Nỗ lực đảm bảo nguồn nước cho những mùa vàng bội thu

08:13, 08/11/2016

BHG- “Nhất nước, nhì phân...”, nguồn nước luôn là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; góp phần mang lại những mùa vàng no ấm. Chính vì vậy, việc rà soát, vận hành và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư đã được ngành chức năng và các địa phương quan tâm, chú trọng, từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.

Cán bộ khuyến nông xã Phương Thiện (TP Hà Giang) kiểm tra kênh mương thôn Tiến Thắng.
Cán bộ khuyến nông xã Phương Thiện (TP Hà Giang) kiểm tra kênh mương thôn Tiến Thắng.

Nhờ đảm bảo đủ nước tưới, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các cánh đồng mẫu hiệu quả hơn, cây trồng được gieo cấy, sinh trưởng và phát triển đúng khung thời vụ; phần lớn người dân không còn cảnh “Trông trời mưa xuống...”.

Thực tế trước năm 2014, các CTTL sau đầu tư trên địa bàn tỉnh  chưa được rà soát và quản lý chặt chẽ, khiến cho tình trạng xuống cấp, hư hỏng thường xuyên xẩy ra; việc điều tiết nước gặp khó khăn do vận hành không hiệu quả, nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ không... Để “Xốc lại” công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi, hạn chế tình trạng xuống cấp, hư hỏng; ngày 6.6.2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH - UBND Về việc củng cố tăng cường quản lý, vận hành, bảo dưỡng CTTL, cấp nước sinh hoạt sau đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2015. Thực hiện kế hoạch này, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Phòng NN & PTNT các huyện, thành phố tiến hành rà soát các CTTL. Hiện, toàn tỉnh có trên 3.465 CTTL với tổng số chiều dài kênh mương là trên 4.495 km; trong đó, kênh kiên cố đang hoạt động tốt là 2.219,1 km; 744,5 km kênh bị hư hỏng, xuống cấp và trên 1.130 km kênh đất; phục vụ cấp nước tưới cho trên 9.150 ha lúa Đông - xuân và trên 21.790 ha lúa Mùa. Bên cạnh đó, các huyện chú trọng kiện toàn, củng cố và thành lập các Hợp tác xã (HTX), tổ thủy nông (TTN), tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng CTTL cho các HTX và các TTN và người dân. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 51 HTX và 283 TTN, một số huyện giao trực tiếp cho người dân quản lý; hàng năm trích kinh phí huy động bà con nạo vét kênh mương, duy tu bảo dưỡng và mở các lớp tập huấn về vận hành, bảo dưỡng các CTTL.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Mê, Lý Hải Vĩnh cho biết: Sau rà soát, quản lý; về cơ bản, các CTTL trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất. Các xã đều thành lâp các HTX, tổ khai thác các CTTL để thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Hàng năm, các xã ký hợp đồng và hỗ trợ kinh phí để các HTX, tổ khai thác các CTTL chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy, tu sửa trước mùa vụ, đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản suất. Đối với những diện tích lúa không chủ động về nước đã được các xã chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn cho năng suất cao.

Ông Phạm Bá Khoát, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh cho biết: “Sau rà soát, tăng cường công tác quản lý, vận hành CTTL theo Kế hoạch 96 của UBND tỉnh, có thể nhận thấy sự đổi thay rõ nét: Hệ thống các CTTL được thống kê đầy đủ; hầu hết các CTTL sau đầu tư đều có người quản lý, bảo vệ thông qua các HTX, tổ khai thác thủy nông hoặc người dân; các công trình đang phát huy hiệu quả tưới nước và điều quan trọng là sau tập huấn, người dân đã biết cách vận hành các CTTL một cách hiệu quả, tiết kiệm, tránh tranh chấp và lãng phí nguồn nước”.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là việc quản lý, bảo dưỡng các CTTL trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn do: Các HTX hoạt động chưa đổi mới, địa hình đồi núi phức tạp, hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm hư hỏng các CTTL; trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp, không thể khắc phục kịp thời dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nước hoặc nhiều diện tích lúa bị hạn theo, kinh phí hoạt động các HTX, TTN chưa được đảm bảo; chính quyền cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý, vận hành các CTTL; ý thức của người dân chưa cao.

Để có những mùa vàng bội thu, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, cần thiết phải quản lý, sử dụng hiệu quả các CTTL. Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sử dụng, tham gia bảo vệ, giữ gìn các CTTL; phát huy vai trò của các HTX, TTN; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, sử dụng nguồn vốn dự phòng, các nguồn vốn khác để khắc phục kịp thời, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Xăng dầu Hà Giang: Nghiệm thu, bàn giao Cửa hàng Xăng dầu Đồng Yên

BHG- Ngày 29.10, Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức nghiệm thu, bàn giao cửa hàng Xăng dầu Đồng Yên (xã Đồng Yên, Bắc Quang). 

31/10/2016
Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước và phổ biến các chế độ, chính sách mới

BHG- Sáng 31.10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tổ chức Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) và phổ biến các chế độ, chính sách mới. Tham dự hội nghị có lãnh đạo KBNN và các sở, ban, ngành của tỉnh; cán bộ KBNN các huyện, các đơn vị dự toán, kế toán trên địa bàn tỉnh.

31/10/2016
Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh giải ngân vốn vay tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên

BHG - Ngày 29.10, tại UBND xã Linh Hồ, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội LHPN huyện Vị xuyên tổ chức giải ngân vốn vay cho hội viên. Tới dự có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và huyện, đại diện Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh cùng đông đảo chị em hội viên Hội phụ nữ xã Linh Hồ. 

30/10/2016
Khi cử nhân... về làng

BHG - Tốt nghiệp các trường đại học với những tấm bằng loại khá, giỏi; nhiều cử nhân có cơ hội để làm việc tại các thành phố lớn, nhưng cũng có không ít bạn trẻ nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc quyết định trở về khởi nghiệp trên chính quê hương mình, quyết tâm bắt vùng đất khó "nhả ngọc" với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

29/10/2016