, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên kết quả chưa như mong đợi.

Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến (Vị Xuyên) được hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng dưa trong nhà lưới.
Sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ. (Trong ảnh: HTX Thanh niên Phương Tiến (Vị Xuyên) ứng dụng KHKT trồng dưa trong nhà lưới)

Ngành Ngân hàng vào cuộc quyết liệt

Ngày 20.5.2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (khách hàng) với tổng nguồn vốn lên đến 40 nghìn tỷ đồng. Đây là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trước tác động của thiên tai, dịch bệnh và diễn biến phức tạp của tình hình KT - XH trên thế giới.

Khách hàng được HTLS gồm: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố. Mức HTLS là 2%/năm; thời hạn HTLS từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay nhưng không vượt quá ngày 31.12.2023.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Đồng Văn luôn quan tâm, hỗ trợ khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Đồng Văn luôn quan tâm, hỗ trợ khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.

Ngay khi có Nghị định 31 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh Hà Giang và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hỗ trợ khách hàng như: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định số 31; rà soát, thống kê các khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách để tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của khách hàng; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp khách hàng nắm bắt kịp thời thông tin. NHNN tỉnh đề nghị các Hội và Hiệp hội, Liên minh HTX phối hợp thực hiện, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên, hội viên để các NHTM hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Các chi nhánh NHTM rà soát khách hàng đang có dư nợ hiện hữu thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách để nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Hiện nay, số lượng khách hàng có dư nợ thuộc danh mục ngành nghề cho vay HTLS được các chi nhánh NHTM rà soát là 1.417,3 tỷ đồng/2.150 khách hàng; các NHTM đã trực tiếp làm việc với 404 khách hàng. Mới đây, NHNN tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình HTLS theo Nghị định số 31, tiếp tục nắm bắt thông tin, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các NHTM và khách hàng.

Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ: “Triển khai chính sách HTLS 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các khách hàng theo Nghị định số 31 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. NHNN và các NHTM luôn đồng hành cùng khách hàng; sẵn sàng nguồn vốn và phối hợp hỗ trợ khách hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng hoàn thiện hồ sơ hưởng HTLS theo quy định”.

Doanh nghiệp “khát vốn” nhưng không mặn mà

Năm 2022 và 2023, tổng số dư nợ đăng ký hạn mức HTLS theo Nghị định số 31 trên địa bàn tỉnh là 884 tỷ đồng. Đến nay, mới có 5 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ HTLS với dư nợ 110,1 tỷ đồng, dự kiến đến 31.12.2022, dư nợ được HTLS là 29,6 tỷ đồng/5 khách hàng. Có 186 khách hàng với dư nợ 95,8 tỷ đồng phản hồi không có nhu cầu được HTLS. Trong khi thực tế, nhiều doanh nghiệp, HTX đang “khát vốn” để đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng lại không mặn mà với gói HTLS 2%.

Trao đổi với phóng viên, nhiều khách hàng khẳng định sự cần thiết của nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi sản xuất; tuy nhiên thủ tục và các điều kiện vay vốn rườm rà, nhiều quy định khiến khách hàng gặp khó khăn. Bà Lê Thị Mai Hương, đại diện HTX vận tải Kiên Cường chia sẻ: “HTX Vận tải Kiên Cường hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, thuộc đối tượng được HTLS theo Nghị định số 31. Để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, HTX có phương án đầu tư thêm 2 phương tiện vận tải với nhu cầu vay vốn 4,2 tỷ đồng. HTX đã được Ngân hàng TMCP Công thương xuống làm việc, tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục; tuy nhiên hồ sơ thủ tục khá phức tạp, rườm rà. HTX đề nghị được xem xét HTLS ngay mà không phải bổ sung thêm hồ sơ như danh mục yêu cầu; giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra để tập trung cho hoạt động kinh doanh”. Cũng giống như HTX Kiên Cường, nhiều doanh nghiệp, HTX không mặn mà với gói HTLS 2% vì nhiều hồ sơ, thủ tục yêu cầu khắt khe; hoạt động thanh tra, kiểm tra về mục đích sử dụng vốn thường xuyên.

Đại diện các NHTM cho biết: Mặc dù hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng cho thực hiện chương trình HTLS nhưng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Khách hàng kinh doanh đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực nên rất khó bóc tách, xác định mục đích sử dụng vốn vay, khó thu được chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Đến khi thanh, kiểm tra về mục đích sử dụng vốn sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng. Vì thế, bản thân nhiều doanh nghiệp dù đủ điều kiện HTLS nhưng không muốn đăng ký vay. Ngoài ra, trong quy định có điều kiện “doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi”, trong khi không có hướng dẫn đánh giá cụ thể về khả năng phục hồi, dẫn tới việc mỗi ngân hàng áp dụng khác nhau.

Đây là chính sách sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn, triển khai hỗ trợ qua hệ thống NHTM, nên việc thực hiện vừa phải đầy đủ, kịp thời, nhưng cũng phải thận trọng, đảm bảo đúng quy định, tránh làm tổn thất tiền ngân sách và tránh trục lợi chính sách. Vì vậy, các NHTM sẽ tiếp tục rà soát khách hàng, nắm bắt nhu cầu để hướng dẫn, tư vấn hồ sơ, thủ tục theo quy định; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được HTLS; đẩy mạnh tuyên truyền, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách, hạn chế tối đa kiến nghị, khiếu nại; cân đối nguồn vốn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; làm việc với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để phối hợp thực hiện hiệu quả Nghị định số 31. Các khách hàng cần hiểu đúng, đầy đủ về gói HTLS theo Nghị định số 31 của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các NHTM để tháo gỡ khó khăn, tránh để mất cơ hội khi có đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phụ nữ vùng cao và nghề chè Shan tuyết
BHG - Chè Shan tuyết là một trong những sản vật tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho nhiều người dân Hà Giang. Với 3 vụ thu hái trong năm và đặc trưng của nghề chè cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế về hương vị... những người phụ nữ nắm vai trò chủ chốt trong công việc thu hái và chế biến chè trên vùng trà cổ Hà Giang.
30/11/2022
Tam giác mạch Hà Giang hướng đến thị trường Nhật Bản
BHG - Những năm qua, cây tam giác mạch của tỉnh Hà Giang đã trở nên rất nổi tiếng, mang lại sức hút du lịch cho tỉnh, đồng thời nhiều hộ dân vùng Cao nguyên đá đã bước đầu có thu nhập từ loại cây này. Bên cạnh những hình ảnh đẹp khẳng định vai trò “đại sứ” du lịch của Hà Giang, nhiều sản phẩm chế biến từ cây tam giác mạch đã và đang được người tiêu dùng biết tới, như các loại bánh, rượu, trà làm từ hạt tam giác mạch. Đặc biệt, hạt tam giác mạch của Hà Giang cũng bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì của người Nhật Bản.
29/11/2022
Người tiên phong trồng hoa trên đất Vĩ Thượng
BHG - Đó là anh Nguyễn Xuân Hải, sinh 1984, thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình). Sau 2 năm kiên trì, mô hình trồng hoa Hồng cổ, loài hoa nổi tiếng của vùng đất Sapa (Lào Cai) và hoa Mẫu đơn cổ Văn Chấn (Yên Bái) đua nhau khoe sắc và bắt đầu tạo cho anh Hải thu nhập. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào cải tạo vườn tạp của địa phương.
29/11/2022
Bằng Lang tự tin, vững bước trên đường phát triển
BHG - Sắt son ý Đảng, lòng dân, 75 năm qua, Đảng bộ xã Bằng Lang (Quang Bình) đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH, đưa quê hương phát triển bền vững, hòa chung với sự thay đổi của huyện.
28/11/2022