Huyện Mèo Vạc: “Dang tay” tiếp nhận người tài...

16:29, 02/04/2012

HGĐT- Trong những năm gần đây, Mèo Vạc đã và đang thay đổi từng ngày, là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh và nhanh nhất; sự nghiệp GD-ĐT của huyện đạt được nhiều thành tích mới; nhiều gia đình đã quan tâm và có sự đầu tư nhất định, tạo điều kiện cho con em mình được học tập. Nhờ đó, số lượng học sinh của huyện đi đỗ các trường Đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Và số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường về địa phương đều đa phần được bố trí công ăn, việc làm nhanh và ổn định. Đây chính là tín hiệu đáng mừng không chỉ với sinh viên mà còn cho cả các bậc phụ huynh hiện đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Anh hùng...


 

 Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Sùng Minh Sính trả lời phỏng vấn PV Báo Hà Giang.


Cũng chính bởi chính quyền, lãnh đạo địa phương đã và đang tạo được một "Hành lang" thông thoáng, với cơ chế rộng mở đón cử nhân - những người con của Mèo Vạc về địa phương công tác; phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo huyện Mèo Vạc.


Phóng viên (PV): Được biết: Thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã chủ động tạo một “hành lang” rất thông thoáng, “Dang tay” đón nhận và tạo công ăn, việc làm nhanh, ổn định mà không phải “vất vả” như trước. Vậy, xin đồng chí cho biết xuất phát từ đâu mà huyện đã, đang làm rất tốt chính sách thu hút, tạo việc làm cho người có trình độ. Nhất là sinh viên mới ra trường, là người địa phương?


Ông Sùng Minh Sính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc: Trong nhiều năm trở lại đây, huyện đã triển khai, thực hiện thành công nhiều chính sách thu hút người tài trở về địa phương làm việc. Hiện nay, với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của huyện là những con người mới với cách nghĩ, cách làm mới, mạnh dạn, tự chủ và nắm bắt tốt thời cơ, luôn coi trọng, tạo điều kiện, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, giải quyết việc làm. Nhờ đó, con em các dân tộc tốt nghiệp các trường Đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp khi ra trường không quản ngại gian khó, nghèo, đói quay về phục vụ, cống hiến, đóng góp công sức xây dựng quê hương. Đó là sự đóng góp quý giá và rất đáng chân trọng. Vì thế, huyện sẽ hết sức tạo điều kiện tuyển dụng và bố trí công việc cho các em theo đúng năng lực, trình độ được đào tạo, với niềm tin to lớn các em sẽ xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Năm 2011, trên địa bàn có 14 sinh viên tốt nghiệp ra trường và chính quyền đều nhanh chóng sắp xếp, bố trí việc làm ngay cho các em. Bởi chính những cử nhân này sinh ra và lớn lên trên quê hương Mèo Vạc nên cũng như bao người dân nơi đây sẽ rất hiểu về quê mình, hiện nay đang cần gì, thiếu gì, phải làm những gì để từng bước thay đổi cuộc sống hiện tại; nhất là các em là người địa phương khi đã có công việc ổn định, tư tưởng sẽ không bị dao động và với tài năng, sức trẻ của mình sẽ dốc toàn bộ công trức, trí tuệ để xây dựng Mèo Vạc phồn vinh trong tương lai...


PV: Vậy huyện Mèo Vạc đã, đang làm gì để duy trì và nuôi dưỡng nguồn trí thức trẻ là người địa phương hiện đang học ngoài huyện và ngoài tỉnh?


Ông Sùng Minh Sính: Hiện nay, ngoài cơ chế thông thoáng trong tuyển dụng nếu các em tốt nghiệp có học lực khá, giỏi, khi tốt nghiệp quay về địa phương và sau khi được chính quyền trực tiếp kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ xem phù hợp lĩnh vực nào, huyện sẽ bố trí công việc ngay hoặc nếu lĩnh vực phù hợp chưa có chỉ tiêu, biên chế, chính quyền sẽ làm hợp đồng tạm tuyển để các em và gia đình không phải chờ đợi, được đi làm ngay. Đây cũng chính là cách mà huyện đang áp dụng nhằm giúp các em làm quen ngay được với công việc, trau dồi thêm kiến thức, nghiệp vụ... Chỉ qua đó thôi cũng giảm bớt quãng thời gian chờ việc của gia đình và người cần việc, nhất là giảm thiểu được những “tiêu cực” không đáng có trong lộ trình xin việc, tìm việc đang tồn tại trong xã hội hiện nay...


Anh Trần Thạch Hằng, Phó Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc: Phát huy truyền thống quê hương, các bạn sinh viên huyện Mèo Vạc nói chung đều có ý thức cao trong học tập và rèn luyện. Tuy sống xa nhà, trong môi trường sống và học tập khác biệt nhưng sinh viên của huyện đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng tiếp cận và làm quen với môi trường mới, nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả cao không thua kém so với sinh viên ở các địa phương khác. Tiêu biểu như các sinh viên: Thào Thị Xí, xã Cán Chu Phìn, đang học năm thứ 2, tại Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội); Sùng Minh Thành, thị trấn Mèo Vạc, học năm thứ 2 tại Học viện An ninh... Theo số liệu chưa thống kê đầy đủ, hiện toàn huyện có hơn 100 con em đang theo học tại các trường Đại học, cao đẳng trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và năm 2011, sinh viên huyện Mèo Vạc có gần 20 em đạt học lực Khá; 3 em đạt loại Giỏi và được nhận học bổng; 3 sinh viên đạt các giải thưởng vinh danh như: sinh viên Năm Tốt, giải thưởng Vừ A Dính... Đặc biệt, nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã nỗ lực phấn đấu trong quá trình học tập tại trường THPT tại huyện, thi và đỗ đại học, như các sinh viên: Lục Văn Phương (xã Nậm Ban), ĐH Kiến Trúc Hà Nội; Nguyễn Thị Hồng Vân (thị trấn Mèo Vạc), Đại học Y Thái Nguyên... Riêng năm 2011, toàn huyện có 7 em thi đỗ Đại học, cao đẳng. Tuy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn đỗ vào các trường Đại học chưa nhiều nhưng so với các huyện trong tỉnh, huyện Mèo Vạc đang đứng trong “Top” về tỉ lệ thi đỗ Đại học... Hiện nay, theo như mình biết nhu cầu việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường trên địa bàn tăng dần đều theo từng năm. Do đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã và đang rất quan tâm tới công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là sinh viên là nhiệm vụ trọng tâm của các ban, ngành liên quan... Và cũng để giúp các em an tâm, ổn định tư tưởng học tập, hàng năm trực tiếp các đồng chí lãnh đạo huyện đều tổ chức gặp mặt toàn thể sinh viên của huyện nhân dịp đầu năm mới, để lắng nghe những suy tư, trăn trở về học tập, nhu cầu công việc sau khi tốt nghiệp của các em; lập ra ban liên lạc tại các tỉnh, thành phố có nhiều con em theo học làm cơ sở để duy trì liên lạc giữa sinh viên và giữa Hội Sinh viên với Huyện đoàn Mèo Vạc nhằm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động của hội sinh viên trong các dịp nghỉ Tết và nghỉ hè tại địa phương và nhất là để xây dựng lộ trình, kế hoạch tuyển dụng các em sau khi tốt nghiệp, ra trường trở về địa phương công tác...


PV: Xin bác cho biết cảm nhận sau khi con em mình sau khi tốt nghiệp Đại học về địa phương được bố trí công ăn, việc làm ổn định?


Bác Thào Mí Sính, phụ huynh em Thào Thị Nga, Cử nhân trường Đại học Văn hóa Hà Nội hiện đang làm việc tại Ban Tổ chức Huyện ủy Mèo Vạc: Vui mừng lắm! Nhớ cái lúc con Nga mới đi học, xa nhà đã lo lắm rồi, đến khi nó học gần xong lại càng lo hơn. Vì mọi người vẫn nói “cơ chế thị trường” nên xin việc khó lắm, mà nhất là đối với những gia đình nghèo còn khó hơn. Nhưng rồi đến khi con mình học về, được các bác lãnh đạo huyện bố trí công việc ngay nên vui lắm. Chỉ mong cho nó biết phát huy những cái đã học được ở nhà trường, cộng với học tập kinh nghiệm của người đi trước làm việc thật tốt, để khỏi phụ công của các bác ấy dành cho... Đấy, hôm rồi gặp lão bạn già, xóm Tùa Chí Dùa (Thị trấn Mèo Vạc) có con đang học năm thứ 2 ở trường Đại học Y Thái Nguyên, mình thông báo cho biết, lão nói: “Vậy thì yên tâm, học về không phí rồi...”...


Qua trao đổi điện thoại với em Ly Mí Say, hiện đang theo học trường Đại học Kiến trúc (Hà Nội) em cho biết: “Bây giờ các bác lãnh đạo huyện quan tâm tới chúng em nhiều lắm, bọn em yên tâm, không phải lo lắng sau này ra trường phải tìm việc nữa nên em và các bạn đã tự hứa với nhau quyết tâm học thật tốt, để có thật nhiều kiến thức khi ra trường về huyện làm việc, cùng nhau xây dựng quê hương, giúp gia đình và bà con đỡ khổ...”.


Với cách làm chủ động trong công tác giải quyết việc làm theo hướng vì cộng đồng, nhất là đối với con em các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn; huyện Mèo Vạc đã và đang tạo được sự đồng thuận trong người dân, tăng thêm lòng tin vào đường lối, tổ chức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; ổn định tư tưởng, yên tâm phát triển lao động, sản xuất, góp sức xây dựng miền đá ngày càng giàu mạnh, văn minh bằng chính nguồn lực của địa phương...


TUẤN - TIẾN (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của
26/03/2012
Xây dựng nông thôn mới cần tạo ra nhiều mô hình nâng cao thu nhập
HGĐT- Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở nhiều địa phương đang thiên về hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến phát triển các mô hình sản xuất, tạo thu nhập. Nếu chỉ tập trung dồn sức với mong muốn tạo sự thay đổi về bộ mặt bên ngoài, mà không chăm lo tạo dựng các mô hình tăng thu nhập thì hiệu quả mang lại chưa bền vững.
15/03/2012