Cần công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm học
BHG - Năm học 2019 – 2020 đã bắt đầu được 2 tháng, nhưng những khoản đóng góp đầu năm học của học sinh, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Giang vẫn chưa hết “nóng” trên các trang mạng xã hội cũng như dư luận.
Nhiều hạng mục cơ sở vật chất của Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Hà Giang) xuống cấp, cần huy động xã hội hóa để tu sửa. |
Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hà Giang, Nguyễn Thị Hương Giang thông tin: Thành phố hiện quản lý 34 trường học thuộc các cấp học từ Mầm non đến THCS. Ngay khi kết thúc năm học 2018 – 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, rà soát và ban hành kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC) các trường học, đáp ứng công tác dạy và học năm học 2019 – 2020. Theo rà soát, tổng kinh phí cần thực hiện tu sửa, nâng cấp CSVC các trường gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cấp cho sự nghiệp giáo dục trên 2,1 tỷ đồng; ngân sách phân cấp cho các xã, phường 100 triệu đồng; số còn lại huy động xã hội hóa.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT thành phố, 100% số kinh phí cấp cho sự nghiệp giáo dục được bố trí hỗ trợ tu sửa, nâng cấp CSVC cho 9 trường nằm trong lộ trình nâng chuẩn và công nhận lại chuẩn năm học 2019 – 2020; 25 trường học còn lại phải tự huy động xã hội hóa. Đây là khó khăn rất lớn đối với các trường, bởi hầu hết các đơn vị đều đạt chuẩn, nhưng nhiều trường còn khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho giáo dục hàng năm rất ít. Trong khi sau mỗi năm học, một số trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trường bị hư hỏng, xuống cấp, nếu không tu sửa, nâng cấp, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Đối với các khoản thu, ngay khi kết thúc năm học, Phòng GD-ĐT thành phố đã tổ chức họp, quán triệt các nội dung trong Thông tư 55, ngày 22.11.2011 của Bộ GD-ĐT về các khoản không được thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, với các khoản như, đảm bảo an ninh nhà trường, trông coi phương tiện của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường… do phụ huynh tự thỏa thuận, quyết định. Riêng các khoản hỗ trợ tu sửa CSVC, theo Thông tư số 16 của Bộ GD-ĐT, các trường được phép huy động xã hội hóa. Tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, mức tối thiểu, không lợi dụng tài trợ để ép buộc đóng góp; việc tiếp nhận tài trợ, quản lý sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai. Với các trường từ Mầm non đến THCS phải được Phòng GD-ĐT phê duyệt nhu cầu hỗ trợ; bậc THPT do cấp sở phê duyệt.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, Đỗ Thị Thu Hiền cho biết: Năm nay, kế hoạch huy động xã hội hóa tu sửa CSVC của nhà trường có 3 hạng mục, tổng kinh phí dự kiến huy động gần 200 triệu đồng; nội dung huy động đều được thành phố kiểm tra, xác nhận. Tuy nhiên, nếu huy động tu sửa toàn bộ các hạng mục, kinh phí đóng góp của phụ huynh rất lớn, vì thế nhà trường chỉ huy động thực hiện lát gạch khu vui chơi tầng 3 và sơn sửa một số hạng mục nhỏ với tổng số tiền 50 – 60 triệu. Các khoản chi từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, nhà trường đều giữ hóa đơn, chứng từ đảm bảo đúng mục đích.
Qua tìm hiểu thực tế các văn bản chỉ đạo, triển khai và thực hiện của các trường ở thành phố Hà Giang, chúng tôi ghi nhận các khoản đóng góp đều được Phòng GD-ĐT, UBND thành phố xác nhận, giám sát, chỉ đạo công khai đúng quy định; các trường cũng thực hiện đúng các hạng mục huy động hỗ trợ. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định, một số trường chưa làm tốt công tác công khai, thông tin tới phụ huynh dẫn tới nhiều người băn khoăn về các khoản đóng góp và việc sử dụng các khoản thu của nhà trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sèn Chỉn Ly cho rằng: Với điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh, việc huy động xã hội hóa cho giáo dục là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và các trường học cần thực hiện đúng quan điểm xã hội hóa giáo dục của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc