Ngành Công thương nỗ lực xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang

08:20, 27/02/2016

BHG- Nói đến Hà Giang chắc hẳn ai cũng nghĩ đến sản phẩm cam sành, một loại quả ngọt, thơm đặc trưng và rất ít sử dụng các loại thuốc bảo quản. Tuy nhiên cam được tiêu thụ phần lớn là do người nông dân tự tìm kiếm thị trường mà chưa có thị trường ổn định. Xác định được điều đó, những năm gần đây, Sở Công thương đã tích cực xúc tiến, quảng bá cam sành Hà Giang đến với người tiêu dùng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa cam sành thâm nhập thị trường, từng bước tìm đầu ra ổn định.

Vườn cam sành trĩu quả của gia đình anh Sùng Diu Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
Vườn cam sành trĩu quả của gia đình anh Sùng Diu Sì, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).

Nhớ lại thời “hoàng kim” của cam sành Hà Giang, khi đó cây cam sành phát triển mạnh mẽ về diện tích, năng suất, chất lượng và chỗ đứng trên thị trường, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, từ năm 2008, do nhiều nguyên nhân mà quả cam sành mất dần vị thế, chỗ đứng trên thị trường. Từ đó, sản lượng, năng suất, diện tích cam ngày càng sụt giảm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2012, diện tích cam giảm còn 1.500 ha, trong đó có hơn 1.000 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình tụt xuống 6 tấn/ha, sản lượng giảm còn khoảng 10.000 tấn so với năm 2005. Từ những con số báo động đó, những năm trở lại đây, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân phát triển lại vườn cam sành, khôi phục lại loại cây có giá trị kinh tế cao. Với những chính sách cụ thể, cùng với nhu cầu về cam sành Hà Giang của thị trường tăng dần nên hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được 5.709,4 ha cam (tăng trên 4,1 nghìn ha so với năm 2012). Trong đó, 134,9 ha cam sành được chứng nhận VietGap, gần 1.600 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân 82,9 tạ/ha (tăng 16,2 tạ/ha so với năm 2012). Riêng năm 2015, tổng giá trị sản phẩm cam, quýt toàn tỉnh ước đạt trên 144,7 tỷ đồng; giá trị cam VietGap tại vườn đạt 15-40.000 đồng/kg.

Tuy giá trị, chất lượng của cam sành Hà Giang đang được cải thiện rõ nét, nhưng quả cam sành Hà Giang không còn độc tôn trên thị trường, mà có sự cạnh tranh rất lớn từ các loại cam khác như cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), cam sành Trung Quốc, cam Vinh... Thị trường cam sành của Hà Giang vẫn còn thu hẹp, chưa ổn định đầu ra, nên thu nhập về sản phẩm cam vẫn còn bấp bênh, phụ thược nhiều vào thị trường trong nước. Để tìm kiếm thị trường ổn định cho cam sành, tỉnh ta đã giao các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong năm 2015 – 2016, ngành Công thương đã có những giải pháp cụ thể, tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, cập nhật các hình ảnh, thông tin về sản phẩm cam sành trên các phương tiện thông tin; in ấn catalog, tờ rơi, tập gấp phục vụ cho du khách tới tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh sang thị trường Trung Quốc; trưng bày sản phẩm cam sành tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng”... Về hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến Công – Xúc tiến Công thương đã tham gia mở các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam sành tại các hội chợ lớn, các kỳ hội nghị quốc tế trong nước như: Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132, được tổ chức tại Hà Nội, đã giới thiệu hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt làm cam sành được nhiều đại biểu trong nước, quốc tế biết đến; tổ chức quảng bá sản phẩm cam sành Vietgap tại Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm tại tỉnh Quảng Ninh... Đặc biệt, trong quý I, năm 2016, ngành Công thương sẽ liên hệ, làm việc với các Sở Công thưởng của các tỉnh phía Bắc, tìm địa điểm cụ thể để giới thiệu và bán sản phẩm cam sành Hà Giang; làm việc trực tiếp với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ở Hà Nội để đưa cam sành vào trưng bày, quảng bá; tổ chức Hội chợ cam sành quy mô cấp tỉnh...

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VXI đề ra, cây cam là một trong năm sản phẩm cây con chủ lực, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Việc thúc đẩy, phát triển lại vùng cam sành đang là hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, kinh tế cho người nông dân. Cùng với đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành cũng khá quan trọng, với những giải pháp cụ thể mà ngành Công thương đã làm và định hướng trong thời gian tới, tin tưởng rằng giá trị cam sành Hà Giang ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Lê Lâm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4

BHG- Có mặt trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4 thuộc thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành (Bắc Quang) ngay sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, chúng tôi được chúng kiến tinh thần lao động vô cùng khẩn trương của cán bộ, công nhân trên công trường. 

26/02/2016
Hội nghị đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020

BHG - Ngày 25.2, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Tham dự có: lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Công nghệ sinh học – Đại học Lâm nghiệp...

25/02/2016
Phát huy những cách làm hay trong xây dựng Nông thôn mới

BHG - Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta phấn đấu có 38 xã hoàn thành 19 chỉ tiêu Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các xã còn lại phấn đấu mỗi năm tăng từ 1-2 tiêu chí, tổng nguồn lực cần huy động trên 13,7 nghìn tỷ đồng... Con số trên được dự báo rất khó, nhưng sẽ thành hiện thực nếu tiếp tục phát huy hiệu quả cách làm hay trong XDNTM giai đoạn trước.

25/02/2016
Nuôi trâu vỗ béo ở thị trấn Tam Sơn

BHG - Trước đây, người dân chỉ nuôi trâu để phục vụ cày cấy, thế nhưng giờ đây, ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đã xuất hiện nhiều gia đình năng động, chuyển đổi sang nuôi trâu vỗ béo nhằm tăng thu nhập cho gia đình. 

25/02/2016