Chàng thanh niên người Giáy khởi nghiệp với trang trại nuôi dê

08:30, 08/06/2017

BHG - Khởi nghiệp có thể coi là một trào lưu, cũng là một thử thách hết sức khó khăn đối với bất cứ một bạn trẻ nào. Thế nhưng, với chàng thanh niên trẻ tuổi Hoàng Văn Hưởng (sinh 1987) tại thôn Ma Lé, xã Ma Lé (Đồng Văn) thì “vạn sự khởi đầu nan, càng khó thì càng vững,...”, anh đang ngày ngày đánh thức tiềm năng kinh tế của miền đất “ngủ quên” bằng dự án khởi nghiệp của mình.

Men theo con đường nhỏ gập ghềnh cách trung tâm xã Ma Lé khoảng 3 km, chúng tôi được cán bộ xã đưa đến nhà anh Hưởng. Sau gần 30 phút đi bộ, căn nhà nhỏ nằm gọn dưới thung lũng cũng hiện ra. Xung quanh, những vạt ngô đang thì xanh mướt, xen lẫn màu xanh của mạ non. Anh Hưởng là người dân tộc Giáy và là một quân nhân xuất ngũ. Anh chia sẻ: Sau khi xuất ngũ, nhận thấy không thể trông đợi vào vài vạt nương để sống và nuôi 3 miệng ăn trong gia đình; anh quyết tâm tìm hiểu các cách làm kinh tế và tích cực học hỏi nhiều mô hình ở các xã, với mong muốn có thể giúp gia đình thoát nghèo. Xuất phát từ 2 bàn tay trắng, năm 2016, sau khi được UBND xã Ma Lé tạo điều kiện giúp anh vay từ nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp có thu hồi (thu hồi 50% vốn, trong vòng 12 tháng) với số tiền 100 triệu đồng; anh mua hơn 40 con dê. Những ngày đầu khó khăn, anh hoàn toàn tự mình vận chuyển nguyên vật liệu từ xã vào để xây dựng chuồng trại. Nhìn quãng đường dốc núi, đi bộ cũng hết sức khó khăn; chúng tôi càng khâm phục ý chí của cựu quân nhân trẻ này. Đến nay, anh đã có một khu chuồng trại kiên cố với số tiền đầu tư lên đến hơn 50 triệu đồng.

Anh Hưởng cùng cán bộ xã kiểm tra và cho đàn dê ăn.                             Ảnh: MY LY
Anh Hưởng cùng cán bộ xã kiểm tra và cho đàn dê ăn. Ảnh: MY LY

Với 3 nhân khẩu, gia đình anh Hưởng trước đây là hộ nghèo nhất nhì trong thôn Ma Lé. Nhưng hiện nay, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và có mức thu nhập ổn định. Trại dê của anh luôn duy trì từ 70 – 80 con, vừa là dê thương phẩm vừa là dê sinh sản. Được biết, giá dê thương phẩm hiện tại dao động từ 70 – 90 nghìn đồng/1kg. Thông thường, dê con từ khi đẻ đến khoảng 7 tháng sẽ đạt 20 – 30 kg/1con và có thể xuất bán. Năm vừa qua, do trang trại mới mở, nên anh mới xuất bán được hơn 10 con dê thương phẩm, cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng dê của anh còn khoảng gần 30 con sắp được xuất bán. Ngoài nuôi dê, anh Hưởng còn phát triển thêm đàn chim bồ câu với hơn 20 đôi và nuôi thêm bò, lợn và vịt; anh trồng hơn 1 ha cỏ chăn nuôi,... Anh Hưởng vui mừng chia sẻ: “Bản thân tôi còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng chính vì thế nên tôi nghĩ mình phải cố gắng. Hiện, tôi cũng đang tự học hỏi và tham gia thêm các lớp tập huấn về chăn nuôi, thú y để có thể xử lý được những dịch bệnh thường gặp của đàn dê khi chúng bị tiêu chảy,... để luôn đảm bảo và duy trì số lượng và chất lượng đàn”.

Trao đổi với anh Phạm Hồng Việt, Bí thư Đảng uỷ xã Ma Lé; anh Việt cho biết: “Là một quân nhân xuất ngũ có lẽ vì thế mà bản thân Hưởng rất cần mẫn, vươn lên trong gian khó anh là người không biết ngại khó, ngại khổ. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào trang trại dê này và hứa hẹn còn phát triển xa hơn nữa. Không chỉ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo mà Hưởng còn là đảng viên trẻ có sức ảnh hưởng rất lớn tới phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã và là tấm gương để thanh niên trong xã học tập và làm theo”. Được biết, nhằm khơi dậy phong trào khởi nghiệp ở địa phương, trực tiếp lãnh đạo xã Ma Lé đã làm việc với các nhà hàng trong và ngoài tỉnh về vấn đề tiêu thụ thịt dê; đây là tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển trang trại dê của gia đình anh Hưởng.

Với quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Hưởng chính là động lực cho nhiều thanh niên trong xã chưa dám mạnh dạn làm kinh tế sẽ tự tin hơn. Tin rằng, với sự nỗ lực của mình và sự giúp đỡ từ các chương trình khởi nghiệp; trong tương lai, trang trại của anh sẽ ngày càng phát triển cũng như đánh thức vùng đất đang “ngủ quên” này...

MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Thanh niên Quản Bạ xung kích khởi nghiệp

BHG - Thực hiện phong trào thanh niên xung kích phát triển KT – XH, thanh niên làm theo lời Bác; nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Quản Bạ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới hướng làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình và nhiều lao động, Trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.  

29/03/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017