Các Nhà máy Thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành an toàn hồ đập

08:45, 01/03/2017

BHG - Với điều kiện địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tỉnh ta có hệ thống sông, suối dày đặc, có giá trị rất lớn phát triển công nghiệp thủy điện. Từ lợi thế đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dự án thủy điện vừa và nhỏ được cấp thẩm quyền phê duyệt, tổng công suất trên 768MW. Sau nhiều nỗ lực triển khai dự án của các nhà đầu tư, đến nay 22 nhà máy thủy điện (NMTĐ) đã đi vào hoạt động, công suất hàng năm khoảng 354MW; 24 nhà máy, công suất dự kiến 418MW đang và sẽ được triển khai xây dựng trên hệ thống sông Lô, sông Nhiệm, Nho quế, sông Chảy... Trong quá trình đầu tư, xây dựng, phát điện, các NMTĐ luôn chú trọng công tác đảm bảo môi trường, an toàn lao động, đặc biệt tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, an toàn đập và Phương án Phòng, chống lũ lụt (PCLL). Sự tuân thủ nghiêm quy trình vận hành an toàn hồ đập nên trong nhiều năm gần đây, các NMTĐ phát huy tốt vai trò cắt lũ, điều tiết lũ vùng hạ du, đảm bảo nguồn nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân.

Cán bộ kỹ thuật NMTĐ Sông Bạc theo dõi các thông số từ phòng điều khiển trung tâm.
Cán bộ kỹ thuật NMTĐ Sông Bạc theo dõi các thông số từ phòng điều khiển trung tâm.

Đầu tư, xây dựng NMTĐ Sông Bạc trên địa bàn huyện Quang Bình, Công ty Cổ phần Thủy điện (CPTĐ) Sông Bạc đã áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ nên công trình phát huy tốt công năng, tiết kiệm tài nguyên, đóng góp hiệu quả cho nguồn thu ngân sách địa phương. Anh Ngô Việt Bách, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính NMTĐ Sông Bạc cho biết: Thủy điện Sông Bạc có công suất 42MW, 2 tổ máy phát điện, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 166 triệu KWh. Nhà máy được xây dựng trên địa bàn có địa hình dốc, phân cắt mạnh, lưu vực lòng hồ trải dài với diện tích trên 279 km2. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy đặc biệt chú trọng công tác an toàn hồ đập, thực hiện hiệu quả Phương án PCLL nên không để xảy ra sự cố gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Quy trình vận hành hồ chứa của Nhà máy đã được Bộ Công thương phê duyệt từ năm 2015 với diện tích mặt hồ ở mực nước dâng bình thường gần 31 ha, mực nước lũ kiểm tra gần 268 m, mực nước lũ thiết kế trên 266 m, mực nước dâng bình thường 265 m, mực nước chết 263 m...

Bên cạnh đó, hàng năm Nhà máy đều xây dựng Phương án PCLL vùng hạ du đập được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án xác định rõ, khi có tình huống bão, lũ, thiên tai xảy ra, Công ty CPTĐ Sông Bạc, các địa phương vùng hạ du như UBND xã Tân Trịnh, Tân Bắc và huyện Quang Bình, ngoài việc thực hiện theo phương án riêng của từng đơn vi, phải thông tin, phối hợp với cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn, thực hiện đạt hiệu quả cao nhất công tác PCLL. Cùng với thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng hệ thống cảnh báo, Nhà máy còn cắt cử người chuyên quan sát nước sông 24/24h tại khu vực thượng nguồn cách đập thủy điện 20 km. Chính vì vậy, tất cả những biến động dòng chảy đều được thông báo kịp thời, phía Nhà máy sẽ có phương án chủ động điều tiết nước, đặc biệt trong mùa mưa nhằm ngăn chặn xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ gây thiệt hại cho người dân.

Anh Bách cho biết thêm, một yếu tố rất thuận lợi trong công tác bảo vệ an toàn hồ đập, ngay trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước thấm qua thân đập, cảm biến độ dãn nở của bê tông, sắt thép... Trên toàn bộ tuyến đập ngăn nước dài hơn 237 m, các thiết bị được lắp đặt chìm trong bê - tông nên mọi thông số liên quan đều được cập nhật liên tục và truyền thông số về tủ trung tâm, sau đó triết xuất qua hệ thống máy tính. Một đặc tính khác đó là Nhà máy đã tham gia thị trường điện nên mọi thông tin liên quan đến quy trình vận hành, xả lũ, lưu lượng nước về hồ đều được hệ thống tự động cập nhật về Trung tâm điều hành lưới điện Quốc gia. Chỉ một biến động nhỏ cũng được hệ thống cảnh báo tự động xử lý triệt để nên từ khi vận hành tới nay, trên sông Bạc không xảy ra lũ lớn, nguồn nước được điều tiết kịp thời nên người dân các xã vùng hạ du đã chủ động sản xuất, nâng cao đời sống.

Cùng với Thủy điện Sông Bạc, các NMTĐ Sông Miện 5, 5A do Công ty CPTĐ Sông Miện 5 làm chủ đầu tư được xây dựng trên sông Miện thuộc địa phận xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) cũng làm tốt công tác điều tiết nước, cắt lũ cho toàn bộ vùng hạ du. Thủy điện Sông Miện 5 chính thức phát điện từ đầu năm 2013, qua 4 năm vận hành, Nhà máy đã phát dẫn lên lưới điện Quốc gia hơn 400 triệu KWh, tạo gần 100 việc làm cho người lao động. Con đập uy nghi, hùng vĩ chắn ngang sông Miện đưa nước vào các tổ máy phát điện, vừa có tác dụng cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, vừa góp phần quan trọng cắt lũ, chậm lũ phía hạ du. Căn cứ các kết quả kiểm tra, tính toán thực tế, Viện Khoa học năng lượng - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam khẳng định, thủy điện Sông Miện 5 đã được thi công, đảm bảo cho việc tích nước, vận hành, xả lũ an toàn tại các cao trình 158 m, 161,06 m và 162,3 m.

Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Đình Hanh, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường (Sở Công thương) cho biết: Ngay từ năm 2007, Chính phủ có Nghị định 72/2007 về quản lý an toàn đập. Theo đó, các công trình đập quan trọng Quốc gia; đập lớn có chiều cao tính từ mặt nền đến đỉnh đập bằng hoặc lớn hơn 15 m, hoặc đập của hồ chứa nước có quy mô dung tích bằng hoặc lớn hơn 3 triệu m3; đập nhỏ có chiều cao tính từ mặt nền đến đỉnh nhỏ hơn 15m và tạo hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 3 triệu m3; các công trình liên quan đến hồ chứa nước như công trình lấy nước, tháo nước, xả lũ... phải lập hồ sơ quy trình vận hành trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra quy trình vận hành hồ, đập, Phương án PCLL của các NMTĐ. Qua kiểm tra thực tế tại các NMTĐ Bát Đại Sơn, Thái An, Sông Miện 5, Sông Chảy 5, Sông Chừng, Sông Bạc... không phát hiện dấu hiệu về mất an toàn đập như rò rỉ nước từ thân đập, nứt đập, sạt trượt... thân đập khô ráo; công tác vận hành thiết bị đúng quy trình; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập và mốc hành lang an toàn hồ chứa thực hiện nghiêm; Phương án PCLL được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp ngành chức năng, chính quyền các địa phương, tăng cường kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa, an toàn hồ đập và phương án PCLL, đồng thời yêu cầu các NMTĐ thực hiện nghiêm, không để xảy ra thiệt hại cho người dân vùng hạ du khi mùa mưa bão về.

Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 sự kiện khoa học trong nước tiêu biểu năm 2016

Chiều 27/12, CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016 thuộc 5 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học.

30/12/2016
Sở Khoa học và Công nghệ tổng kết hoạt động ngành năm 2016

BHG- Sáng 30.12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2016; triển khai nhiệm vụ năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh,…

30/12/2016
Thài Phìn Tủng - "khu vườn" đa dạng sinh học kỳ thú trên Cao nguyên đá

BHG- Sau 2 giai đoạn triển khai, Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) đã tạo ra 15 nghìn cây giống của 4 loài thông quý hiếm, có nguy cơ tiệt chủng. Thành công của dự án đã đưa Thài Phìn Tủng trở thành "khu vườn" đa dạng sinh học kỳ thú, nơi lưu giữ các nguồn gen quý, hiếm vào loại bậc nhất trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời cũng đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

24/12/2016
Tập huấn hệ thống dịch vụ công trực tuyến

BHG- Chiều 24.2, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Cục Hải quan tỉnh tổ chức tập huấn và tuyên truyền hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho cán bộ, công chức Hải quan, các doanh nghiệp, tư thương có hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp…

24/02/2017