Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ đàn ong nội

08:57, 04/01/2017

BHG - Mật ong Bạc hà vang danh, được nhiều người trong và ngoài tỉnh xem là sản vật của vùng Cao nguyên đá (CNĐ). Nhưng ít ai biết để có được những giọt mật quý từ loài hoa Bạc hà dại, người nuôi ong nơi đây phải đối diện với nhiều khó khăn, trăn trở. Để bảo vệ đàn ong nội và giữ gìn thương hiệu mật ong Bạc hà vì quyền lợi người tiêu dùng thì nâng cao nhận thức của người dân là một trong những yếu tố quyết định.

Lâu nay, nghề nuôi ong lấy mật của người dân CNĐ đã gắn bó lâu đời và trở thành sinh kế giúp đồng bào bám đá nơi biên cương. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tham gia nuôi ong để XĐGN. Theo thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 27.800 đàn ong; trong đó, đàn ong mật tại 4 huyện vùng CNĐ đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà có tổng số 20.000 tổ; có 22 tổ chức và 4.400 hộ tham gia nuôi ong địa phương. Qua đánh giá của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh và theo những người nuôi ong, giống ong bản địa (ong nội) chịu ảnh hưởng rất lớn từ loài ong ngoại, nhất là vào thời điểm khan hiếm nguồn mật. Con ong ngoại không chỉ tranh chấp nguồn hoa mà còn bay vào tổ ong nội để tranh giành, cắn chết con ong nội khiến cho đàn ong nội bốc bay, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Từ đó, Cục Chăn nuôi đã đưa ra nhiều khuyến cáo để người nuôi ong nội bảo vệ và phát triển đàn như: Khoảng cách tại các điểm nuôi ong; phân loại về giống ong cần bảo tồn; đưa vào danh mục bảo tồn giống ong địa phương ở Hà Giang...

Nghề nuôi ong mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân trên vùng CNĐ. Trong ảnh: Anh Ngô Mạnh Cường (bên phải), Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh mật ong CNĐ kiểm tra tình hình phát triển đàn ong của HTX Tuấn Dũng, Mèo Vạc.
Nghề nuôi ong mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân trên vùng CNĐ. Trong ảnh: Anh Ngô Mạnh Cường (bên phải), Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh mật ong CNĐ kiểm tra tình hình phát triển đàn ong của HTX Tuấn Dũng, Mèo Vạc.

Đối với người nuôi ong trên vùng CNĐ, do đặc thù khí hậu khắc nghiệt và thời điểm ra hoa Bạc hà muộn nên đàn ong chỉ duy trì nuôi từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm; sau đó phải chuyển đàn đến nơi có khí hậu ấm và thực hiện dưỡng đàn để tránh ong bị bốc bay. Do chi phí vận chuyển, dưỡng đàn tốn kém nên số tiền thu được sau mỗi mùa mật không được nhiều. Thậm chí, có không ít hộ nuôi ong đến cuối vụ do không có điều kiện dưỡng đàn đã phải bán đàn ong với giá rẻ, đến đầu vụ hoa lại đầu tư mua đàn mới với giá cao hơn. Anh Hoàng Ngọc Thanh, người nuôi ong ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc) chia sẻ: “Nghề nuôi ong chẳng khác gì đi... “đánh bạc”, bởi năm được, năm mất. Khi thời tiết thuận lợi, số lượng hoa Bạc hà nở nhiều, lượng mật thu được lớn sẽ bù trừ vào kinh phí dưỡng đàn. Nếu mất mùa hoa Bạ hà thì coi như năm đó nuôi ong không có công. Chưa kể nếu có đàn ong ngoại gần đó thì nguy cơ đàn ong bị tranh cướp mật và bốc bay là không thể tránh khỏi ”.

 Theo nhận định của không ít người dân, việc một số tổ chức, cá nhân mang ong ngoại đến đặt nuôi trên địa bàn vùng CNĐ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng. Nếu như hộ dân cho đặt ong ngoại trên diện tích đất của gia đình, được các chủ ong hỗ trợ vài triệu đồng nhưng “lợi bất cập hại” khi nhiều hộ khác phải gánh chịu sự tàn phá của loại ong này. Không những vậy, CNĐ là khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh, tại các địa điểm đặt ong ngoại, chủ ong đã dựng lều lán, xả rác thải gây mất cảnh quan môi trường, mất hình ảnh trong mắt du khách thập phương. Quan trọng nhất, do tỉnh ta là tỉnh giáp biên, địa hình hiểm trở nên việc các chủ ong đặt nuôi ong ngoại ở một số xã vùng sâu, vùng xa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với chính các chủ nuôi ong mà còn có thể gây mất an ninh trật tự ở cơ sở.

Trước tình trạng đó, để những người nuôi ong nội giữ được sinh kế, cấp ủy, chính quyền địa phương và người nuôi ong cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân cùng bảo vệ và phát triển đàn ong nội vì mục tiêu XĐGN. Theo khuyến cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, các cấp, các ngành cần vào cuộc để rà soát đầy đủ, chính xác về nghề nuôi ong của đồng bào; xây dựng quan điểm vừa phát triển vừa bảo tồn giống ong địa phương; có cơ chế quản lý ruộng nương và cây Bạc hà của đồng bào trên vùng CNĐ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các HTX nuôi ong, của Hội sản xuất và kinh doanh mật ong CNĐ trong việc tư vấn về quản lý ong, mật ong và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong theo quy trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng mật ong Bạc hà để bảo vệ thương hiệu...

Tỉnh ta đã xác định con ong là 1 trong 6 cây, con để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn nuôi ong, thì công tác tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về giá trị kinh tế từ con ong rất cần được quan tâm. Thiết nghĩ, khi nào người dân hiểu nghề nuôi ong chính là con đường thoát nghèo thì khi ấy tự người dân sẽ biết cách bảo vệ đàn ong nội.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Tuấn Dũng khẳng định vị thế của mật ong bạc hà Mèo Vạc

BHG - Nói đến mật ong bạc hà, một loại mật nổi tiếng trên Cao nguyên đá ai cũng nghĩ ngay đến mật ong bạc hà Mèo Vạc của hợp tác xã Tuấn Dũng. Những ngày đầu thành lập, HTX Tuấn Dũng chỉ có 70 đàn ong, đến nay số đàn ong của HTX đã tăng lên 2.500 đàn, năm 2015 HTX đã sản xuất được hơn 10.000 lít mật ong bạc hà. Tạo thu nhập ổn định cho 25 thành viên HTX và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

30/11/2016
Có nên đánh đổi thương hiệu vì vài tấn mật bạc hà?

Dù tranh cãi về mặt khoa học, pháp lí giữa tỉnh Hà Giang và những người nuôi ong ngoại chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia, nhà quản lí cho rằng, về lý còn nhiều chỗ chưa rõ, song bên cạnh đó còn có đạo lý nữa. Không thể tham vài tấn mật bạc hà mà đánh đổi cả một thương hiệu quý giá mất bao công sức gây dựng.

19/10/2016
Gian nan xây dựng và bảo vệ thương hiệu Mật ong Bạc hà

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó con ong được chọn làm thế mạnh giúp bà con 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế con ong đã trở thành "cứu cánh" - mang lại miếng cơm, manh áo cho bà con trên vùng Cao nguyên đá với thương hiệu Mật ong Bạc hà! Tuy nhiên, thời gian qua con ong và uy tín thương hiệu Mật ong Bạc hà luôn bị đe dọa – đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo của bà con 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh cũng bị... đe dọa.

18/10/2016
Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

17/11/2016