Hà Giang

70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và đặc biệt

09:09, 26/12/2015

BHG- Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay sau đó, ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải mở một hiến pháp dân chủ. Rồi Người đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử (TTC) với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và cầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, ngày 8.9.1945, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh, quy định trong thời gian 2 tháng, kể từ ngày ký sắc lệnh, sẽ mở cuộc TTC, bầu Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ nước ta cũng đã chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị cho cuộc TTC trong bối cảnh đất nước đang gặp phải nhiều khó khăn. Qua đó, Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước ta được thành lập.

Có thể nói, việc tiến hành cuộc TTC đầu tiên của nước ta được chuẩn bị và thực hiện trong bối cảnh đặc biệt khó khăn. Các thế lực đế quốc và tay sai hay ráo riết chống lại chính quyền cách mạng còn non trẻ của ta. Vì thế, đây là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt và thể hiện vai trò chèo lái con thuyền cách mạng tuyệt vời của Đảng và Hồ Chủ tịch. Trong bối cảnh đó, Hồ Chủ tịch và T.Ư đã khéo léo thương lượng, hòa giải, tránh đối đầu với các tổ chức như Việt Quốc, Việt Cách để tạo bầu không khí thuận lợi cho TTC. Qua đó, công tác triển khai TTC được tiến hành sâu rộng trong cả nước, trở thành một cuộc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân rộng lớn và gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc. 

Ngày 5.1.1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ, lựa chọn và bầu ra những đại biểu đại diện cho nhân dân. Đồng thời, tỏ rõ cho thế giới biết, dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, kiên quyến chống thực dân, bảo vệ độc lập.

 Ngày 6.1.1946, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân cả nước đã sôi nổi tham gia cuộc TTC lịch sử, một cuộc TTC đầu tiên để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam. Nhiều địa phương, nhất là ở miền Nam, bầu cử đã diễn ra dưới làn bom đạn của kẻ thù. Nhiều cán bộ phục vụ cuộc TTC đã hy sinh. Song, cuộc TTC đầu tiên của chúng ta đã thành công với 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu.

Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn với thù trong, giặc ngoài, cuộc TTC thành công, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Quốc hội khóa I là kết quả của một cuộc đấu tranh khôn khéo và quyết liệt của Đảng và Chính phủ. Qua đó, để xây dựng nên một Quốc hội của nền độc lập, thống nhất dân tộc, đại đoàn kết toàn dân, một Quốc hội của tất cả các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái yêu nước...

Hồ Chủ tịch nói: TTC là một dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức ghánh vác công việc nước nhà. Trong TTC, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Vì lẽ đó, TTC tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Thắng lợi của cuộc TTC đầu tiên của nước ta là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng, phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta.

Qua 70 năm kể từ ngày TTC, Quốc hội nước ta ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng là đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc