Xây dựng nông thôn mới cần tạo ra nhiều mô hình nâng cao thu nhập

15:14, 15/03/2012

HGĐT- Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở nhiều địa phương đang thiên về hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến phát triển các mô hình sản xuất, tạo thu nhập. Nếu chỉ tập trung dồn sức với mong muốn tạo sự thay đổi về bộ mặt bên ngoài, mà không chăm lo tạo dựng các mô hình tăng thu nhập thì hiệu quả mang lại chưa bền vững.


Từ vấn đề này, PV Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM Hà Giang.

 

 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trả lời phỏng vấn phóng viên.


Hà Giang có trên 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhìn chung cuộc sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế, như vậy là xuất phát điểm XDNTM của tỉnh rất thấp, thưa đồng chí!?


Đúng vậy, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng Hà Giang vẫn nằm trong tốp những tỉnh nghèo nhất cả nước nên xuất phát điểm XDNTM cũng ở mức thấp và rất nhiều khó khăn. Từ kết cấu hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp dẫn tới nơi ở và sản xuất của đồng bào gặp nhiều trở ngại; chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm. Hơn nữa, tập quán sản xuất với quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh dẫn đến việc làm, thu nhập của người dân khu vực nông thôn thấp, nguồn lực đầu tư mặc dù đã được ưu tiên hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vai trò chủ thể lãnh đạo để phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư tham gia vào thực hiện, duy trì các chương trình Nhà nước đầu tư còn yếu, tư tưởng của một bộ phận người dân còn ỷ lại vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách.


Nội tại trong dân thì như vậy, nhưng XDNTM đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, theo đồng chí đường hướng và cách làm của Hà Giang trong XDNTM nên bắt đầu từ đâu?


XDNTM là chương trình có nội dung toàn diện, tổng hợp của các chương trình mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng tực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần khu vực nông thôn. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng từ Nhà nước đến toàn dân thì nó mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Từ các tiêu chí xã NTM của T.Ư quy định, UBND tỉnh đã cụ thể hoá với 3 nhóm để xác định, huy động và bố trí nguồn lực đầu tư, gồm: Những tiêu chí nhân dân tự thực hiện; những tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm; các tiêu chí được ngân sách đầu tư 100%. Biết rõ những khó khăn của địa phương nghèo, Hà Giang cũng xác định, trong quá trình XDNTM phải bám sát quan điểm: Việc nào dễ làm trước, khó làm sau, không cần tiền làm trước, cần tiền làm sau, cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau; XDNTM không chỉ có bê tông hoá, cần xây dựng bầu không khí dân chủ, đoàn kết trong dân... Với cách làm như vậy, thì việc bố trí, huy động nguồn lực, đầu tư thời gian qua rất thuận lợi, được người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Nguồn lực thực hiện XDNTM được huy động từ kế hoạch ngân sách hàng năm và nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, Trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, hỗ trợ của doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và công sức, tiền của đóng góp của nhân dân. Các nguồn lực trên sẽ được lồng ghép theo hướng tập trung từng mục tiêu, tiêu chí cần triển khai trong năm, không dàn trải, cùng một tiêu chí huy động tối đa 2-3 nguồn kinh phí để thực hiện trong phạm vi 1 xã. Nếu thực hiện được đúng như thế, sự khởi đầu của Chương trìnhXDNTM tại Hà Giang sẽ rất thuận lợi, tạo được đà cho cả quá trình thực hiện.


Sau hơn 2 năm triển khai XDNTM, vị trí, vai trò của người dân nông thôn - chủ thể chương trình XDNTM được xác định như thế nào!?


Phải nói rằng, XDNTM là chương trình hướng tới mục tiêu làm chuyển biến cả chất và lượng, giải quyết các vấn đề ngay tại khu vực nông thôn, chính bản thân các gia đình. Do đó, chúng ta xác định chương trình này lấy người dân làm trung tâm cả trong xây dựng lẫn hưởng thụ. Vì vậy, để chương trình đạt mục tiêu đề ra thì việc phát huy sức mạnh của người dân, cộng đồng dân cư là rất cần thiết, là yếu tố quyết định đến thành công. Do đó, người dân phải tích cực đóng góp công, sức, trở thành chủ thể, giữ vai trò trọng tâm và nhận thức thật sự đầy đủ về cả quyền lợi lẫn trách nhiệm. Qua đó, cần đề cao vai trò theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Bởi, đúng như định hướng ban đầu đề ra là: Tất cả vì mục tiêu để nhân dân hưởng thụ...


Đến nay, Hà Giang đạt được bao nhiêu tiêu chí theo quy định, thưa đồng chí? Những cái được trong XDNTM đã nhiều, còn cái chưa được thì sao?


Đánh giá một cách tổng thể Chương trình, sau 2 năm triển khai, bộ mặt nông thôn Hà Giang đã và đang bắt đầu có sự chuyển biến rõ rệt. Nhưng, cái được lớn nhất ở đây không phải là những thay đổi bên ngoài, mà đó là nhận thức và ý thức trách nhiệm tham gia của người dân. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay trong 40 xã điểm XDNTM giai đoạn 2011-2015, có 4 xã đã đạt 10-12/19 tiêu chí; 6 xã đạt từ 5-10 tiêu chí; 30 xã đạt dưới 5 tiêu chí... Bên cạnh những thành tựu, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đặt ra, như: Công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự tới người dân, ngay cả những người trong cuộc. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu nhiều, chưa biết XDNTM phải bắt đầu từ đâu, cách thức triển khai thực hiện như thế nào. Cùng với đó, việc XDNTM vẫn thiên về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, chưa quan tâm nhiều đến xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để chương trình XDNTM thực sự phát huy hiệu quả; với cương vị Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM Hà Giang, tôi nhận thấy: Thời gian tới, chính quyền các địa phương cần giải quyết hài hòa mối quan hệ khăng khít giữa đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập trong dân. Có như vậy, thì người dân mới thực sự là chủ thể, người hưởng lợi lớn nhất khi thực hiện Chương trình và nhất là đời sống, tinh thần, vật chất của bà con các dân tộc cũng sẽ đổi thay, “lớn dần” theo sự hoàn thiện các hạng mục đối với từng tiêu chí cũng như định hướng đã đề ra; tạo nên một xã hội nông thôn phát triển bền vững về cả chất và lượng...


PV. Xin cảm ơn đồng chí!


NHÓM PHÓNG VIÊN CHUYÊN ĐỀ

Ý kiến bạn đọc