Chặng đường "về đích" của Lũng Pù còn nhiều khó khăn

09:57, 06/03/2016

BHG- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Lũng Pù (Mèo Vạc) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhưng để hoàn thành lộ trình xây dựng NTM đúng thời gian thì vẫn còn nhiều “cửa ải” đối với một xã vùng cao núi đá như Lũng Pù.

Là một trong 3 xã điểm xây dựng NTM của huyện Mèo Vạc, năm 2010, xã Lũng Pù bắt tay vào xây dựng NTM. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức của đại bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Là xã núi đá nên đất sản xuất, canh tác ít; nước sản xuất và sinh hoạt cũng là một trong những vấn đề nan giải của chính quyền địa phương. Nội lực từ trong dân yếu, chưa huy động được nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng NTM vì vậy tiến độ triển khai chương trình chậm...

Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó đối với xã.  Trong ảnh: Người dân Lũng Pù tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó đối với xã. Trong ảnh: Người dân Lũng Pù tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Trong 5 năm, toàn xã mới bê-tông hóa được 5,1 km đường trục thôn, 375 m đường vào các hộ, 478 m đường bê-tông vào nhóm hộ, mở rộng được 400 m đường dân sinh. Xét về tiêu chí 2 hiện nay, đồng nghĩa với việc để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã phải bê – tông hóa hơn 66% đường trục thôn còn lại, cứng hóa gần 95% đường ngõ xóm và 100% đường nội đồng. Đây thực sự là thử thách khó đối với một xã miền núi nghèo như Lũng Pù. Chính quyền địa phương khẳng định, tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó đối với xã nếu không có nguồn hỗ trợ thì khó đạt được.

Bên cạnh đó, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo thực sự là một bài toán nan giải đối với xã trong lộ trình xây dựng NTM. Do đặc điểm là xã vùng cao núi đá thuần nông, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và thương mại – dịch vụ chậm phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp ở địa phương khá cao, với tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm khoảng 80% như hiện nay thì việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện “một sớm một chiều”; trong khi công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế. Trong 5 năm, mới tổ chức được 10 lớp dạy nghề với khoảng 700 học viên tham gia, ngành nghề đạo tạo chủ yếu là trồng trọt, cắt may, xây dựng...

Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm. So với mức đạt chuẩn 18 triệu đồng/người/năm là một khoảng cách không nhỏ. Để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thực hiện các mô hình: Nuôi ong, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn đen... Tuy nhiên, hiệu quả bước đầu mà các mô hình đem lại chưa đáng kể; mới chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện phần nào cuộc sống, chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm gần 50% (theo chuẩn nghèo cũ).

Cùng với đó, các tiêu chí về điện, trường học, cơ sở, vật chất văn hóa, nhà ở dân cư... cũng là những “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền xã Lũng Pù. Hiện nay, toàn xã mới có 33,9% số hộ được sử dụng điện thường xuyên; trong khi đó, để đạt tiêu chí này thì số hộ sử dụng điện thường xuyên phải trên 98%. Về tiêu chí cơ sở, vật chất văn hóa, hiện toàn xã mới có 3/12 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hay tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, hiện mới có 8 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn, chiếm 0,96% trong toàn xã... Tính đến hết năm 2015, xã mới hoàn thành 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM; 11 tiêu chí còn lại được đánh là khó nên chặng đường phấn đấu đưa địa phương “cán đích” NTM đối với xã Lũng Pù còn rất nhiều chông gai...

Trao đổi với chính quyền địa phương, được biết nguyên nhân cốt lõi khiến cho lộ trình xây dựng NTM ở Lũng Pù gặp nhiều khó khăn là do thiếu vốn đầu tư. Thời gian qua, chính quyền xã đã lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ bản; đồng thời, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào còn nhiều thiếu thốn, nội lực từ trong dân yếu nên sự đóng góp cũng rất khiêm tốn, chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng. Với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% như hiện nay, Lũng Pù đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ phía người dân. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có. Do vậy, kinh phí xây dựng NTM phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được cấp hàng năm. Đây chính là rào cản rất lớn trong lộ trình xây dựng NTM của địa phương...

Có thể nói, chương trình xây dựng NTM đã đến từng hộ, được người dân nhiệt tình hưởng ứng; nhưng trước nhiều khó khăn nhất định, chặng đường “cán đích” NTM của xã núi đá Lũng Pù vẫn còn nhiều khó khăn; đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để xã phấn đấu vươn lên hoàn thành các tiêu chí còn lại trên bước đường xây dựng NTM.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc nỗ lực phủ xanh miền đá xám

BHG- Nếu ai đã từng đặt chân tới mảnh đất biên cương Mèo Vạc chắc hẳn sẽ không thể nào quên những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng với một màu xám xịt. Với mục đích thay dần màu xám ngắt của đá tai mèo bằng màu xanh của cây rừng, địa phương đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, quyết tâm mang đến một "không gian xanh" trên vùng Cao nguyên đá.

29/02/2016
Ngành Công thương nỗ lực xúc tiến, quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Nói đến Hà Giang chắc hẳn ai cũng nghĩ đến sản phẩm cam sành, một loại quả ngọt, thơm đặc trưng và rất ít sử dụng các loại thuốc bảo quản. Tuy nhiên cam được tiêu thụ phần lớn là do người nông dân tự tìm kiếm thị trường mà chưa có thị trường ổn định. Xác định được điều đó, những năm gần đây, Sở Công thương đã tích cực xúc tiến, quảng bá cam sành Hà Giang đến với người tiêu dùng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa cam sành thâm nhập thị trường, từng bước tìm đầu ra ổn định.

27/02/2016
Trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4

BHG- Có mặt trên công trường Nhà máy thủy điện Sông Lô 4 thuộc thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành (Bắc Quang) ngay sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, chúng tôi được chúng kiến tinh thần lao động vô cùng khẩn trương của cán bộ, công nhân trên công trường. 

26/02/2016
Bắc Quang phát triển các thôn trung tâm xã theo hướng đô thị

BHG - Chỉ trong 5 năm gần đây, nhiều thôn trung tâm (TTT) tại 4 xã: Hùng An, Đồng Yên, Kim Ngọc và Bằng Hành của huyện Bắc Quang từng bước khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa, giáo dục, dịch vụ,... góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH toàn huyện. Kết quả quan trọng này được khơi nguồn từ Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang khóa XX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) về quy hoạch, xây dựng, phát triển các TTT xã theo hướng đô thị (ĐT).

25/02/2016