Nghị quyết 47 - "đòn bẩy" thúc đẩy chăn nuôi ở Xín Mần

07:46, 19/03/2015

BHG- Ngày 14.7.2012, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVI, kỳ họp thứ 5 đã ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ- HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển KT-XH. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện tại Xín Mần đã mang lại kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Chị Lợi ở xã Khuôn Lùng nuôi lợn thu 396 triệu đồng/năm.
Chị Lợi ở xã Khuôn Lùng nuôi lợn thu 396 triệu đồng/năm.

“Đòn bẩy” thúc đẩy chăn nuôi gia súc.

Rất tự tin, ông Hoàng Văn Khôi, xã Nà Chì (Xín Mần) cho biết: Kể từ năm 2013, được Ngân hàng NN&PTNT huyện Xín Mần cho vay vốn phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 47/2012/HĐND tỉnh; gia đình ông đã thực sự vươn lên. Chỉ tính riêng năm 2014, gia đình đã xuất chuồng trên 30 tấn lợn hơi, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Sau trừ chi phí giống, vốn, công chăm sóc vẫn lãi trên 300 triệu đồng. Ông Khôi xác nhận, nếu làm nông đơn thuần trồng trọt hoặc chăn thả rông dài kiểu được chăng hay chớ trước kia thì không thể và không bao giờ có được thu nhập cao như vậy. Ông Khôi khẳng định: Nghị quyết 47 đã thực sự trở thành chiếc “đòn bẩy” để cho gia đình ông có đủ điều kiện đầu tư chiều sâu và đưa chăn nuôi trở thành nghề sản xuất chính cho thu nhập cao. Ông cho biết thêm, trong xã Nà Chì có ít nhất 5 hộ sử dụng hiệu quả vốn vay hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 47. Các anh lãnh đạo xã Nà Chì cho rằng, xã đã tổ chức nhiều lần cho bà con trong các thôn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm một số gia đình sử dụng vốn vay thông qua Nghị quyết 47. Kết quả cho thấy, có rất nhiều hộ đã đăng ký vay vốn, đầu tư chuồng trại để làm theo cách làm của ông Khôi. Đồng bào xã Nà Chì đang hy vọng, năm 2015 sẽ có nhiều hộ tham gia vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 47 để tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy chăn nuôi đại gia súc để thoát nghèo bền vững và hướng tới làm giàu. Qua khảo sát thực tiễn còn ghi nhận: Tại xã Khuôn Lùng có gia đình chị Hoàng Thị Lợi, sau hơn 2 năm sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 47 cũng đã trở thành gia đình có của ăn, của để và trở thành nơi học hỏi kinh nghiệm làm ăn của đông đảo bà con trong xã. Chị Lợi khiên tốn cho hay: Kể từ năm 2013, sau khi đầu tư chuồng trại, gia đình đã mạnh dạn nuôi ít nhất 35 – 50 con lợn/lứa. Có sự giúp đỡ của các cán bộ thú y, đàn lợn được tiêm phòng định kỳ, và được nuôi dưỡng đúng cách, đúng khoa học nên phát triển tốt. Ngay năm đầu tiên, gia đình chị đã thu lời hàng trăm triệu đồng từ nuôi lợn. Cũng làm theo cách đó, tại xã Quảng Nguyên có gia đình anh Hoàng Văn Hồng nổi lên thành gia đình khá từ cuối năm 2013 nhờ chăn nuôi đại gia súc. Khẳng định với tôi, anh Hồng nói: Lãi ít nhất là 20-30 triệu đồng/lứa/4 tháng nuôi. Nghị quyết 47/2012/NQ – HĐND tỉnh đã thực sự giúp gia đình hết nghèo. Tuy nhiên, anh Hồng cũng chia sẻ: Không phải nhà nông nào cũng tiếp cận được vốn vay theo tinh thần Nghị quyết 47 để làm ăn đâu nhé...?!

“Nút thắt” cần tháo gỡ.

Qua đánh giá sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện Xín Mần cho thấy: Nghị quyết 47 đã triển khai thực hiện được gần 3 năm kể từ ngày ban hành nhưng vẫn còn chậm đi vào cuộc sống. Anh Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: “Nút thắt” khó nhất chính là chỗ Ngân hàng NN&PTNT: Thủ tục giấy tờ còn khá nặng nề, lắm thủ tục hành chính. Theo phản ánh, đã có khá nhiều lần, một số hộ trong xã Nà Chì cũng đã đề cập chuyện làm thủ tục vay vốn Ngân hàng để chăn nuôi còn quá khó khăn, đó là thực tế cần được tháo gỡ. Điểm nghẽn thứ 2 là sự “trả bù lãi suất vốn vay” bằng ngân sách địa phương. Xín Mần là huyện nghèo 30a đang nhận sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội là thực tế. Bởi thế, nếu có triển khai rộng Nghị quyết 47 cho vay thì cũng khó có đủ ngân sách trả lãi Ngân hàng cho các hộ hàng năm. Theo tính toán của Phòng NN&PTNT huyện Xín Mần, tính đến hết tháng 12.2014, toàn huyện có 68 hộ đã vay vốn theo tinh thần Nghị quyết 47 phát triển đàn lợn và 665 hộ vay nuôi trâu bò với tổng vốn đầu tư cho vay hỗ trợ lãi suất gần 14 tỷ đồng. Tính toán của cơ quan chức năng huyện Xín Mần cho biết, nguồn ngân sách huyện phải trả lãi vay cho Ngân hàng thông qua hỗ trợ lãi suất vay theo Nghị quyết 47 năm 2015 sẽ vào khoảng gần 1 tỷ đồng (vay cũ). Nếu có thêm 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 30a đối với huyện nghèo như Xín Mần thì sẽ có thêm hàng trăm hộ nghèo được giúp đỡ xóa nghèo? Việc trả lãi suất vay Ngân hàng đang đè lên vai người nghèo thông qua ngân sách địa phương hạn hẹp, cũng là thực tiễn cần được tháo gỡ. Theo kế hoạch tổ chức lại sản xuất,  lấy chăn nuôi làm hướng đầu tư phát triển trọng tâm trong năm 2015 ở Xín Mần sẽ có thêm khoảng 2.000 hộ. Nếu giả sử, 2.000 hộ được vay vốn phát triển sản xuất thông qua việc trả lãi từ ngân sách địa phương thì Xín Mần không thể cáng đáng nổi?! Mất đi một khoản ngân sách chi trả là mất đi một nguồn lực hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn một huyện nghèo. Còn người hưởng lợi thông qua nguồn hỗ trợ từ ngân sách không ai khác lại “chính là Ngân hàng NN&PTNT”. Điều đó ví như chúng ta “đang lấy tiền của người nghèo” để “cho” người giàu? Cho nên, cần được nghiên cứu điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ sao cho đúng, cho hiệu quả đối với chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện nay?! Bên cạnh đó, vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính phía Ngân hàng nếu không được tháo gỡ sẽ là khó khăn khó vượt qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu cho rằng, UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu cách tháo gỡ “nút thắt” nêu trên để Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới

BHG- Sáng 18.3, Đoàn công tác của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tại thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) về xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Tham gia làm việc với đoàn có Thường trực HĐND, UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và cấp ủy, chính quyền xã Tả Lủng.

18/03/2015
Họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh

BHG- Ngày 18.3, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh tổ chức họp đánh giá tình hình hoạt động năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành thành viên.

18/03/2015
Tích cực quảng bá các sản phẩm tiểu biểu, thế mạnh của tỉnh với du khách và người tiêu dùng

BHG - Với nhiệm vụ là cầu nối giữa các sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh với thị trường, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tỉnh (XTCT) luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) quảng bá các sản phẩm mà đơn mình sản xuất ra. Hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm với thị trường mà Trung tâm Khuyến công XTCT đang triển khai cũng khá phong phú, trong đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các gian hàng trưng bày tại hội nghị, hội thảo, triển lãm... đã và đang mang lại hiệu quả cao, được các đại biểu, du khách và người dân đặc biệt chú trọng, tham quan tìm hiểu.

17/03/2015
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp – "chìa khóa" nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững:Kỳ II-Giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

BHG - Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, gắn chặt với tái cơ cấu ngành Công nghiệp và dịch vụ - thương mại, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành,..

17/03/2015