Gian nan những cung đường Bắc Mê
BHG - Giao thông đường bộ được xem là yếu tố “xương sống” để phát triển kinh tế, giao thông thuận lợi giúp người dân đi lại dễ dàng; hàng hóa được lưu thông. Tuy nhiên, tại huyện Bắc Mê - một địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu và con người; nhưng bởi các nguyên nhân như: Nguồn lực của huyện hạn chế, đời sống nhân dân còn thấp, các tuyến đường được xây dựng từ nhiều năm dẫn đến xuống cấp, không được tu sửa, khiến cho việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa; làm cho kinh tế của huyện kém phát triển... Vậy làm thế nào để đáp ứng những mong mỏi của người dân thì đây vẫn đang là một bài toán khó.
Đường liên thôn từ trung tâm xã Đường Âm đi thôn Nà Cóc. |
Bì bõm, lầy lội, trơn trượt cùng những ổ trâu, ổ gà…, biến những con đường liên thôn tại một số xã của huyện Bắc Mê trở thành những “ao tù”; với những hố sâu gần 1 m. Sau những trận mưa lớn trong tháng 7, con đường đi 3 thôn Thâm Khoảng, Nà Nhùng, Nà Nôm (xã Đường Âm) được xem là con đường độc đạo; nhưng bởi mưa lớn, đường đất cùng với việc tuyến đường đã lâu không được tu sửa, khiến những vũng nước trên con đường ngày một nhiều và lún sâu. Anh Bùi Văn Hương, người đang thi công xây dựng điểm trường Thâm Thiên cho biết: “Đơn vị được nhận thi công 2 công trình điểm trường tại Thâm Thiên và Nà Nôm gồm: 1 nhà học cấp 4 và 1 nhà lưu trú của giáo viên. Theo đúng tiến độ công trình sẽ xong trong vòng 2 tháng, tuy nhiên do giao thông đi lại khó khăn; để vận chuyển được những xe cát vào điểm trường thì phía thi công đã phối hợp với xã đổ đá xô bồ và san đất để phần nào đi lại được dễ dàng hơn; những hôm trời đổ mưa, đường sụt lún, xe chở vật liệu phải nằm lại 4 đến 5 ngày mới có thể đi lại được. Bởi vậy, để chuyển được vật tư phải dùng xe máy hoặc sức người, nên công trình nay đã kéo dài lên hơn 4 tháng. Là người thường xuyên đi làm và phải ăn ở cùng công trình, nhưng để xây dựng xong 2 điểm trường khiến tôi toát mồ hôi và sụt đi 6kg bởi đường đi lại khó khăn, đôi lúc còn bị cô lập...”.
Tuyến đường liên thôn Thâm Khoảng, Nà Nhùng, Nà Nôm, xã Đường Âm. |
Trực tiếp cảm nhận những khó khăn nêu trên, chúng tôi được anh Lý Văn Thành, một cán bộ xã đưa đi thăm các tuyến đường tại xã Đường Âm. Những con đường dốc cùng những rãnh nước trơn trượt, khiến người ngồi sau xe máy như tôi phải toát mồ hôi và nín thở. Anh Thành vừa lái xe vừa kể: “May hôm nay trời tạnh ráo, nếu mưa thì chỉ có đi bộ. Những chiếc xe máy ở đây đều được trang bị lốp gai cục vuông, xe thường chỉ đi số 1, tay luôn phải ghì chặt lái; nếu là phụ nữ thì khó có thể đi đường này. Thiệt thòi lớn nhất của người dân nơi đây đó là, việc chở hàng hóa mang ra chợ hay đi buôn bán, giao lưu hàng hóa với bên ngoài...”.
Trên địa bàn huyện hiện không chỉ xã Đường Âm mới có những con đường khó như vậy. Theo thống kê từ Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện, hiện nay, tổng chiều dài đường giao thông nông thôn toàn huyện là 497 km; trong đó, kết cấu mặt đường hiện trạng: Đá nhựa 10,3 km; đường đất 337,95 km. Mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện cần tập trung nâng cấp, cứng hóa và làm mới đường trục chính đến các thôn, bản với chiều dài 312,2 km. Cùng với đó là hệ thống đường cấp huyện, đường đô thị và đường khu vực trung tâm xã với ước tính nguồn vốn đầu tư là 1.186,5 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách là 1.136 tỷ đồng, vốn nhân dân là 50,5 tỷ đồng...
Nhằm khắc phục, giải quyết những mong mỏi của nhân dân, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ những khó khăn và sự cần thiết trong việc tu sửa, nâng cấp các tuyến đường nông thôn; huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2020 – 2025. Phấn đấu đến năm 2025, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ từ cầu, đường thông suốt đến từng thôn, bản; 100% các xã trong huyện đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng Nông thôn mới vào năm 2030. Ưu tiên các hạng mục để đầu tư các công trình giao thông quan trọng, thiết yếu, đồng bộ, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển, nhất là kết cấu hệ thống giao thông nông thôn gắn với kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; tập trung nâng cấp, sửa chữa, mở mới hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn... Cùng với đó là các giải pháp tăng cường tuyên truyền tạo sự ủng hộ của nhân dân, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đối với kế hoạch phát triển giao thông nông thôn; huy động nguồn lực đầu tư thực hiện lồng ghép kết hợp với các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng; vận động nhân dân tham gia đóng góp vốn xây dựng hệ thống giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường đảm bảo đúng tiến độ...
Với những khó khăn hiện tại, người dân và cử tri trên địa bàn huyện rất mong muốn các cấp, ngành từ huyện đến tỉnh sớm quan tâm nâng cấp, tu sửa các tuyến đường để người dân ổn định cuộc sống, phát kinh tế địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc