Khuôn Lùng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí

09:59, 06/03/2016

BHG- Xuân sang, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã cấy xong trên 90 ha lúa, trồng trên 20 ha ngô và trên 34 ha đậu tương. Hiện nay, Khuôn Lùng đang tập trung cao độ nhằm hoàn thành các tiêu chí để đánh giá xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM).

Bài học về sự lãnh đạo:

Bài học ở đây không phải là sự “hô khẩu hiệu” mà đó là bài học của “sự thấu hiểu” lòng dân!. Tôi cầm bản đăng ký thi đua của Đảng bộ xã Khuôn Lùng được soạn thảo rất ngắn gọn, cụ thể. Bản đăng ký thi đua có 15 công việc đề ra đối với mỗi gia đình trong xã, cụ thể từng việc, của từng hộ và được mọi người đồng thuận ký cam kết thực hiện đâu phải chuyện dễ làm. Trao đổi với người dân trong xã và được nhiều người khẳng định: Bản cam kết thi đua sẽ sớm đưa Khuông Lùng “về đích” NTM.

Sắc Xuân một góc Làng Thượng (Khuôn Lùng).
Sắc Xuân một góc Làng Thượng (Khuôn Lùng).

Công việc cam kết đó bao gồm: Làm nhà sạch, đẹp, bền; xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà, hợp vệ sinh, đảm bảo thoáng mùa Hè, ấm về mùa Đông; có vườn rau xanh theo mùa, có các công trình phụ: Nhà tắm, bể nước theo tiêu chuẩn; có đường vào nhà (bê-tông, hoặc xếp đá). Tích cực đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; tham gia gìn giữ thôn, xóm xanh, sạch. Thực hiện thu gom chất thải theo đúng quy định; phấn đấu đạt gia đình văn hóa; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường... Căn cứ theo từng công việc cụ thể mà đồng bào trong xã đã từng bước, từng phần hoàn thiện theo đúng cam kết với chính quyền.

Hiểu theo nghĩa nữa cũng có thể kết luận: Việc xây dựng NTM là việc “của dân, do dân và cũng vì lợi ích của dân”. Do đó, mọi người dân đồng thuận làm, đồng lòng chia sẻ giúp đỡ nhau cùng thực hiện, ắt sẽ thành công. Còn phía Nhà nước “chỉ hỗ trợ” xây dựng những công việc “vượt” ra ngoài sức dân trong một chừng mực, thời gian nhất định. Còn lâu dài, liên tục “phải” là mỗi người dân tự chăm lo.

Để mọi nhà đều vào cuộc thi đua, Đảng bộ, chính quyền cơ sở đã phân công cán bộ phụ trách từng thôn, bản cùng làm với dân. Cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, cùng gánh vác trách nhiệm trước mỗi công việc nên đã tạo cho phong trào xây dựng NTM ở Khuôn Lùng đi vào nề nếp, có chiều sâu. Nói như các anh lãnh đạo xã là: Cán bộ phải hiểu dân, tin dân và làm cho dân tin cán bộ. Có như vậy, thì nhân dân mới cùng phấn đấu, cùng chia sẻ với nhau để xây dựng quê hương.

Thực tế những ngày đầu thực hiện phong trào xây dựng NTM, ai cũng thấy; Khuôn Lùng là xã vùng sâu, nhiều khó khăn. Có được mảnh ruộng bậc thang để cấy lúa đã mất mấy đời người san ủi, cải tạo. Còn ít cây rừng trồng mãi mới lớn, cây ăn quả trồng mãi mới có quả ăn...  Nay, cán bộ vận động cắt ruộng, chặt cây, làm đường..., khó thế, đau thế, mà khi cần đất, cần chặt cây người dân vẫn hiến. Đảng, Chính quyền cần tiền quyên góp để thuê xe chở cát, chở đá xây kênh mương, đắp đập dẫn nước... dân vẫn góp. Họ đóng góp  đất đai, tiền bạc, công sức “chính” là dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền cơ sở làm mọi việc đều là cho dân hưởng và làm cho cuộc sống trong tương lai con em người dân nơi đây tốt hơn, tươi sáng hơn.

Bài học từ lòng dân, sức dân.

Khuôn Lùng đã huy động và tập hợp được trong dân một nguồn lực vô cùng to lớn, trước hết phải kể đến phong trào nhà nhà hiến đất, góp công, góp tiền để làm đường giao thông: Hệ thống đường trục xã, liên xã đã nhựa hóa trên 6 km; đường trục liên xóm, bản được mở mới 24,3 km và được bê-tông hóa gần 20 km. Đường liên hộ được huy động đất đai, công sức làm mới 46,1 km và cứng hóa trên 11 km... Sau gần 5 năm huy động sức dân và sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và các tổ chức xã hội để mở đường, Khuôn Lùng đã làm hoàn thành hệ thống đường giao thông kết nối giữa các thôn, xóm, vùng miền.

Về thủy lợi, toàn xã có 57,7 km hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt. Hiện, trên 30,5 km kênh mương đã bê-tông hóa; đủ nước tưới chủ động mỗi mùa vụ. Số km kênh mương còn lại, xã đang tiếp tục huy động đóng góp từ nhân dân để từng bước hoàn thiện. Hệ thống điện lưới phủ kín 6/6 thôn, bản. Có 6 Nhà văn hóa thôn, diện tích mỗi nhà từ 1.000 – 1.500 m2, đạt 80 chỗ ngồi/nhà cũng được người dân đóng góp công sức, đất đai, tiền bạc để làm; và 1 khu vui chơi thể thao trung tâm diện tích trên 6.000 m2 được hoàn thành vào cuối năm 2015.

Đến thời điểm này, các anh lãnh đạo xã Khuôn Lùng khẳng định: Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá các tiêu chí; xong Khuôn Lùng có đủ điện, đường, trường học đạt chuẩn Quốc gia về Giáo dục, và y tế. Có chợ khang trang, có nền sản xuất phát triển; đồng bào được đào tạo nghề và được tổ chức làm ăn có thu nhập gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng gần 50% so lúc đầu thực hiện mục tiêu Quốc gia.

Thực tế cho thấy, hết năm 2015, Khuôn Lùng đã xóa hết nhà tạm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8% (tức 47 hộ nghèo/583 hộ toàn xã). Tết Nguyên đán mới đây, các gia đình chính sách, người có công, người già, cô đơn được toàn dân chăm lo; Tết đến, nhà nhà no đủ, vui tết, đón Xuân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc nỗ lực phủ xanh miền đá xám

BHG- Nếu ai đã từng đặt chân tới mảnh đất biên cương Mèo Vạc chắc hẳn sẽ không thể nào quên những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng với một màu xám xịt. Với mục đích thay dần màu xám ngắt của đá tai mèo bằng màu xanh của cây rừng, địa phương đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, quyết tâm mang đến một "không gian xanh" trên vùng Cao nguyên đá.

29/02/2016
Ngành Công thương nỗ lực xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Nói đến Hà Giang chắc hẳn ai cũng nghĩ đến sản phẩm cam sành, một loại quả ngọt, thơm đặc trưng và rất ít sử dụng các loại thuốc bảo quản. Tuy nhiên cam được tiêu thụ phần lớn là do người nông dân tự tìm kiếm thị trường mà chưa có thị trường ổn định. Xác định được điều đó, những năm gần đây, Sở Công thương đã tích cực xúc tiến, quảng bá cam sành Hà Giang đến với người tiêu dùng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa cam sành thâm nhập thị trường, từng bước tìm đầu ra ổn định.

27/02/2016
Trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4

BHG- Có mặt trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4 thuộc thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành (Bắc Quang) ngay sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, chúng tôi được chúng kiến tinh thần lao động vô cùng khẩn trương của cán bộ, công nhân trên công trường. 

26/02/2016
Nuôi trâu vỗ béo ở thị trấn Tam Sơn

BHG - Trước đây, người dân chỉ nuôi trâu để phục vụ cày cấy, thế nhưng giờ đây, ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đã xuất hiện nhiều gia đình năng động, chuyển đổi sang nuôi trâu vỗ béo nhằm tăng thu nhập cho gia đình. 

25/02/2016