Thôn Tân Bình mong có cây cầu dân sinh
BHG - “Đi từ đầu cây cầu bên này qua bên kia mới biết mình sống”, đó là tâm sự nhói lòng của người dân nghèo xóm 4, thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) trong một lần chúng tôi đến đây tác nghiệp. Từ ngày lập xóm, dựng nhà, 46 hộ dân với 200 khẩu sinh sống nơi đây lúc nào cũng khắc khoải mong ước về một cây cầu vững chắc.
Cầu bắc qua sông Chừng bị hư hỏng sau mưa bão. |
Con đường vào xóm 4, thôn Tân Bình gập ghềnh đất đá, nếu người không vững tay lái thì chỉ còn cách đi bộ, thế nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với cảm giác chông chênh, nỗi bất an, lo sợ khi đi qua cầu treo. Theo lời kể của nhiều người dân sinh sống ở thôn: “Trước kia, vì không có đường, bà con làm bè mảng bằng tre, nứa qua sông Chừng để đi làm, đi chợ, đưa con em đến trường... Trong ký ức của dân làng xóm 4, dù nắng hay mưa, nước sông dâng lên cao hay hạ thấp thì họ vẫn phải đi lại mưu sinh, căng mình chèo chống bè mảng qua sông nên đối mặt sự nguy hiểm, tai nạn rình rập bất cứ lúc nào”.
Thấy vất vả quá, 2 năm nay, thị trấn Yên Bình hỗ trợ dây cáp cho nhân dân xóm 4 làm cầu tạm qua sông Chừng. Cầu dài 120m, người dân tự thiết kế và đóng góp ngày công làm. Tuy nhiên, do cầu quá dài, dây thép nhỏ và bề mặt làm bằng những tấm gỗ ghép nên chóng bị mục, nhất là mùa mưa đến chỉ cần một trận gió, cây cầu bị bẻ cong, thậm chí nghiêng hẳn sang một bên, gỗ mặt cầu chỗ còn chỗ mất. Mỗi lần như vậy, người dân lại bỏ dở công việc ruộng đồng để đi sửa cầu, có thời điểm làm liên tiếp 4 ngày, mất rất nhiều thời gian mà cầu vẫn như võng nên cứ mưa gió là bà con nghĩ đến cây cầu.
Người dân thôn Tân Bình tu sửa lại cầu. |
Chị Phượng Thị Tâm bày tỏ: “Tôi có 2 con đang đi học, ngày nào cũng phải đưa đón, nhưng trời mưa các cháu phải nghỉ học ở nhà”. Anh Phàn Văn Quang, Trưởng thôn Tân Bình cho hay: “Ngày thường mực nước sông Chừng sâu 4m, lũ lên cao 15 - 20m, nếu trời mưa người dân không dám qua cầu. Cách đây vài năm, có trường hợp ông Lò Tá Pú đón cháu đi học về bị rơi xuống sông, cũng may dân làng hô hào cứu được người. Suốt những năm qua, niềm khao khát có cây cầu kiên cố xa vời quá, nguyện vọng của chúng tôi là mong Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp cây cầu để bà con yên tâm đi lại, trẻ con trong làng được đến trường đầy đủ”.
Qua trao đổi, đồng chí Hoàng Việt Chông, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Bình cho biết: “Đa số bà con ở xóm 4, thôn Tân Bình chuyển từ các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần về đây định cư; đồng bào chủ yếu là dân tộc Dao, Nùng. Mặc dù nhân dân chịu khó, chăm chỉ làm ăn nhưng do thiếu đất canh tác, không có điện, đường đi tạm bợ, mọi thứ đều manh mún. Chưa kể, mùa mưa người dân còn phải tích trữ từ dầu ăn, mắm, muối, vì thế, cả xóm 100% là hộ nghèo. Trước khó khăn của nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất với cấp trên hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ xây cầu nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc khảo sát. Vì nguồn lực hạn hẹp, thị trấn mới hỗ trợ được dây cáp, xi măng cho người dân làm cầu tạm. Hiện nay, cầu bắc qua sông Chừng đến xóm 4 ngày càng xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân rất cao. Trước nhu cầu cấp thiết đó, thị trấn kiến nghị các cấp xem xét, sớm xây dựng cây cầu vững chắc để đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc