Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa

07:09, 23/08/2012

HGĐT- Trong sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc, do chịu sự chi phối của yếu tố địa hình, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đang là một hướng đi trọng tâm trong công tác XĐGN của huyện .


Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá, địa hình chia cắt hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đã hạn chế sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng trong huyện. Bên cạnh đó, trong tổng số diện tích tự nhiên của huyện là 56.309,42 ha thì đất nông nghiệp chỉ chiếm có 33,51%. Đồng thời, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rét đậm, rét hại, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất là một rào cản lớn trong việc giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn (hiện tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức 56,93% tổng số hộ trong toàn huyện). Để tập trung tháo gỡ khó khăn, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất luôn được huyện quan tâm.


Trao đổi với đồng chí Vũ Thành Lâm, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, được biết: “Trong những năm trở lại đây, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND, đặc biệt là sự chủ động của ngành nông nghiệp huyện đã triển khai thành công nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được ưu tiên hàng đầu và đã tạo niềm tin trong nhân dân”. Huyện xác định, phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp cùng với trồng cỏ chăn nuôi bò, dê hàng hóa là hướng đi chính. Chính vì vậy mà tổng số đàn gia súc trong huyện không ngừng được nâng lên. Theo thống kê tới thời điểm hiện tại, đàn gia súc toàn huyện có 89.919 con, tăng 2,80% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, do chủ động làm tốt công tác chăm sóc phòng, chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, Tình trạng gia súc bị chết do đói, rét ngày một hạn chế. Các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc luôn được thực hiện đầy đủ. Ngay từ những ngày đầu năm, tiêm phòng được 94.867 liều, tăng 29,51% so với cùng kỳ.


Theo như tính toán của huyện Mèo Vạc thì thu nhập bình quân đầu người đạt 6,35 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ chăn nuôi chiếm tới trên 50% thu nhập của người dân. Với số lượng vật nuôi như hiện nay thì trung bình, mỗi hộ gia đình có trên 2 con trâu, bò và hơn 2 con dê. Do bà con chủ động trong chăn nuôi nên đàn gia súc đang ngày càng được nhân rộng. Có mặt tại xã Pả Vi, có thể dễ dàng nhận thấy đời sống của người dân có nhiều đổi mới và chăn nuôi đang tạo ra nền tảng vững chắc trong công tác XĐGN. Đồng chí Dương Văn Phong, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Từ việc xác định chăn nuôi là hướng đi chính nên xã đã tích cực vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các xóm tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi qua các buổi họp xóm tới đông đảo bà con và mang lại hiệu quả nhất định”. Được biết, xã chủ yếu tập trung vận động bà con nuôi bò, dê, lợn và phát triển đàn o­ng. Đến nay, trong xã đàn bò có 958 con, đàn lợn 786 con và đàn dê lên tới 1.254 con. Do công tác chăn nuôi luôn được quan tâm và tuyên truyền tới nhân dân vệ sinh phòng dịch nên trên địa bàn xã, đàn gia súc, gia cầm không xảy ra dịch bệnh. Ghé thăm gia đình bác Giàng Dúng Sính thuộc xóm Pả Vi Hạ, được biết gia đình hiện có 6 con bò được nuôi nhốt, bên cạnh đó là nuôi lợn và gia cầm. Bác Sính chia sẻ: “Ởtrong xóm hầu hết nhà nào cũng chăn nuôi cả. Bây giờ nếu chỉ biết trông vào cây ngô thì sẽ đói khổ suốt thôi. Thấy chăn nuôi có nhiều hiệu quả nên mọi người rủ nhau làm và phát triển thêm. Nhà tôi từ khi chăn nuôi được nên không còn nghèo nữa”.


Để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa được duy trì lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Mèo Vạc đã tập trung vận động bà con chủ động trồng cỏ chăn nuôi. Chính vì thế mà diện tích cỏ trồng đang ngày càng được mở rộng, hiện nay toàn huyện có trên 4000 ha cỏ. Ngay từ đầu năm, diện tích cỏ trồng mới được 185 ha, chủ yếu là loại cỏ VA06, cỏ Voi, cỏ Goa – tê – ma – la. Đời sống của người dân đang có những đổi thay rõ rệt từ hiệu quả chăn nuôi mang lại, các mặt an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh – quốc phòng được giữ vững đã cho thấy, chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mà Mèo Vạc xác định là một hướng đi đúng đắn trong công tác XĐGN.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp lấy ý kiến vào phương hướng phân cấp quản lý nhà nước giai đoạn 2011 - 2015
HGĐT- Sáng 21.8, UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo kết quả công tác phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giai đoạn 2006 - 2011, phương hướng 2011 - 2015.
21/08/2012
Hoàng Su Phì - các Đề án phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động
HGĐT- Thời gian gần đây, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, đặc biệt là chủ trương giãn hoãn, ngừng khởi công mới các công trình không thực sự cấp bách, một mặt giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng đến vấn đề công ăn việc làm của người lao động.
21/08/2012
Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay
HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.
21/08/2012
Kết quả sau 1 năm thực hiện Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung
HGĐT- Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh đặc thù của khu vực, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Đề án: “Phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015”.
20/08/2012