Hoàng Su Phì - các Đề án phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động

07:50, 21/08/2012

HGĐT- Thời gian gần đây, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, đặc biệt là chủ trương giãn hoãn, ngừng khởi công mới các công trình không thực sự cấp bách, một mặt giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng đến vấn đề công ăn việc làm của người lao động.



    Mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại tại thị trấn Vinh Quang giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, huyện Hoàng Su Phì cũng không nằm ngoài tác động chung đó. Còn nhớ trước thời điểm năm 2011, trên địa bàn huyện có hàng loạt các công trình xây dựng được khởi công, đã giải quyết nhiều công ăn, việc làm cho con em địa phương, thu hút nhiều lao động có tay nghề từ các vùng lân cận đến làm việc. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, rất ít công trình xây dựng được khởi công mới, nhiều con em địa phương có tay nghề trong lĩnh vực này thiếu việc làm nên họ dần chuyển dịch sang làm việc nông - lâm nghiệp.

 

Hiện tại, lĩnh vực nông - lâm nghiệp của Hoàng Su Phì đang hút một lượng không nhỏ lao động, điều này có nguyên nhân trực tiếp từ việc huyện đang tích cực triển khai các đề án, phương án phát triển kinh tế. Nhằm cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung trí tuệ, xây dựng các đề án, phương án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sau một thời gian triển khai, các đề án, phương án như: Phát triển đậu tương hàng hoá, cây dược liệu, cây vụ Đông theo hình thức luân canh và bố trí lại nguồn vốn đầu tư; chăn nuôi gia súc gắn với thâm canh; nuôi trồng thuỷ sản; phương án đảm bảo đến năm 2015, giá trị sản phẩm đạt 30 triệu đồng/ha đất canh tác; phát triển kinh tế biên mậu... đang phát huy hiệu quả tích cực, không những tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn, còn từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân.

 

Đến Hoàng Su Phì thời gian này, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang xanh ngát lúa đang kỳ trổ bông; những nương chè Shan tuyết luôn rộn tiếng cười của các cô gái Dao với sắc áo rực rỡ, những mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại với hàng trăm con lợn thịt, hàng chục lợn nái giống, mô hình chăn nuôi trâu... đang được nhân rộng, tất cả đang hứa hẹn cuộc sống ấm no.

 

Để các đề án, phương án phát huy hiệu quả, được triển khai, nhận rộng trong dân, Hoàng Su Phì đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách đi kèm nhằm “kích cầu” như: Đối với chủ trương phát triển cây đậu tương hàng hoá, huyện thực hiện hỗ trợ gần 183 tấn phân bón để trồng trên 1,8 nghìn ha đậu tương và 30 tấn giống đậu tương nguyên chủng, trồng thử nghiệm các giống đậu tương ĐVN14, DT26, D2101, DT9804 với diện tích gần 6 ha tại các xã Thàng Tín, Thông Nguyên, Nậm Ty, Bản Péo, Hồ Thầu, Chiến Phố nhằm tìm ra bộ giống phù hợp với từng vùng canh tác, quy hoạch vùng sản xuất giống đậu tương tại xã Chiến Phố, Pố Lồ. Trong tháng 9 tới, huyện sẽ triển khai hỗ trợ giống rau su hào, bắp cải để gieo trồng 150 ha rau hàng hoá, xây dựng mô hình trồng khoai lang lấy củ tại xã Sán Sả Hồ, trồng súp lơ, đậu cô ve, cải làn tại Nậm Dịch, Nam Sơn. Các giống rau trên rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các xã trên địa bàn huyện, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ rau của Hoàng Su Phì rất lớn, hàng ngày vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận vào nên chất lượng rau bị ảnh hưởng do thời gian để lâu và quá trình vận chuyển bảo quản không tốt. Vì vậy, việc phát triển vùng rau hàng hoá, sẽ giải quyết được một phần đáng kể nhu cầu rau xanh, đồng thời từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

 

Một trong những mô hình cũng đang được người dân tích cực triển khai và đặt nhiều kỳ vọng đó là đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh. Với cơ chế, huyện hỗ trợ lãi suất vay vốn, định mức 40 triệu đồng để mua bổ sung gia súc đảm bảo 10 con trở lên đối với hộ chăn nuôi trâu và 20 triệu đồng đối với các hộ nuôi 15 con dê nên mô hình này đang được nhân rộng tại 3 xã: Thông Nguyên, Bản Péo, Nậm Ty. Sau một thời gian triển khai, có 14 hộ đăng ký thực hiện, số gia súc mua bổ sung được 22 con trâu, 12 con dê, tổng dư nợ vay vốn hỗ trợ lãi suất gần 400 triệu đồng. Đặc biệt, một số mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại với hàng trăm con đang được triển khai tại thị trấn Vinh Quang và nhiều mô hình từ 20 con lợn thịt, 5 lợn nái trở lên đang nhân rộng trong nhân dân. Các mô hình này đang phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Việc ban hành các đề án, phương án với cơ chế, chính sách hỗ trợ đã góp phần đắc lực trong quá trình phát triển KT-XH, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Ngoài việc tích cực gieo trồng cây lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực, người dân Hoàng Su Phì cũng nhân rộng mô hình trồng dong riềng lên hơn 620 ha, trong đó có gần 484 ha được hưởng chính sách ưu đãi của huyện với kinh phí hỗ trợ trên 256 triệu đồng. Đặc biệt, với cơ chế hỗ trợ chăn nuôi, tổng đàn trâu của huyện đến nay có trên 18,8 nghìn con, tăng trên 1 nghìn con so với năm trước; đàn bò trên 4,8 nghìn con, tăng trên 290 con; đàn lợn trên 58 nghìn con, tăng gần 3,7 nghìn con; đàn dê gần 25 nghìn con, tăng trên 2 nghìn con so với năm 2011. Năm 2012 này, dù nền kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn nhưng đời sống người dân Hoàng Su Phì vẫn có nhiều đổi mới, nhiều lao động nông thôn vẫn có việc làm ổn định.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hữu Vinh - mùa quả ngọt
HGĐT- “Lên huyện Yên Minh, nhớ mua cho mình mấy cân xoài Hữu Vinh nhé”, lời nhắn gửi của anh bạn dẫn lối tôi đến xã Hữu Vinh, vùng đất trồng xoài ngon nổi tiếng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
31/07/2012
Khai thác sử dụng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ
HGĐT- Là một tỉnh miền núi, Hà Giang có điều kiện tự nhiên rất phức tạp, có nhiều đồi núi, sông, suối, vực sâu. Đây là một trong những lợi thế cho việc phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ.
31/07/2012
Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay
HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.
21/08/2012
Thấy gì khi Thủy điện Sông Chảy 5 tích nước - phát điện
HGĐT- Công trình Thuỷ điện Sông Chảy 5 nằm trên địa bàn 2 xã: Thèn Phàng, Ngán Chiên, huyện Xín Mần. Đây là công trình thuỷ điện Cấp III, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Đà 5 đầu tư xây dựng. Công suất thiết kế là 16 MW. Điện năng trung bình hàng năm theo thiết kế là 60,14 triệu Kwh. Công trình được xây dựng trên diện tích đất là 58,13 ha.
20/08/2012