Sẽ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nếu sử dụng thực phẩm nhiễm dioxin

07:53, 31/10/2007
Các nhà khoa học cảnh báo về lượng chất độc da cam/dioxin còn tồn lưu trong đất tại khu vực sát sân bay Biên Hòa ( Đồng Nai) và người dân không nên sử dụng các thực phẩm tươi sống nuôi, bắt ở những vùng này.

 
Một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.
Tại hội thảo gần đây tổ chức ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), các nhà khoa học tiếp tục đưa ra cảnh báo người dân sống quanh khu vực sân bay Biên Hòa (chủ yếu thuộc 2 phường Tân Phong và Trung Dũng) không nên sử dụng các loại thực phẩm tươi sống như: gà, vịt, cá, ốc và một số gia súc, gia cầm khác chăn thả ở vực này vì lượng dioxin tồn lưu trong đất còn rất lớn.

Theo một kết quả nghiên cứu đã công bố, nồng độ dioxin trong máu của 43 người dân phường Tân Phong, Trung Dũng cao hơn 33 lần so với chỉ số trung bình của cả nước. Đặc biệt, có một người dân (sinh năm 1973) sống ở khu vực này có lượng dioxin tồn dư trong máu lên đến 413 ppt (phần nghìn tỷ) so với mức trung bình của người dân bình thường sống khu vực khác là 2 ppt.

Lượng dioxin cũng chứa rất lớn trong cơ thể, đặc biệt là trong mỡ của gà, vịt, cá, tôm, cua ốc sống ở khu vực hồ Biên Hùng (phụ cận sân bay Biên Hòa) cao hơn 200 lần, thậm chí trong mỡ cá có loài cao đến 1.500 lần so với bình thường.

Theo các chuyên gia, dioxin không tan trong nước, các phần tử của chất độc này lơ lửng hoặc bám vào các loại rong rêu, bùn đất trong các ao hồ và ngấm vào lòng đất. Do đó, các động vật khi sống ở những vùng này sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. Nếu con người sử dụng các loài này làm thực phẩm thì cũng sẽ bị nhiễm.

Hội Y tế công cộng Việt Nam mới đây cũng tiến hành nghiên cứu hành vi, thói quen của người dân thuộc 2 phường Tân Phong, Trung Dũng bằng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên 400 người có trực tiếp giết mổ, chế biến và sử dụng các loại thực phẩm tươi sống. Kết quả cho thấy, hầu hết người dân đều biết nơi đây bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin nhưng lại không biết các thực phẩm tươi sống nuôi, bắt ở những vùng này lại có chất dioxin, do đó vẫn vô tư sử dụng.

Cuối năm 2006 vừa qua, Văn phòng Ban chỉ đạo 33 cũng đã tổ chức tìm hiểu, đánh giá tác động của chất độc hóa học dioxin tồn dư tại Biên Hòa cho thấy hệ thống tường bao quanh khu vực ô nhiễm dioxin ở sân bay đã bị phá vỡ; các bể chứa than hoạt tính để hấp phụ dioxin đã hết giá trị sử dụng. Do đó, dioxin từ các khu vực ô nhiễm vẫn có thể theo nước mưa chảy vào hồ ao lân cận sân bay. Một số hồ quanh khu vực này nồng độ dioxin cao gấp 7 lần so với nồng độ cho phép.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tiến hành xử lý các khu đất bị ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa với số tiền khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Khoảng 60.000 m3 đất bị nhiễm dioxin sẽ được chôn lấp bằng bê tông và bentonite, các vật liệu cách ly và hấp phụ dioxin. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.

Song các vùng lân cận, ao hồ vẫn chưa có phương án xử lý. Nhiều cơ quan ban ngành và các nhà khoa học đã đưa phương án là di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến lại cho rằng phương án này là rất khó thực hiện vì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và quá trình phát triển của thành phố.


Lao động

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ứng dụng thành công máy phát điện chạy bằng khí biogas
Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung-Tây Nguyên đã ứng dụng thành công mô hình sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện tại trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Thắng ở thôn 5, xã Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng).
29/10/2007
Phương pháp mới loại bỏ asen trong nước
Chỉ mất từ 1.000-2.000 đồng/kg, người dân có thêm một phương pháp lọc asen ngay tại nhà bằng cách sử dụng quặng pyrolusite có chứa mangan.
25/10/2007
Làm ảnh động với Video UserPic 1.0
Bạn muốn biến một đoạn video yêu thích của bạn trở thành một tấm ảnh động, với kích thước tùy chọn và dung lượng không quá lớn để tiện chia sẽ cho bạn bè thông qua Internet hoặc sử dụng nó như một tấm ảnh đại diện trên các Blog hay diễn đàn? Video UserPic 1.0 sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.
22/10/2007
Hiểm họa từ đồ nhựa tái chế!
Đồ nhựa tái chế, ngoài chuyện chứa các hóa chất phụ gia độc hại, còn là chỗ trú ẩn lý tưởng của vi trùng, các nhà khoa học ở Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) cảnh báo.
22/10/2007