"Đầu tư có thu hồi" ở Quản Bạ – hình thức phù hợp trong XĐGN

08:11, 11/08/2015

BHG- Đầu tư có thu hồi (ĐTCTH) là hình thức đang phổ biến rộng rãi ở Quản Bạ. Thay vì hỗ trợ không hoàn lại, nhỏ lẻ như trước kia, hình thức đầu tư này có tác dụng làm thay đổi tư tưởng “trông chờ ỷ lại”, nâng cao trách nhiệm của người được hưởng thụ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Người dân phải tiếp cận các kiến thức về quản lý và quay vòng vốn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn.

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa:

Đã triển khai ĐTCTH hơn 1 năm nay tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Lương Tất Thịnh, cho biết: “Qua 1 đợt vay vốn thấy rằng các hộ đều dùng tiền vốn đúng mục đích, phát triển được quy mô đàn lợn, thậm chí có hộ còn phát triển sản xuất khá mạnh. Xã đã thu về hết tiền vốn đợt 1 là 15 triệu đồng/hộ và dự kiến cho 15 hộ khác vay vốn để mua thêm con giống. Điều kiện lần này là các hộ phải có chuồng trại đầy đủ, có sẵn ít nhất là 10 con lợn, bể biogas. Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi tăng thu nhập thì xã cũng khuyến kích các hộ xây bể biogas để có thêm chất đốt, nguồn phân bón, hạn chế được số người đi rừng chặt củi về làm chất đốt”.

Đàn lợn trong mô hình “Đầu tư có thu hồi” của gia đình chị Viên Thị Tiến, ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ.
Đàn lợn trong mô hình “Đầu tư có thu hồi” của gia đình chị Viên Thị Tiến, ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ.

Phát huy thành công của năm trước, huyện tiếp tục thực hiện mô hình ĐTCTH trong chăn nuôi bò vỗ béo, dê hàng hóa, bò sinh sản, ngựa sinh sản tại 10 xã có thế mạnh và điều kiện phát triển chăn nuôi. Với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,4 tỷ đồng, các hộ sẽ được vay vốn không lãi suất từ 25 – 40 triệu đồng/hộ tùy vào mục đích chăn nuôi. Thời gian thu hồi vốn là 12 tháng đối với hộ chăn nuôi bò vỗ béo và 24 tháng đối với các hộ chăn nuôi bò sinh sản, dê hàng hóa, ngựa sinh sản.

Những đồng vốn này đã trở thành nguồn lực kịp thời đối với các hộ có khả năng phát triển chăn nuôi mà chưa dám vay vốn ngân hàng. Đến thăm gia đình chị Viên Thị Tiến, ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ, được chị chia sẻ: “Nhà tôi vay vốn từ năm 2014, tôi dùng vào việc sửa chữa mở rộng thêm 1 gian chuồng, xây bể biogas và mua thêm lợn giống về nuôi. Đợt đầu nuôi được 20 con lợn, 5 tháng xuất chuồng 1 lứa, trung bình mỗi đợt bán lợn lãi khoảng 15 triệu đồng. Sau khi bán 2 lứa lợn thì nhà tôi đã trả 15 triệu đồng tiền vốn vay đợt 1”. Trước đây, hộ chị Tiến chỉ nuôi 4 – 5 con lợn/lứa, tiền lãi thu về không đáng kể, nhưng kể từ khi quy mô đàn lợn tăng lên đã mang về thu nhập khá cho gia đình.

Một hộ khác đang chờ được vay vốn là anh Mua Văn Phúc, ở thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân, cho biết: “Tôi rất vui khi nghe tin huyện cho vay vốn để phát triển chăn nuôi. Hiện nhà tôi đã có chuồng nuôi 2 con bò, nếu có vốn tôi sẽ sử dụng để sửa lại chuồng trại, mua thêm 2 con bò. Dù chỉ được vay vốn 1 năm không lãi suất nhưng tôi tin rằng số tiền này dùng để phát triển đàn bò sẽ đem lại thu nhập khá hơn trước”.

Cần tính toán việc thu hồi vốn:

ĐTCTH là hình thức hỗ trợ có nhiều thuận lợi như: Người dân chủ động được nguồn con giống tại chỗ; tạo điều kiện cho nhân dân có vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chăn nuôi, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.

Dù vậy, sau một thời gian thử nghiệm hình thức này cũng bộc lộ hạn chế, Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Nguyễn Minh Tiến, cho biết: “Năm ngoái xã có 10 hộ được vay 45 triệu đồng/hộ không lãi suất để đầu tư nuôi lợn hàng hóa. Trong đó, có một số hộ sau khi vay vốn phát triển được đàn lợn, vài hộ khác thì nuôi không tốt, đến nay vẫn chưa đủ tiền để trả vốn. Khó khăn của xã là chưa thu hồi được tiền cho vay đối với các hộ làm ăn thua lỗ”. Hiện nay, chưa có biện pháp giải quyết đối với những hộ vay vốn mà không phát triển được chăn nuôi hoặc chăn nuôi thất bại đã gây lúng túng cho các xã trong việc thu hồi vốn. Hơn nữa, điều này cũng gây chậm trễ đối với các hộ khác có mong muốn vay vốn để phát triển sản xuất. Ngoài ra, việc cho vay vốn chậm tại một số xã cũng làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.

ĐTCTH là hình thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất chăn nuôi tại địa phương, giúp nguồn vốn được bảo toàn để mở rộng sản xuất tại các xã, thị trấn. Dù còn một số hạn chế song hình thức này đã phát huy được hiệu quả tích cực của nguồn vốn, mong rằng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

19 con trâu chết hàng loạt tại thôn Khuổi Dò, Bạch Ngọc là do sét đánh

BHG - Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND xã Bạch Ngọc phát hiện đàn trâu 19 con của 8 gia đình tại thôn Khuổi Dò chết chưa rõ nguyên nhân tại bãi chăn thả gia súc tập trung của thôn. Chiều 31/7, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng trên địa bàn tìm rõ nguyên nhân và tiến hành xử lý. 

31/07/2015
19 con trâu chết cùng thời điểm ở thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên)

BHG - Chiều 30. 7, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã Bạch Ngọc đã cử cán bộ đến thôn Khuổi Dò kiểm tra việc 19 con trâu chết chưa rõ nguyên nhân. 

31/07/2015
Cánh đồng ngô "5 cùng" thay đổi cách sản xuất truyền thống ở Quản Bạ

BHG- Bước vào vụ ngô năm nay, nông dân Quản Bạ rất phấn khởi khi những cánh đồng ngô trải dài khắp thung lũng đều được mùa. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ngô vụ này trồng được 5.045ha, đạt 84% kế hoạch. Trong đó, ngô lai có diện tích là 2.733ha gồm các giống NK4300, NK 54, NK 66, CP989, CP 999...

30/07/2015
Bắc Quang "rốn mưa"... gặp hạn

BHG- Bắc Quang là một trong những vùng có số ngày mưa lớn nhất cả nước, lên đến 200 ngày/năm (lượng mưa trung bình khoảng 4.665-5.000 mm/năm, bắt đầu từ tháng 5-11 tổng lượng mưa/năm chiếm 90%). Thế nhưng, vụ Mùa này, nhiều xã trên địa bàn huyện phải "gồng mình" chống hạn.

29/07/2015