Cao nguyên đá Đồng Văn và những giá trị địa chất

09:21, 22/01/2008

(HGĐT)- Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh gồm các huyện Quản Bạ Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Theo các nhà địa chất học, khu vực này có những giá trị rất quan trọng cả về địa mạo, địa tầng và cổ sinh.


 
 Huyện Quản Bạ, một trong những vùng dự án Công viên địa chất Việt - Bỉ.

Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt trong cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ các khách du lịch và những nhà nghiên cứu khoa học bởi chúng chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và những truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân bản địa.

Từ lâu, nhiều nhà địa chất trong và ngoài nước đã đến vùng cao nguyên đá Đồng Văn nghiên cứu về cổ sinh, địa tầng và cấu trúc địa chất. Theo khảo sát của các nhà khoa học, vùng cao nguyên đá vôi Đồng Văn có 11 hệ tầng (các tầng địa chất) gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài. Về cổ sinh (sinh vật cổ) có 17 nhóm hóa thạch được phát hiện rất đa dạng, phong phú về giống, loài gồm: Tay cuộn, Bọ ba thùy, Cá cổ, thực vật thủy sinh, Vỏ cứng, San hô vách đáy, San hô 4 tia, Lỗ tầng, Răng nón, Trùng lỗ, Vỏ nón, Hai mảnh vỏ, Chân bụng, Chân đầu, động vật dạng rêu, Huệ biển và Tảo. Các cổ sinh vật này đã giúp các nhà khoa học hoàn chỉnh bức tranh lịch sử phát triển địa chất vùng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và địa chất khu vực Đông Bắc Việt Nam – Nam Trung Quốc nói chung. Cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ các nguồn gốc, điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau như: Đá vôi có tuổi Cambri – Ordovic (542 – 471 triệu năm trước) có bề dày trên 798m, hình thành trong môi trường biển nông. Đá có tuổi Devon – Permi (416 – 359 triệu năm trước) có độ dày trên 280 m, hình thành trong môi trường biển sâu. Đá vôi có tuổi Carbon – Permi ( 359 – 260 triệu năm trước) dày trên 1.000m, được hình thành trong môi trường thềm carbonat.

Thời kỳ Devon được mệnh danh là thời kỳ phát triển rực rỡ của các nhóm Cá cổ và các thực vật sinh thủy, thủy tổ của thực vật sống trên cạn đã được phát hiện sớm nhất ở Việt Nam tại mặt cắt Lũng Cú – Xí Thầu. Tại điểm lộ này còn phát hiện rất nhiều hóa thạch Tay cuộn, Chân bụng, Vỏ cứng cho phép xác định môi trường thành tạo các trầm tích chứa chúng là biển ven bờ có yếu tố lục địa. Nhiều hóa thạch Cá cổ được phát hiện tại mặt cắt Lũng Cú – Ma Lé; hóa thạch Hai mảnh vỏ được phát hiện trên đỉnh đèo Si Ka, đường đi Lũng Cú; hóa thạch Tay cuộn được phát hiện tại Ma Lé...

Do có những giá trị địa chất như trên, Dự án Công viên địa chất Việt – Bỉ đã ra đời và khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng thực hiện dự án. Dự án được triển khai thực hiện trong 5 năm, từ 12. 2007 đến 12.2012. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta xây dựng được một Công viên địa chất. Công viên này là hình thức bảo tồn tổng thể các giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh bảo tồn các giá trị di sản địa chất. Từ năm 2003 đến nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với các nhà Hang động học của Vương quốc Bỉ tiến hành khảo sát, nghiên cứu về hang động trên khu vực cao nguyên Đồng Văn. Kết quả sơ bộ phát hiện tại huyện Đồng Văn có 20 hang, Mèo Vạc có 37 hang và 5 hang ở huyện Yên Minh. Hệ thống hang ở đây được phân chia thành 3 bậc chính ở các độ cao lần lượt 1.150 m, 950 m và 350 m. Đặc điểm này phản ánh rõ nét chế độ hoạt động kiến tạo mạnh ảnh hưởng tới quá trình hình thành hang, cũng như đặc thù của chế độ thủy văn của vùng Đồng Văn, mở ra tiền đề tìm kiếm nước cho huyện Đồng Văn ở một độ sâu nhất định (950 – 1.050 m).

Tính đa dạng địa chất và khả năng bảo tồn các đá trầm tích có mặt trên cao nguyên đá Đồng Văn đã đem lại cho khu vực những giá trị tham quan, nghiên cứu và giáo dục địa chất to lớn. Sự hiện diện của các yếu tố địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái và đặc biệt giá trị về cổ sinh và địa tầng đã đáp ứng yêu cầu cao nhất về nhu cầu nghiên cứu địa chất và môi trường cho các nhà khoa học và nhiều đối tượng khác.


An Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các tỉnh miền Bắc đón đợt rét kéo dài
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư (NCHMF) cho hay, từ đêm ngày 22.1, một đợt không khí lạnh mới tăng cường bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc và kéo dài cho đến đến ngày 31.1.
21/01/2008
Viễn thông Việt Nam tăng tốc trong thời hội nhập
Các công nghệ mới được đầu tư nhiều hơn so với năm trước, thị trường mở rộng hơn với các gói sản phẩm đa dạng, đầy cạnh tranh, các chính sách cơ chế có sự cải tiến rõ rệt... Đó là những thứ có thể nhìn thấy của viễn thông Việt Nam trước thềm năm mới 2008 và trước ngưỡng cửa hội nhập.
21/01/2008
Công nghệ thông tin - mũi nhọn cần được mài sắc
Ngày 11.1, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) tổ chức tổng kết hoạt động năm 2007 và chương trình công tác 2008. Nhìn lại năm qua, các chuyên gia thấy vẫn có nhiều vấn đề mà năm 2008 phải khắc phục.
17/01/2008
Thành quả nghiên cứu khoa học và áp dụng tiến bộ kỹ thuật
(HGĐT)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nêu rõ: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chú trọng lựa chọn các cây, con giống mới có năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng của tỉnh.
16/01/2008