"Rất khó phân loại, định hình các dịch vụ CNTT!"

14:59, 25/09/2007

Trao đổi với VietNamNet về cơ chế, chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT đã nhấn mạnh: Để phân loại, định hình rõ ràng các dịch vụ này, đây là công việc khó khăn và nặng nề!


- Để hỗ trợ, định hướng phát triển các dịch vụ CNTT, Bộ Thông tin - Truyền thông đang xây dựng cơ chế áp dụng trong lĩnh vực này?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra các DN của VN đã có các dịch vụ CNTT từ lâu, nhưng rất khó để phân định đâu là DN chuyên sản xuất, hay làm thương mại, vì loại hình này có đặc thù riêng. Các DN thường không có ranh giới rõ ràng, DN vừa làm về thương mại, vừa làm về dịch vụ, bởi vì có dịch vụ phát triển thì mới hỗ trợ thương mại.

Ngay cả những DN chuyên về sản xuất như CMC với nhà máy máy tính CMS hay là FPT Elead chuyên về sản xuất thì vẫn phải có dịch vụ hỗ trợ là dịch vụ bảo hành, bảo trì...

Vì vậy, khái niệm dịch vụ CNTT rất rộng. Nếu nói dịch vụ trên nền CNTT thì còn rộng hơn, ví dụ như các dịch vụ của chính phủ điện tử, hay là tài chính, ngân hàng ứng dụng CNTT...

Đầu tiên là phải thống nhất được những khái niệm, phải chỉ được ra nhận dạng được nó thì mới có chính sách phát triển nó được. Hiện tại, thay vì có chương trình hỗ trợ trọn gói cho dịch vụ CNTT thì điều đầu tiên là phải định hình, xây dựng danh mục về các dịch vụ CNTT và dịch vụ liên quan.

- Thưa ông, vậy từ trước đến nay, VN đã áp dụng theo chuẩn nào đề phân loại dịch vụ CNTT?

- Theo danh mục do Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đưa ra, nhưng danh mục này từ năm 1991, nên đã bị lỗi thời, vì các dịch vụ này lại liên tục phát triển, có nhiều hoạt động mới được xếp vào dịch vụ CNTT.

Danh mục này không còn phù hợp với tình hình hiện nay nhưng qua bảng danh mục của WTO, ta có thể học tập được là họ đã chuẩn hóa theo mã quốc tế, mã này thuận lợi cho việc làm chính sách cũng như nhận dạng nó. Vì vậy, chủ trương chính hiện nay là xây dựng danh mục về dịch vụ CNTT, đến mức ta có thể xây dựng bộ mã chuẩn. Lúc bấy giờ, kể cả các cơ quan hải quan, cơ quan thuế... sẽ vận dụng chính xác theo chuẩn này.

Đó là việc trước tiên sẽ làm trong thời gian tới. Ngoài ra, các chính sách CN phần mềm và nội dung số cũng nằm trong bộ chính sách hỗ trợ cho các dịch vụ CNTT. Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng nghị định hướng dẫn triển khai những chính sách liên quan đến dịch vụ CNTT.

Bởi vì, trong cấu trúc của luật CNTT mới được phê duyệt gồm có các phần: Phần ứng dụng CNTT, phần CN CNTT, và phần thanh kiểm tra. Chúng ta đã có những nghị định liên quan đã được ban hành, và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. nhưng phần dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực CNTT thì chưa có nghị định nên trong thời gian tới, sẽ được bổ sung.

- Nghĩa là hiện tại, nhiều dịch vụ CNTT vẫn chưa được phân loại và gọi tên?

- Rất nhiều dịch vụ CNTT ở VN đã xuất hiện nhưng chưa có trong bảng phân loại cũ. Ví dụ, hiện nay, trên thế giới, các hãng điện thoại di động đều cần có dịch vụ sửa chữa, bảo hành thiết bị di động trên toàn thế giới.

Nhưng thực ra, tất cả các hãng đa quốc gia đều ký kết với một tập đoàn sửa chữa toàn cầu. DN này có mạng lưới trên toàn thế giới, chuyên bảo hành, sửa chữa cho các công ty lớn, thậm chí sửa chữa thiết bị cho Nokia còn tốt hơn Nokia sửa cho Nokia... Khi một trong những trung tâm, hoặc công ty sửa chữa, bảo hành thiết bị toàn cầu "vào" VN và đăng ký kinh doanh thì bị "vướng" đầu tiên, là không có hạng mục này trong danh mục dịch vụ CNTT.

Để sửa chữa kinh doanh, công ty này phải nhận các thiết bị hỏng ở khắp nơi trên thế giới và VN để sửa chữa, bằng cách nhập khẩu. Khi đó, công ty này bị cấm nhập các thiết bị cũ đã qua sử dụng, nên không thể nhập vào được, dẫn tới không hoạt động được.

Vì vậy, làm sao chúng ta phải tách bạch ra được là DN này nhập các thiết bị cũ về để sửa chữa. Nếu loại hình dịch vụ này chưa có trong danh mục thì không thể vận dụng vào nội dung nào được!

Hình thức thứ hai minh họa cho một dịch vụ chưa được định nghĩa, là trường hợp của công ty TMA chuyên về outsourcing nổi tiếng. Dịch vụ gia công của công ty này lại outsourcing ở mức độ cao, gia công các hoạt động R&D - nghiên cứu và phát triển.

Tức là một hãng phần mềm có hệ thống thiết bị lớn, cần phát triển một thiết bị ngoại vi phục vụ cho thiết bị này. Hãng này bắt buộc outsourcing việc kiểm thử ở VN (mặc dù đã thiết kế, sản xuất thiết bị này ở nước họ).

Nhưng DN khi kiểm thử lô lớn trong một thời gian rất dài thì cần phải có thiết bị cũ để kiểm thử quan hệ kết nối. Khi phát triển một thiết bị mới, thì thiết bị mới phải làm việc được với các thiết bị cũ đã nằm trong mạng lưới. Muốn kiểm thử, vì vậy, DN cần nhập thiết bị cũ để kiểm thử quan hệ tương tác giữa hai thiết bị với nhau.

DN bắt buộc phải nhập thiết bị cũ đã qua sử dụng vì phần lớn thiết bị cũ đã nằm trong mạng lưới rồi. Để tối ưu, DN không thể nhập thiết bị mới tinh mà để kiểm tra, chỉ có cách nhập thiết bị cũ đã qua sử dụng, thì cũng lại bị "vướng."

Vì vậy, loại hình này cần được gọi tên trong danh mục. Và các loại dịch vụ chưa được gọi tên đó thì vô cùng biến hóa, và chưa được gọi tên. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một Nghị định hướng dẫn, giải thích cho luật CNTT về phần dịch vụ. Và giúp cho DN định hình và triển khai được các loại hình dịch vụ liên quan, chưa nói đến các dịch vụ trên nền CNTT...

Mặc dù là công việc xây dựng danh mục nhưng đây là nhiệm vụ rất nặng nề!

- Đến khi nào thì danh mục các dịch vụ này sẽ được công bố, thưa ông?

- Dự kiến chúng tôi sẽ công bố danh mục dịch vụ CNTT vào năm sau!

- Về vấn đề gia công phần mềm, lãnh đạo Sở Bưu chính Viễn thông TP.HCM đã nêu kiến nghị các cơ quan Nhà nước phải là khách hàng lớn của các DN trong lĩnh vực này. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin - Truyền thông có chính sách gì hỗ trợ DN không?

- Chúng tôi thực hiện theo Quyết định 169, và sau đó là 223 (Ngày 17/7/2006, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg, và ngày 4/10/2006, Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg quy định cụ thể: “Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốp từ ngân sách để đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại... phải ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước khai thác, cung cấp mà có chức năng, tính năng, chất lượng tương đương phần mềm thương mại, đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức nhà nước”. - PV)

Đây là chính sách để các cơ quan Nhà nước tích cực sử dụng ưu tiên sản phẩm CNTT trong nước đã sản xuất được. Đấy chính là các sản phẩm do các DN của chúng ta cung cấp, ở dạng sản phẩm hay là dịch vụ.

Mặt khác, trong kỷ nguyên hội nhập, Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức việc triển khai và thanh kiểm tra việc thực thi. Nhà nước không tác động cụ thể, trực tiếp vào DN... Nhà nước tập trung vào đầu tư hạ tầng, tạo nên sân chơi để mọi người cùng hưởng. Nếu không, chúng ta sẽ "va" ngay với những quy định của WTO.

- Cũng có ý kiến cho rằng vẫn tồn tại phân biệt giữa DN Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực CN CNTT, đặc biệt là CN phần mềm. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Đúng là về tư tưởng, chúng tôi không hề có sự phân biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân. Thể hiện rõ nét nhất trong chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT vì các DN tư nhân chiếm đa số, ví dụ các DN lớn như TMA, CMC... đều là DN tư nhân. Vì vậy, vấn đề này trong lĩnh vực CNTT không trầm trọng!

- Ngành dịch vụ CNTT cần định hướng ra sao để cạnh tranh với những nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ?

- Để cạnh tranh trên sân nhà thì thị trường VN chưa lớn, vì các DN TQ có thị trường nội địa quá lớn, họ chỉ quan tâm chủ yếu vào thị trường nội địa và chưa phải là thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Ấn Độ là cường quốc gia công outsourcing. Nếu có cạnh tranh, thì VN sẽ cạnh tranh với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

VN cũng đang triển khai định hướng về xuất khẩu phần mềm ở Nhật, ở Bắc Mỹ, mới ở giai đoạn ban đầu, nên chưa thể là đối thủ của họ.

- Như vậy, chỉ tiêu 1 tỷ USD doanh thu cho ngành CN phần mềm từ nay đến 2010 là khó thực hiện?

- Cần phải hiểu chính xác trong kế hoạch phát triển CN phần mềm từ 2006-2010, VN phấn đấu đạt doanh thu từ 800 triệu - 1 tỷ USD là bao gồm cả CN phần mềm và dịch vụ; nghĩa là thêm cả phần dịch vụ. Về dịch vụ thì rõ ràng, còn rất nhiều trùng lặp, và về giới hạn của các dịch vụ trong ngành này, chúng ta vẫn đang định hình. Khi xây dựng chỉ tiêu này, chúng tôi cũng đã rất thận trọng.

Ngay phân định giữa dịch vụ viễn thông và CNTT cũng đang phải phân loại. Ví dụ, dịch vụ viễn thông như game, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng, dịch vụ nội dung trên Internet... công ty viễn thông xếp vào dịch vụ viễn thông. Bên DN CNTT xếp vào dịch vụ CNTT...

- Xin cảm ơn ông!


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thử nghiệm WiMax tại Lào Cai giai đoạn 2
Sau 1 năm triển khai, chiều 20/9, chương trình thử nghiệm công nghệ băng rộng WiMax tại Lào Cai đã kết thúc giai đoạn 1. Ba đơn vị phối hợp thực hiện là Tập đoàn VNPT, USAID và Intel đã tiếp tục công bố giai đoạn 2.
25/09/2007
Trưa 25-9, bão vào Thái Bình, Thanh Hoá
Theo dự báo, khoảng trưa và chiều 25-9, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Thái Bình – Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá từ sáng 25-9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 6.
25/09/2007
Công nghệ sinh học thiết thực phục vụ đời sống
Trong sự phát triển của khoa học - công nghệ, lĩnh vực công nghệ sinh học đã và đang phát huy tác dụng, phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân. Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.
22/09/2007
Thuê bao di động trả trước sẽ được quản lý như thế nào?
Tính đến thời điểm hiện tại nước ta có trên 30 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên các mạng, trong đó chủ yếu là các thuê bao trả trước. Sự buông lỏng trong quản lý loại hình này nhiều năm nay đã nảy sinh nhiều hậu quả, làm đau đầu các nhà quản lý.
21/09/2007