Đôi điều suy nghĩ về thực trạng cán bộ Tài nguyên & Môi trường cấp xã, phường hiện nay

17:24, 26/11/2007

(HGĐT)- Nếu như một cán bộ Tài nguyên & Môi trường cấp xã, phường được đào tạo một cách bài bản thì công tác quản lý Tài nguyên & Môi trường (TNMT) hiện nay được nhà nước giao phụ trách tham mưu cho chính quyền cơ sở bao gồm 6 lĩnh vực: đo đạc bản đồ, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và khí tượng thuỷ văn.


Thực tế ở tỉnh ta cán bộ địa chính xã, phường (nay là cán bộ TNMT) chỉ quan tâm 2 lĩnh vực: đo đạc bản đồ và quản lý tài nguyên đất đai; 04 lĩnh vực còn lại chưa được quan tâm một cách đúng mức. Mặc dù cho đến thời điểm hiện nay tình hình quản lý đất đai đã dần đi vào nền nếp, tình trạng giao đất không đúng thẩm quyền, trái với qui hoạch đã cơ bản chấm dứt. Song còn một số thiếu sót vẫn xảy ra như tình trạng lấn chiếm đất đai chưa được ngăn chặn; tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn xảy ra, hồ sơ địa chính thiết lập chưa đồng bộ; mảng môi trường chưa được quan tâm thoả đáng. Quản lý về tài nguyên nước và khoáng sản lại càng bất cập... Tóm lại, quản lý nhà nước về TNMT cấp xã, phường còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với yêu cầu của sự phát triển. Điều đáng quan tâm nhất là năng lực cán bộ cấp xã, phường hiện nay rất yếu. Vì cán bộ địa chính ở cấp xã đa phần trình độ học vấn quá thấp, chuyên môn chưa được đào tạo một cách bài bản (trong 195 xã của tỉnh hiện nay chỉ có 63 xã có cán bộ TNMT có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học) và hiện tại Sở TNMT được Dự án SEMLA hỗ trợ đào tạo tại trường Cao đẳng TNMT mới (số cán bộ này học tại chức) được 62 ngưòi, trong tương lai chỉ đáp ứng được 62 xã; số chưa qua đào tạo còn 85 xã. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ Đảng và chính quyền cấp xã về 06 lĩnh vực nêu trên còn hạn chế; có xã còn cho rằng quản lý về tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường và khí tượng thuỷ văn thuộc cấp vĩ mô, không phải của cấp cơ sở, từ đó việc quan tâm đầu tư, giám sát còn buông lỏng… Một nguyên nhân khách quan khác đưa đến là các văn bản pháp luật của Nhà nước ta còn thiếu, từ T.U đến tỉnh, huyện chưa có văn bản nào quy định trách nhiệm về quản lý lĩnh vực TNMT một cách cụ thể ở cấp xã (trừ Luật Đất đai năm 2003 và Luật Bảo vệ môi trường)… Bên cạnh đó nguồn đầu tư kinh phí cho công tác quản lý TNMT cấp xã, phường hiện nay rất thấp, không đáng là bao; các công cụ quản lý khác ở cơ sở còn thiếu (chẳng hạn như máy đo phân tích nhanh về môi trường, đo về nước v..v); thông tin cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật một cách hệ thống v.v…


Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng để, góp phần cho công tác QLTN môi trường ở cấp xã từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện cần quan tâm những nội dung dưới đây:


Một là: Cần có chính sách lâu dài về cán bộ TNMT - phấn đấu theo kế hoạch chuẩn hoá đội ngũ cán bộ TNMT cấp xã phải có trình độ trung cấp hoặc đại học, giống như ngành y tế đưa bác sỹ về thôn bản.


Hai là: Số cán bộ hiện nay được giao Quản lý nhà nước về TNMT phải được rà soát lại, đưa đi đào tạo ngắn ngày: Về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, quản lý nhà nước về môi trường và khí tượng thuỷ văn. Những trường hợp không đi học hoặc đào tạo cần phải được thay thế.


Ba là: Cán bộ phụ trách về lĩnh vực TNMT phải được bổ nhịêm theo qui định; trường hợp trong thời gian đảm nhiệm công việc không đáp ứng được yêu cầu phải được thay thế, bãi nhiệm.


Bốn là: Cán bộ phụ trách TNMT cấp xã phải được thường xuyên đi tập huấn ngắn ngày nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý ngành; các cấp chuyên môn từ Sở TNMT đến phòng TNMT cấp huyện phải có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho tuyến cơ sở ít nhất mỗi năm 1 lần.

Năm là: Ngành TNMT của tỉnh có đề án kiến nghị với HĐND tỉnh ra nghị quyết chuyên đề về công tác TNMT ở cơ sở, trong đó có chính sách phụ cấp ổn định nhằm hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TNMT ở tuyến xã, phường.


Đức Sinh (Sở TNMT)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nếu sử dụng thực phẩm nhiễm dioxin
Các nhà khoa học cảnh báo về lượng chất độc da cam/dioxin còn tồn lưu trong đất tại khu vực sát sân bay Biên Hòa ( Đồng Nai) và người dân không nên sử dụng các thực phẩm tươi sống nuôi, bắt ở những vùng này.
31/10/2007
Ứng dụng thành công máy phát điện chạy bằng khí biogas
Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung-Tây Nguyên đã ứng dụng thành công mô hình sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện tại trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Thắng ở thôn 5, xã Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng).
29/10/2007
Nhiên liệu sinh học sẽ thay thế dần nhiên liệu truyền thống
"VN sẽ làm chủ việc sản xuất các dạng vật liệu, chất phụ gia phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH)- loại nhiên liệu được hình thành từ hợp chất có nguồn gốc động - thực vật, thân thiện với môi trường; đồng thời ứng dụng thành công công nghệ lên men hiện đại để đa dạng hoá các nguồn nguyên liệu cho quá trình chuyển hoá sinh khối thành NLSH".
26/11/2007
Phương pháp mới loại bỏ asen trong nước
Chỉ mất từ 1.000-2.000 đồng/kg, người dân có thêm một phương pháp lọc asen ngay tại nhà bằng cách sử dụng quặng pyrolusite có chứa mangan.
25/10/2007