Cần giải quyết dứt điểm ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá tới người dân thôn Nà Tèn
BHG - 3 năm qua, một số hộ dân thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) không ít lần kêu cứu đến các cấp, ngành chức năng về ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá của 2 mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến nghị đó vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 nằm sát khu dân cư thôn Nà Tèn, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. |
Mỏ đá Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 thuộc địa phận thôn Nà Tèn, được cấp phép cho Công ty TNHH Thanh Long năm 2014, với diện tích 1,17 ha, công suất khai thác 20 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 25 năm và HTX Tân Thành được cấp phép năm 2015, diện tích trên 2 ha, công suất 25 nghìn m3 nguyên khai/năm, thời hạn 26 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư của 2 mỏ đá chưa chấp hành đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định như: Hoàn thành và được xác nhận hoàn thành các hạng mục bảo vệ môi trường; thực hiện giám sát môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; nộp tiền ký Quỹ bảo vệ môi trường; lập hồ sơ đất đai, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho dự án; nộp báo cáo thống kê trữ lượng khai thác hàng năm đến cơ quan có thẩm quyền; thực hiện việc cắt moong tầng khai thác…
Đặc biệt, hoạt động nổ mìn phá đá, nghiền đá, vận chuyển vật liệu đã ảnh hưởng lớn tới môi trường, đời sống của một số hộ dân thôn Nà Tèn. Chị Nguyễn Thị Miên, một trong số các hộ bị ảnh hưởng lớn nhất bức xúc: 2 mỏ đá hoạt động gây ảnh hưởng lớn tới cụm dân cư hơn 10 hộ ở đây, không biết bao nhiêu lần nhà tôi bị đá văng làm thủng mái nhà; tường nhà mới xây cũng bị nứt do rung chấn nổ mìn. 3 năm nay, gia đình tôi gửi đơn kiến nghị, kêu cứu nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chung hoàn cảnh với gia đình chị Miên, bác Nguyễn Đức Lập cho biết: Không chỉ có đá văng làm thủng mái nhà, 2 mỏ đá được cấp phép khai thác quá gần khu dân cư nên tiếng ồn từ hoạt động phá đá, nghiền đá, bụi đá ảnh hưởng lớn tới môi trường, đời sống các gia đình.
Trước thực trạng trên, từ năm 2015 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân, tìm giải pháp khắc phục; đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác đá. Đoàn kiểm tra của tỉnh đã 3 lần kiểm tra, làm việc với các hộ dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ đầu tư các mỏ đá để tìm hướng giải quyết. Ngày 7.11 vừa qua, Đoàn kiểm tra của tỉnh đưa ra 2 phương án: Di chuyển 7 hộ bị ảnh hưởng lớn nhất đến nơi ở mới hoặc chuyển hoạt động khai thác đá đến vị trí mới. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đặng Văn Thủy: “Phương án di chuyển các hộ đến nơi ở mới có tính khả thi nhất. Bởi nếu di chuyển hoạt động khai thác đá sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Hiện tại, chúng tôi yêu cầu 2 mỏ đá tạm dừng hoạt động nổ mìn, phá đá đến khi thống nhất được phương án giải quyết”.
Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phan Thị Minh cho biết: Huyện đã chủ động xác định quỹ đất, nếu các hộ đồng ý di chuyển đến nơi ở mới. Nhưng, qua nắm bắt thông tin, các hộ mong muốn được bố trí diện tích đất từ 80 – 150 m2 và hỗ trợ kinh phí di chuyển, bồi thường khoảng 200 – 350 triệu đồng; huyện đang tích cực đối thoại, vận động các doanh nghiệp và người dân để đi đến thống nhất chung.
Bài, ảnh: TRUNG NHÂN
Ý kiến bạn đọc