Bảo tồn và phát triển giống ong nội địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên Cao nguyên đá

08:38, 04/05/2017

BHG - Cây hoa Bạc hà chỉ sinh trưởng và phát triển tại 4 huyện Cao nguyên đá của tỉnh (Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Vì vậy, nghề nuôi ong khai thác phấn hoa cây Bạc hà của đồng bào các dân tộc đã có từ lâu đời.

Trong năm 2013, mật ong Bạc hà của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (Quyết định số 316/QĐ – SHTT V/v cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00035 cho sản phẩm Mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh  có 27.862 đàn ong, trong đó đàn ong được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá là 19.750 đàn (chiếm 70,9% tổng số đàn ong của cả tỉnh); trong đó có 22 tổ chức và 4.400 hộ tham gia nuôi ong. Nhưng theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp) và những người trực tiếp tham gia nuôi ong, thì loài ong ngoại (ong Ý) gây ảnh hưởng rất lớn đến đàn ong nội của địa phương. Đàn ong ngoại không chỉ tranh chấp khốc liệt về nguồn phấn hoa Bạc hà, nhất là vào thời kỳ khan hiếm mật hoa mà còn là kẻ thù tiêu diệt đàn ong nội địa phương. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo đối với UBND tỉnh Hà Giang cần đưa giống ong nội của địa phương vào danh sách bảo tồn.Do đặc điểm cây hoa Bạc hà chỉ sinh trưởng từ tháng 9 dương lịch đến tháng 1 của năm sau, cũng chính là thời kỳ khai thác mật ong Bạc hà của người dân tại 4 huyện Cao nguyên đá; sau thời kỳ trên, người nuôi ong lại phải di chuyển đàn ong đến các điểm khai thác mật hoa của các loài cây khác hoặc cho ong ăn thêm để bảo vệ đàn. Xuất phát từ thực tiễn đó, sản lượng mật ong Bạc hà  của Hà Giang phụ thuộc rất lớn vào số lượng cây Bạc hà sinh trưởng mỗi năm. Đã có nhiều người nuôi ong mật Bạc hà trên Cao nguyên đá cho rằng, nghề nuôi ong mật Bạc hà như chơi “canh bạc” vì có năm được, năm mất do phụ thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây Bạc hà.

Bên cạnh những khó khăn đó, người nuôi ong mật Bạc hà lại phải đối mặt với sự có mặt của đàn ong ngoại khi những người nuôi ong ngoại tỉnh đưa đàn ong của họ lên khai thác phấn hoa cây Bạc hà trên vùng Cao nguyên đá...

Từ thực tiễn đó, để bảo vệ và phát triển Thương hiệu “Mật ong bạc hà” cũng như bảo vệ và đàn ong nội, tạo sinh kế cho đồng bào nâng cao thu nhập, các cấp chính quyền tại 4 huyện Cao nguyên đá và các ngành chức năng của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân vùng Cao nguyên đá nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển đàn ong nội của địa phương. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng Qui trình Bảo tồn đàn ong nội trình UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành chức năng của Trung ương trong công tác bảo tồn và phát triển đàn ong nội của tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương xây dựng “Qui trình bảo tồn và phát triển giống cây hoa Bạc hà” để nâng cao sản lượng và chất lượng của mật ong Bạc hà; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình bảo tồn và phát triển đàn ong nội của địa phương; nâng cao kiến thức của người dân thông qua các chương trình tập huấn về kỹ thuật nuôi, phòng trừ  dịch bệnh và khai thác mật đối với đàn ong nội của địa phương; nâng cao hiệu quả trong quá trình giám sát chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm mật ong Bạc hà. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

Phạm Văn Phú (Chi cục BVTV tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Tuấn Dũng khẳng định vị thế của mật ong bạc hà Mèo Vạc

BHG - Nói đến mật ong bạc hà, một loại mật nổi tiếng trên Cao nguyên đá ai cũng nghĩ ngay đến mật ong bạc hà Mèo Vạc của hợp tác xã Tuấn Dũng. Những ngày đầu thành lập, HTX Tuấn Dũng chỉ có 70 đàn ong, đến nay số đàn ong của HTX đã tăng lên 2.500 đàn, năm 2015 HTX đã sản xuất được hơn 10.000 lít mật ong bạc hà. Tạo thu nhập ổn định cho 25 thành viên HTX và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

30/11/2016
Mèo Vạc mở rộng quy mô sản xuất mật ong Bạc hà

BHG - Đối với người dân Mèo Vạc, nghề nuôi ong đã và đang trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình từng bước nâng cao đời sống. Từ nguồn nguyên liệu hoa Bạc hà quý, địa phương đã gây dựng "thương hiệu" mật ong Bạc hà vang danh trong và ngoài tỉnh. Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, Mèo Vạc có chủ trương mở rộng quy mô sản xuất đặc sản mật ong Bạc hà. Đây không chỉ là "bước đi" trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện mà còn tạo ra hướng thoát nghèo bền vững cho người nông dân.

29/03/2017
Ngọt ngào hương mật Cao nguyên

Xuân 2017 - Nắng vẫn lung linh trải vàng trên khắp dải biên thùy. Gió cứ ngân nga hát bản tình ca về  mây ngàn gió núi. Có những ngày nào đó, ta bỗng nhớ về, để rồi bứt ra khỏi cuộc sống ồn ào nơi đô thị, ta trở về với sự bình yên trên khoảng trời cao nguyên, màu nắng, màu gió,  hương hoa.

24/01/2017
3 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc

BHG - Mật ong Bạc hà có màu vàng chanh, hương vị ngọt, thơm mát, không khé… nên được người tiêu dùng và du khách lựa chọn. Xác định được giá trị của mật ong Bạc hà, năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc.

23/03/2017