Cần có giải pháp chống sạt lở cho khu dân cư tổ 5, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì)

19:00, 27/04/2021

BHG - Hoàng Su Phì được biết là một trong những huyện có địa hình chia cắt phức tạp, địa chất không ổn định, nguy cơ xảy ra lũ quét, lốc xoáy, mưa đá và sạt lở rất cao; gây tổn thất nặng nề về tài sản cũng như tính mạng của người dân. Hàng năm, huyện Hoàng Su Phì luôn phải hứng chịu những hậu quả rất lớn do thiên tai gây ra. Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp, vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản và các công trình công cộng trên địa bàn.

Khu vực tổ 5, thị trấn Vinh Quang trước nguy cơ sạt lở cao.
Khu vực tổ 5, thị trấn Vinh Quang trước nguy cơ sạt lở cao.

Mặc dù đã luôn đề cao tính chủ động trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhưng trong năm 2020, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt. Trong tháng 9.2020, mưa lớn kéo dài gây ra sạt trượt đất đồi làm ảnh hưởng trầm trọng đến 13 hộ dân cư và có nguy cơ sạt lở một Trại tạm giam của Công an huyện tại tổ 5, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì. Từ thực trạng đó, UBND huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá về các hiện tượng trượt lở. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào được triển khai thực hiện, người dân tổ 5, thị trấn Vinh Quang vẫn đang sống trong nơm nớp lo âu. Theo quan sát trực tiếp của phóng viên, ở khu vực có nguy cơ sạt lở tại tổ 5, thị trấn Vinh Quang, khu đất sạt lở trên quả đồi có ta luy dương với chiều dài trên 90 m, chiều sâu 70 m, chiều cao tại điểm trượt cao nhất so với mặt bằng khu dân cư trên 50 m. Phía trên cùng giáp phần sạt trượt là Trạm tạm giam của Công an huyện. Phía dưới chân đồi là dãy nhà ở của khu dân cư nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 177 thuộc địa phận thị trấn Vinh Quang.

Một số căn nhà và công trình bị vùi lấp một phần trong đất, đá.
Một số căn nhà và công trình bị vùi lấp một phần trong đất, đá.

 

 

Hiện tại, đất sạt lở đã vùi lấp một số nhà dân, có nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng số có 13 hộ dân sinh sống thì phần lớn đã đi thuê nhà ở, nhưng còn một số ít hộ vẫn “liều mạng” trở về sinh sống vào ban ngày với lý do: Việc đi thuê nhà quá tốn kém và kéo dài, cùng với đó do tiếc khối tài sản đang nửa chìm trong lòng đất nên họ đành đánh liều ở lại trông coi. Anh Lê Duy Long, tổ 5 thị trấn Vinh Quang, cho biết: “Do điều kiện kinh tế có hạn, tích góp mãi mới xây nhà, nhưng chưa kịp làm xong thì đất, đá phía sau đã đổ ụp xuống. Tiếc và xót lắm nhưng cũng đành chịu và chờ đợi nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng kè để gia đình hoàn thiện nốt ngôi nhà mong ước”.

Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức đánh giá về các hiện tượng trượt lở, đồng thời tổ chức họp bàn nhiều lần để di dời các hộ dân sang vị trí khác. Tuy nhiên, vị trí mới do là ở cách xa với trung tâm thị trấn nên các hộ dân không đồng tình chuyển vị trí. Vì vậy, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đề xuất với các cấp bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở để đảm bảo cho khu dân cư và công trình nhà nước trong khu vực này”.

Qua đánh giá của các cơ quan khoa học, nguyên nhân chủ yếu do các đặc điểm địa hình, địa chất gây trượt lở đất, đá; bên cạnh đó còn có tác động nhân sinh như tình trạng chặt phá rừng, cắt ta luy làm đường giao thông, xây dựng nhà cửa và các công trình công cộng. Hiện nay bắt đầu vào mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất đá tại khu vực này rất cao, vì vậy huyện Hoàng Su Phì cần triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân trong vùng…

Bài, ảnh: PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mong điện thắp sáng Tà Làng

BHG - Những năm trở lại đây, Nhà nước đã nỗ lực đưa điện lưới Quốc gia về các thôn, bản vùng cao, nhưng người dân thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) sống ngay bên cạnh Thủy điện Nho Quế 1 nhưng vẫn "khát" điện. Điều bất cập ở đây chính là, tất cả các hộ dân trong thôn đều chủ động hiến đất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 1. 

22/09/2020
Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê cần sớm được sửa chữa

BHG - Hiện nay, nhiều hạng mục, công trình của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bắc Mê đã xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, dẫn đến không đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới. Do đó, đầu tư nâng cấp BVĐK Bắc Mê là việc làm cần thiết, từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

22/04/2021
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa phát huy hiệu quả

BHG - Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (CNSH) nông thôn tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình sau đầu tư đang bộc lộ nhiều hạn chế.

22/03/2021
Cần sớm di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở xã Giáp Trung

BHG - Sống trong bất an, lo lắng là tình cảnh của 16 hộ dân thôn Khâu Nhòa, xã Giáp Trung (Bắc Mê) khi những vết nứt, sụt lún đã tiến vào nhà ở của các hộ dân. Phần lớn các hộ đều định cư dưới chân núi cao, độ dốc lớn, người dân nơi đây đang đối mặt nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản bởi nguy cơ sạt lở núi rất cao.

21/12/2020