Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị chè chất lượng cao

07:44, 10/07/2014

HGĐT- Ngày 9.7, tại huyện Hoàng Su Phì, Sở NN-PTNT, UBND huyện Hoàng Su Phì và Tổ chức phát triển Hà Lan phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị chè chất lượng cao và bền vững đến 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố của tỉnh; các chuyên gia ngành chè; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè trong và ngoài tỉnh...



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến tham quan khu trưng bày sản phẩm chè Hoàng Su Phì.


Báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Trong sản xuất nông nghiệp, chè được xác định là cây hàng hoá chiến lược, được trồng, sinh trưởng, phát triển tốt ở tất cả các huyện, thành phố của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20 nghìn ha chè, trong đó có 16.227 ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt 57.459 tấn/năm, đem lại thu nhập 460 tỷ đồng, chiếm trên 12% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Tiềm năng, năng suất chè còn rất lớn, nhiều triển vọng, được nhiều thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, đánh giá cao. Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trongchiến lược phát triển kinh tế, có lợi thế và cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng việc tổ chức sản xuất, kết nối thị trường còn hạn chế, sản phẩm chè của tỉnh chưa có vị thế ổn định trên thị trường, thu nhập của người sản xuất còn thấp. Sản phẩm chè chưa thực sự có chiến lược phát triển rõ nét, một số thông tin cơ bản trong chuỗi giá trị như thu nhập trung bình, tập quán canh tác, sản lượng chè xuất khẩu, chè nội tiêu... chưa được cập nhật đầy đủ và có hệ thống.


Chủ trương của tỉnh xác định, đến năm 2015 ổn định diện tích chè ở mức 20,5 nghìn ha và tăng lên 24,3 nghìn ha vào năm 2020, trong đó có 21 nghìn ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 59,4 tạ/ha, nâng sản lượng chè búp tươi lên trên 124 nghìn tấn/năm; tập trung đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, cải tạo diện tích chè già, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chè.


Trên cơ sở định hướng của tỉnh, nhiều chính sách cũng được ban hành như: Hỗ trợ các hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường từ trục chính vào khu nhà máy, hệ thống cấp điện, nước nằm trong vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hỗ trợ 40-60% kinh phí xây dựng hạng mục nhưng không quá 2 tỷ đồng/nhà máy; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại các tổ chức tín dụng với thời gian 24 tháng, mức tiền vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 triệu đồng đối với hộ gia đình, 200 triệu đồng đối với HTX, doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến, kho bảo quản bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.


Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương tập trung sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất chè an toàn và chè hữu cơ. Đối với sản phẩm chè hữu cơ, tập trung ở vùng chè Shan tuyết huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên; sản phẩm chè an toàn (VietGap), tập trung tại các huyện vùng thấp gồm Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn tại các huyện còn lại. Đồng thời, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tập trung vào 2 loại sản phẩm trên. Các nhà máy, cơ sở chế biến phải đăng ký hoạt động kinh doanh, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân...


Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Trên địa bàn cả nước, rất nhiều tỉnh có sản phẩm chè, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải tạo được sự khác biệt thì mới chiếm lĩnh được thị trường. Con đường nâng cao sản phẩm chè Hà Giang phải xác định theo hướng chè hữu cơ, nhưng làm như thế nào để ra được dòng sản phẩm này, cần cơ chế, chính sách, chế tài gì, mối liên kết giữa trồng, thu hái, chế biến sản phẩm như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương phải tư duy theo hướng mỗi huyện chỉ nên có một thương hiệu chè riêng biệt; làm thế nào để liên kết được giữa hộ trồng chè và cơ sở chế biến thành một chuỗi trong quy trình sản xuất... Có như vậy, vùng chè Hà Giang mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng, đời sống người dân trồng chè mới được cải thiện.


Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế của sản phẩm chè Hà Giang, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sản xuất bền vững ở Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản
HGĐT- Đầu tư chiều sâu vào công nghệ tiên tiến để hướng tới nền sản xuất “sạch” bền vững, là những việc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản Hà Giang đang làm bấy lâu nay.
10/07/2014
Đồng Văn quan tâm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
HGĐT- Cùng với việc xác định lấy nông nghiệp, phát triển du lịch là trọng tâm; thời gian qua, huyện Đồng Văn đặc biệt quan tâm, chú trọng tới việc khai thác các lợi thế tiềm năng của địa phương trong việc mở rộng các ngành nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.
10/07/2014
Vì sao các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng
HGĐT- 84.554 hộ dân tham gia bảo vệ trên 180 nghìn ha rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện đã góp phần điều tiết, cung cấp nước sản xuất điện với sản lượng mỗi năm hàng tỷ KWh, đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các công ty sản xuất điện lại nợ của người dân gần 34 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ảnh hưởng đến quyền lợi hàng chục nghìn hộ dân cung
09/07/2014
Vụ mùa ở Quang Bình
HGĐT- Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng thì ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất. Hiện cơ quan chuyên môn
09/07/2014