Triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững ở Quang Bình

09:12, 13/09/2016

BHG - Huyện Quang Bình có điều kiện tự nhiên, khí hậu khá thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện Quang Bình đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung quản lý, bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng hiện có và trồng rừng mới, vì thế độ che phủ rừng của toàn huyện đến nay đã đạt trên 64%.

Hiện nay, toàn huyện có trên 50.000 ha rừng hàng năm được bảo vệ; trong đó, bảo vệ rừng phòng hộ trên 20.000 ha, bảo vệ rừng sản xuất trên 29.000 ha tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với một diện tích rừng khá lớn như vậy, trong những năm qua thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ làm chủ, các hộ đã chủ động quản lý, khoanh nuôi bảo vệ và khai thác, vì thế diện tích rừng trên địa bàn các xã cơ bản ổn định.

Để thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững; vừa qua, BCH Đảng bộ huyện Quang Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 28.7.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) tập trung vào những nội dung cụ thể, sát thực với tình hình thực tế của địa phương. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo huyện Quang Bình cho biết: Sau khi Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy ban hành, huyện Quang Bình đã tập trung triển khai ngay Nghị quyết nhằm phát huy lợi thế của địa phương để tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn một cách đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, chế biến để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ lâm nghiệp. Góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm lâm nghiệp để nâng cao thu nhập, đồng thời phát triển lâm nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường và du lịch.

Các cơ sở chế biến gỗ ván bóc trên địa bàn huyện góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Các cơ sở chế biến gỗ ván bóc trên địa bàn huyện góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo kế hoạch của huyện từ nay đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu trồng 6.900 ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung 6.650 ha (gồm trồng mới 3.250 ha, trồng sau khai thác 3.400 ha; trồng rừng phân tán 375.000 cây tại các xã, thị trấn tương đương 50ha/năm, 250 ha cho cả giai đoạn 2016-2020). Cùng với đó, là khoanh nuôi xúc tiến tái sinh cho chu kỳ khoanh nuôi 5 năm 1.000 ha tại các xã: Tiên Nguyên, Tân Trịnh, Tân Bắc và Bằng Lang. Tập trung chỉ đạo chăm sóc diện tích rừng trồng để được cấp chứng chỉ (FSC) với diện tích rừng 10.500 ha tại các xã có diện tích rừng sản xuất lớn. Tăng năng suất rừng trồng đạt từ 75-80m2/ha trở lên. Diện tích được sử dụng giống tốt để trồng rừng đạt 30% diện tích rừng trồng tập trung, trong đó, Công ty Lâm nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện 28%, nhân dân các xã, thị trấn thực hiện 2%. Thực hiện 1 mô hình trồng rừng có sử dụng giống tốt và áp dụng kỹ thuật thâm canh cao làm trình diễn để nhân rộng với diện tích 5 ha.

Để thực hiện được kế hoạch đề ra, huyện Quang Bình cũng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu, nắm rõ nội dung của kế hoạch để cùng phối hợp thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện của từng năm, mỗi ngành, mỗi đơn vị phân công cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các thôn bản thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, để đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn. Trong đó tập trung vào nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách và chỉ tiêu của kế hoạch đề ra; tổ chức đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng năm, qua công tác tổng kết đánh giá lựa chọn các mô hình điển hình, những cách làm hay để làm tư liệu tuyên truyền cho các năm tiếp theo.

Cùng với đó, huyện cũng tập trung vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của chính quyền các cấp trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp tại địa phương. Đảng ủy các xã, thị trấn trên cơ sở nội dung kế hoạch hàng năm xây dựng chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề làm cơ sở triển khai thực hiện. UBND huyện và các xã, thị trấn chú trọng xây dựng các dự án để tranh thủ sự quan tâm của tỉnh và các sở, ban, ngành về chính sách đầu tư thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, khai thác chế biến lâm sản theo kế hoạch Nhà nước giao hằng năm, nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tế của địa phương. Tổ chức sắp xếp lại và củng cố tình hình hoạt động của đội ngũ cán bộ phụ trách lâm nghiệp các xã, thị trấn. Chỉ đạo thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được phân công. Hàng tháng giao cho cơ quan Kiểm lâm tổ chức giao ban công tác lâm nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động và triển khai nhiệm vụ tại cơ sở. Sắp xếp lại đội ngũ kiểm lâm địa bàn đảm bảo cho phù hợp cho từng xã, thị trấn. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của kiểm lâm địa bàn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Có ý kiến đề xuất với tỉnh và ngành chuyên môn bố trí đảm bảo mỗi xã, thị trấn có 1 kiểm lâm địa bàn kiện toàn và thành lập mới các tổ bảo vệ và phát triển rừng gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho 135 thôn bản và 15/15 xã, thị trấn. Thực hiện việc giao rừng để kết hợp bảo vệ rừng gắn với trồng Thảo quả dưới tán rừng tại 3 xã: Tân Nam, Tiên Nguyên, Xuân Minh... Thành lập các Tổ bảo vệ rừng gắn với công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các xã: Nà Khương, Bản Rịa, Yên Thành, Yên Bình, Tân Bắc, Tân Nam, Tiên Nguyên, Xuân Minh... Ngoài ra thành lập các Tổ bảo vệ và phát triển rừng theo hình thức tổ sản xuất, nhóm sở thích về phát triển rừng gắn với hương ước, quy ước của cộng đồng thôn, bản...

Có thể nói, với chủ trương và định hướng đúng đắn trong việc thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, huyện Quang Bình sẽ có bước phát triển lâm nghiệp mạnh và bền vững trong những năm tới...

HIẾN CHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh

BHG - Ngày 31.8, tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế của tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm 2016 và công tác quản lý đầu tư vào Khu kinh tế; cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành.

31/08/2016
Thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản bạ) nhiều cơ hội làm giàu bền vững

BHG- Thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ) được thiên nhiên ưu đãi nên có 3 sản vật nổi tiếng khắp vùng gồm gạo Bản Thăng, vịt Bản Thăng và rượu Bản Thăng.

31/08/2016
Nghị quyết 209 - động lực phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa ở Yên Minh

BHG - Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đang là "cánh cửa" mở ra cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. "Đối với huyện Yên Minh, đây được coi là động lực để huyện tập trung phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa...", đó là chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Yên Minh Nguyễn Khánh Lâm.

31/08/2016
Quyết tâm hình thành vùng rau an toàn ở Vị Xuyên

BHG - Nhằm hướng đến một nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng; từ đầu năm đến nay, huyện Vị Xuyên đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, người dân sản xuất rau an toàn (RAT); bước đầu đã có những mô hình được thành lập với sự đầu tư khá quy mô để cho ra nguồn sản phẩm RAT.

31/08/2016