Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp sông Ma
BHG - Sông Ma chảy qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên), cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, lòng sông Ma đã, đang bị bồi lấp, thay đổi dòng chảy, sạt lở 2 bên bờ nghiêm trọng; hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ven sông cũng bị sạt lở, vùi lấp không thể phục hóa… Điều này, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp cạnh sông Ma bị vùi lấp hoàn toàn, không thể khắc phục. |
Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tùng Bá gần 276 nghìn m2 thuộc sự quản lý của 434 gia đình, cá nhân. Trong đó, có trên 132 nghìn m2 đất trồng lúa, trên 140 nghìn m2 đất trồng cây hàng năm và 1 nghìn m2 diện tích nuôi trồng thủy sản; trên 200 nghìn m2 không thể phục hóa, trong đó, có 97 nghìn m2 đất trồng lúa. Ngoài ra, hai bờ sông Ma đã, đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài cả cây số và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chủ tịch UBND xã Tùng Bá Trương Văn Cao, cho biết: Tình trạng sông Ma bị bồi đắp, đất nông nghiệp bị vùi lấp xảy ra từ năm 2009, khi một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn hoạt động rầm rộ; sau mỗi đợt mưa lũ, lòng sông bị bồi lấp ngày càng nhiều.
Lãnh đạo xã Tùng Bá cùng phóng viên kiểm tra thực tế khu vực lòng sông Ma bị vùi lấp. |
Được biết, trên địa bàn xã có một số điểm mỏ khai thác quặng được cấp phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông; Công ty Cổ phần khoáng sản và năng lượng Hoàng Bách. Phía thượng lưu sông Ma, Công ty TNHH Miền Tây đang xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ 1.
Trước kiến nghị của người dân Tùng Bá, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông đã đền bù thiệt hại cho các hộ có đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp và ảnh hưởng theo từng vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 2018, người dân không được nhận tiền đền bù do các mỏ khai thác khoáng sản của doanh nghiệp đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay.
Ông Vương Văn Thái, thôn Khuôn Làng, một trong những hộ có diện tích đất sản xuất bị vùi lấp nhiều nhất xã cho biết: Gia đình có 4.375 m2 đất lúa 2 vụ nằm cạnh sông Ma bị vùi lấp. Từ năm 2010 đến năm 2017, chúng tôi đều được các doanh nghiệp hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do không thể khôi phục sản xuất; năm 2017, gia đình được hỗ trợ 19 triệu đồng/2 vụ lúa. Thế nhưng, năm nay, xã thông báo doanh nghiệp không hỗ trợ; đất trồng lúa mất rồi, 20 miệng ăn trong gia đình không biết bấu víu vào đâu, chúng tôi thực sự lo lắng.
Trước sự việc trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp - PTNT chủ trì, xác định rõ trách nhiệm khắc phục sạt lở, bồi đắp sông Ma và các giải pháp khắc phục. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp - PTNT đã họp bàn cùng các sở, ngành, huyện Vị Xuyên và xã Tùng Bá thống nhất một số nội dung: Nguyên nhân gây ra tình trạng bồi lấp lòng sông Ma do hoạt động khai thác khoáng sản phía thượng lưu. Tuy nhiên, chưa thể quy trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Giải quyết tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thành lập Tổ công tác Liên ngành, kiểm tra tổng thể thực địa, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên đến nay, cơ quan chức năng chưa có báo cáo, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết.
Gần năm nay, nhiều hộ dân Tùng Bá có đất sản xuất bị vùi lấp gặp nhiều khó khăn khi không còn nhận được tiền hỗ trợ, bồi thường; không ít hộ phải lo ăn từng bữa. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp sông Ma cũng như bồi thường cho người dân có đất sản xuất bị thiệt hại.
Bài, ảnh: Lương Hà
Ý kiến bạn đọc