Đẩy mạnh hợp tác sản xuất mía đường

18:52, 14/04/2020

BHG - Những năm gần đây, huyện Vị Xuyên luôn chú trọng việc xúc tiến, đầu tư, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương. Trong đó, huyện đẩy mạnh thực hiện liên kết phát triển mía đường nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc, hợp đồng bao tiêu sản phẩm thông qua Công ty TNHH MTV Thủy Vĩnh Bảo. Nhờ phát triển sản xuất mía theo chuỗi liên kết, đầu ra ổn định, người trồng mía có thu nhập khá, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT – XH.

Ruộng mía của gia đình anh Đặng Văn Tiền, thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh.
Ruộng mía của gia đình anh Đặng Văn Tiền, thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh. Ảnh TL

Thăm gia đình anh Đặng Văn Tiền, thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh, được biết: Qua nghe cán bộ thôn, xã tuyên truyền, vận động; gia đình tôi quyết định chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mía. Hiện nay, cây mía đang sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh”. Ngọc Linh là một trong những địa phương phát triển trồng mía, liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo để xuất khẩu mía nguyên liệu sang Nhà máy đường Anh Mậu, châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, giá đảm bảo từ 1.000 – 1.200 đồng/kg. Thu nhập ổn định bình quân 100 triệu đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Phó chủ tịch UBND xã, Phạm Hoàng Thái, cho hay: Cây mía có giá trị kinh tế khá ổn định, người dân đầu tư cho cây giống năm đầu, từ năm thứ hai chỉ cần tập trung chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, cây mía cũng không quá kén đất nên có thể tận dụng diện tích đất xấu, ít màu. Việc liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo đảm bảo người dân có nguồn tiêu thụ ổn định, bền vững. Cùng với đó, để hỗ trợ người trồng mía, công ty có chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ làm đất và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nên người trồng mía rất phấn khởi và ủng hộ cao. Năm 2019, xã có diện tích 6 ha đất trồng mía; đến năm 2020, diện tích tăng lên được gần 10 ha. Xác định cây mía là một trong những cây trồng thế mạnh, có thể tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian tới, xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng mía.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây cho năng suất kém, sang cây có hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích, năm 2019, xã Trung Thành đã thực hiện liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo trồng thử nghiệm 10,7 ha mía đường nguyên liệu trên đất trồng lúa, ngô năng suất thấp. Diện tích đất trồng mía được quy hoạch liền vùng, liền khoảnh, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc. Cây mía phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân gấp 2 đến 3 lần so với trồng ngô, lúa trên cùng đơn vị diện tích. Do trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây mía phát triển tốt, đến nay, toàn bộ diện tích mía nguyên liệu đã được Công ty Thủy Vĩnh Bảo bao tiêu với giá thu mua tại ruộng là 1.050 đồng/kg. Để tiếp tục nâng cao thu nhập, chuyển đổi những diện tích đất xấu sang trồng mía, xã Trung Thành tiếp tục mở rộng diện tích lên đến 26 ha.

Thực hiện biên bản ký kết Hội đàm giữa huyện Vị Xuyên (Việt Nam) và huyện Malypho (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp giữa hai huyện, từ cuối năm 2016 đến nay, Vị Xuyên đã triển khai hợp tác liên kết sản xuất trồng mía đường xuất khẩu giữa hai huyện. Hợp đồng được ký kết thông qua Công ty Thủy Vĩnh Bảo (Việt Nam) và Công ty Mậu Thịnh (là một trong những công ty con của Tập đoàn Nhà máy đường Anh Mậu), tập trung trồng chủ yếu tại các xã: Phong Quang, Thuận Hòa, Trung Thành, Kim Linh và Minh Tân. Với hình thức đầu tư tái thu hồi, công ty cho người dân vay giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu 100% đầu ra sản phẩm. Qua gần 4 năm trồng và thu hoạch, cây mía đường có sản lượng trung bình 75 tấn/ha, tổng sản lượng đã xuất khẩu hơn 5.000 tấn. Năm 2019, tổng diện tích trồng mía đường nguyên liệu của huyện Vị Xuyên có 103,65 ha; trong đó, diện tích thực hiện liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo là 61,4 ha. Diện tích đăng ký trồng mới năm 2020 là 120,9 ha/200 ha tại 12 xã, thị trấn. Đến nay, có gần 30 ha đã được trồng mới tại các xã Ngọc Linh, Đạo Đức, Trung Thành, Việt Lâm , Kim Linh, Linh Hồ và Thuận Hòa.

Có thể thấy, với việc liên kết sản xuất mía đường trên địa bàn huyện Vị Xuyên, cây mía thực sự là cây trồng có tiềm năng phát triển mở rộng, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết đầu tư, huyện Vị Xuyên sẽ tích cực phối hợp với Công ty Thủy Vĩnh Bảo mở rộng vùng nguyên liệu mía lên khoảng 300 – 500 ha; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng mía, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, thúc đẩy sự phát triển KT – XH địa phương.

Bài, ảnh: YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giảm giá điện và giảm tiền điện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch Covid-19

BHG - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch Covid-19, ngày 1.4.2020, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 22/BC-BCT trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giảm giá điện và giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các khách hàng sử dụng điện. Cụ thể như sau:

13/04/2020
Hoàng Su Phì quyết tâm hoàn thành kế hoạch xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM); diện mạo nông thôn của huyện Hoàng Su Phì  đã có nhiều thay đổi. Với mục tiêu trong năm 2020, huyện sẽ có thêm 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; do vậy, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp; ưu tiên bố trí các nguồn lực, gắn với phát huy nội lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí. 

11/04/2020
Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

BHG - Tăng cường công tác quản lý từ chuẩn bị đầu tư, sau đầu tư; sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư, khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng; sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đang là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 4.099 công trình thủy lợi cấp nước tưới cho 36.033 ha  lúa 2 vụ; trong đó, diện tích tưới cho vụ Xuân là 10.021 ha...

10/04/2020
Chủ động phòng, chống sâu keo mùa thu trên cây ngô

BHG - Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện nay sâu keo mùa thu đã xuất hiện, phá hoại cây trồng (chủ yếu là cây ngô) tại một số địa phương trong tỉnh và có nguy cơ lan nhanh thành dịch nếu không có những biện pháp phòng, chống kịp thời.

09/04/2020