Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay

07:42, 21/08/2012

HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.


Nguyên nhân chính dẫn đến chủ trương này gặp khó khăn đó là nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn có đủ điều kiện về đất đai, con người, kỹ thuật nhưng không được vay vốn ngân hàng.

 

Đầu năm 2011, huyện Yên Minh đã triển khai phương án số 03 về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011 – 2015. Theo phương án trên, huyện phấn đấu đến năm 2015 có 50 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Mô hình trang trại quy mô lớn yêu cầu đối tượng thực hiện phải có đủ năng lực về tài chính, đất đai, lao động và kinh nghiệm sản xuất...Về cơ chế hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng để các hộ xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại, mức tiền hỗ trợ căn cứ vào quy mô xây dựng khi được cấp sau khi nghiệm thu; hỗ trợ 1 triệu đồng/trang trại/năm để chi phí cho dịch vụ thú y. Về nguồn vốn, các trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm được vay vốn Ngân hàng NN - PTNT với mức từ 100 đến 200 triệu đồng và được huyện hỗ trợ lãi suất 50% trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 tháng tùy thuộc vào loại hình trang trại. Chủ trương trên được tuyên truyền, phổ biến đến người dân các xã, thị trấn trên địa bàn.

 

Ngay sau khi chủ trương trên được phổ biến rộng rãi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã hưởng ứng và coi đó là cơ hội để phát triển chăn nuôi, làm giàu chính đáng. Đến nay, chưa đầy 2 năm sau khi phương án 03 của huyện ra đời đã có 43 hộ đăng ký phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở hầu khắp các xã, thị trấn. Các hộ đều xây dựng phương án phát triển chăn nuôi trang trại và được tổ thẩm định của huyện xét duyệt. Trong đó đã có 7 hộ được phê duyệt dự án và được huyện cấp kinh phí từ 10 đến 15 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, một số hộ đã được vay vốn Ngân hàng NN – PTNT huyện đề đầu tư con giống, bắt đầu phát triển chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Lù Hồng Phà, thôn Bó Mới, xã Đông Minh được hình thành từ chủ trương phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn của huyện. Anh Phà cho biết: “Trước kia, gia đình mình chăn nuôi lợn và gia cầm nhưng số lượng nhỏ lẻ nên tính chất hàng hóa chưa cao, nguồn thu từ chăn nuôi không lớn. Gia đình tôi cũng muốn phát triển chăn nuôi gia súc nhiều hơn bởi nhà có đất, có nhân lực lại có chút ít kinh nghiệm nuôi lợn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên điều đó khó thực hiện bởi vốn quá ít so với mức đầu tư. Năm ngoái, đi họp thôn được nghe cán bộ tuyên truyền về phương án phát triển chăn nuôi, trong đó có việc huyện tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hỗ trợ lãi suất cho vay vốn. Tôi về xây dựng phương án và đăng ký với xã để thực hiện. Được ngành chức năng của huyện duyệt hồ sơ, gia đình được hỗ trợ 15 triệu đồng để mở rộng chuồng trại; được hỗ trợ vay 150 triệu đồng để đầu tư con giống, huyện hỗ trợ 50% lãi suất. Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình hoàn thành và thả vật nuôi từ đầu năm nay. Chuồng lợn đã mở rộng 10 gian, lúc nào cũng có khoảng 30 con lợn hơi đủ các lứa, mình mua lợn khoảng 20 kg về để vỗ béo chứ không nuôi lợn bé. Vừa rồi xuất lứa đầu tiên cũng thu được vài chục triệu đồng”.

 

Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn thực sự là đòn bẩy giúp các hộ dân vùng cao có trí làm giàu đạt được ước mơ của mình. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng may mắn thực hiện được ước mơ đó như gia đình anh Lù Hồng Phà. Để được vay vốn, anh Phà phải mượn sổ đỏ của anh em trong nhà đang sống ngoài thị trấn huyện mang đi tín chấp thì Ngân hàng NN – PTNT huyện mới cho vay vốn. Gia đình anh Giàng Mí Chứ, thôn Sủng Lảng, xã Thắng Mố là một trong những ví dụ điển hình về khó khăn trong vay vốn ngân hàng. Với quyết tâm làm giàu trên quê hương mình, Giàng Mí Chứ đã đăng ký tham gia học lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Sau khi học xong, đúng vào dịp huyện triển khai phương án phát triển chăn nuôi, với vốn kiến thức và số tiền tích cóp bao năm, Chứ đã xây dựng dự án phát triển chăn nuôi trang trại, nuôi lợn quy mô lớn. Anh tâm sự: “Gia đình đã bỏ gần 70 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nhưng vẫn chưa hoàn thành thì hết vốn, được huyện xét duyệt hồ sơ nên mình được hỗ trợ 15 triệu để hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, đến giờ chuồng trại xây xong nhưng con giống chưa có bởi dự án chăn nuôi của mình dù được tổ thẩm định của huyện duyệt nhưng mà xin vay vốn Ngân hàng NN – PTNT huyện không được bởi tài sản tín chấp (sổ đỏ) của gia đình giá trị quá thấp so với số vốn vay”.

 

Có lòng nhiệt huyết làm giàu, có kinh nghiệm chăn nuôi, có nhân lực và đất đai nhưng khó khăn về vốn vay ngân hàng là trở ngại chính với nhiều hộ dân có ước mơ làm giàu từ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo phương án 03 của huyện Yên Minh. Có thể thấy, trong tổng số 43 hộ dân đăng ký phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, mới chỉ có 7 hộ được huyện quyết định hỗ trợ phê duyệt, số còn lại dự án không khả thi vì khó khăn về vay vốn từ Ngân hàng NN – PTNT. Theo quy định của ngân hàng, tài sản thế chấp của người vay phải có giá trị quy ra tiền cao hơn số tiền vay. Trong khi đó đa số các hộ đăng ký vay vốn phát triển chăn nuôi trang trại lại nằm ở khu vực nông thôn, giá trị đất thổ cư thấp hơn nhiều so với mức vốn vay dao động từ 100 đến 200 triệu đồng. Chính vì thế, đa số các hộ không được duyệt phát triển chăn nuôi trang trại là do không được vay vốn.

 

Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết, huyện cũng chưa có cách giải quyết đối với việc vay vốn theo định mức phát triển chăn nuôi trang trại từ Ngân hàng NN – PTNT của các hộ dân khu vực nông thôn. Với những hộ có quyết tâm phát triển chăn nuôi, huyện xét thấy có đủ năng lực thì vẫn quyết định hỗ trợ 15 triệu để làm chuồng trại, hỗ trợ thuốc thu y hàng năm. Nếu không được vay vốn ngân hàng thì các hộ vận động anh em, bạn bè góp vốn hoặc cho vay để phát triển theo dự án. Nhưng đây chỉ là cách giải quyết tình thế, còn để phát triển lâu dài, chắc chăn cần có giải pháp để giải quyết khó khăn cho các hộ dân khu vực nông thôn có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi trang trại được vay vốn theo để phát triển.

 

Giải quyết khó khăn trong việc vay vốn phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn cho các hộ dân ở vùng cao là mong ước của nhiều người và cũng là câu hỏi mà huyện Yên Minh cần được tỉnh và các ngành chức năng giúp đỡ, giải quyết. Khi đó, mục tiêu phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, bền vững ở các xã trên địa bàn huyện Yên Minh mới đạt kết quả tốt.

 


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hữu Vinh - mùa quả ngọt
HGĐT- “Lên huyện Yên Minh, nhớ mua cho mình mấy cân xoài Hữu Vinh nhé”, lời nhắn gửi của anh bạn dẫn lối tôi đến xã Hữu Vinh, vùng đất trồng xoài ngon nổi tiếng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
31/07/2012
Khai thác sử dụng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ
HGĐT- Là một tỉnh miền núi, Hà Giang có điều kiện tự nhiên rất phức tạp, có nhiều đồi núi, sông, suối, vực sâu. Đây là một trong những lợi thế cho việc phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ.
31/07/2012
Hiệu quả đầu tư của huyện Quản Bạ trong việc vận động người dân trồng ngô đảm bảo mật độ
HGĐT- Đến huyện Quản Bạ công tác, được kiến diện đồng chí Bí thư Huyện ủy khi đang có cuộc trao đổi cùng đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh về những định hướng lớn của huyện, trong quá trình tập trung triển khai những nội dung trọng tâm, xoay quanh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
31/07/2012
Thấy gì khi Thủy điện Sông Chảy 5 tích nước - phát điện
HGĐT- Công trình Thuỷ điện Sông Chảy 5 nằm trên địa bàn 2 xã: Thèn Phàng, Ngán Chiên, huyện Xín Mần. Đây là công trình thuỷ điện Cấp III, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Đà 5 đầu tư xây dựng. Công suất thiết kế là 16 MW. Điện năng trung bình hàng năm theo thiết kế là 60,14 triệu Kwh. Công trình được xây dựng trên diện tích đất là 58,13 ha.
20/08/2012