Người dân Thượng Bình cần lắm cây cầu qua suối Sảo
BHG - Dòng suối Sảo chảy qua thôn Trung, xã Thượng Bình (Bắc Quang), mỗi khi mưa lũ đổ về, mọi hoạt động giao thương của nhân dân bị chia cắt hoàn toàn. Đã nhiều năm qua, bà con nơi đây phải tự làm bè mảng để di chuyển qua suối; nhưng nếu mực nước dâng cao, không ai dám đảm bảo sự an toàn sinh mạng con người bị “đánh cược” theo dòng nước. Vì thế, ước nguyện có một cây cầu vững chắc để qua suối Sảo trở thành nỗi mong chờ hàng ngày của người dân nơi đây.
Học sinh thôn Trung, xã Thượng Bình đến trường bắt buộc phải có người lớn đưa đón. |
Theo phản ánh của nhân dân, suối Sảo rộng gần 70 m và chạy qua thôn Trung và cắt ngang con đường đến các xã lân cận như: Bạch Ngọc, Đồng Tiến, Ngọc Minh (Vị Xuyên). Trung bình, mực nước suối Sảo có độ sâu từ 1,5 – 2 m, vào những ngày mưa lớn, mực nước dâng cao tới 4 - 5 m và 47/130 hộ dân của thôn Trung sẽ bị cô lập vì không thể đi lại được; thậm chí, nhiều người phải nghỉ làm và con đường tới Trường Bán trú Tiểu học và THCS Thượng Bình cũng không thể qua lại được. Để phần nào bớt đi những khó khăn, vất vả cho người dân và con em địa phương; một nhóm hộ dân thôn Trung nghĩ ra cách sang suối bằng mảng treo dây thép. Người dân muốn qua suối phải tự kéo mảng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ được khắc phục tạm thời một phần nhu cầu đi lại, còn mỗi khi có mưa lớn, không ai dám qua suối; mọi sinh hoạt đều phải chờ khi nước rút.
Gắn bó với suối Sảo từ khi sinh ra và lớn lên ở thôn Trung, anh Lý Văn Dương chia sẻ: Do làm Công an xã, hàng ngày anh phải đi lại trực tiếp bằng mảng, có những buổi tối công việc đột xuất, nước lũ lớn quá không đi được, anh phải đu mình theo dây thép để qua suối. Sợ nhất vào thời điểm năm 2015, lúc đó đang là mùa mưa, một thầy giáo đi mảng để sang xã Đồng Tiến dạy học, khi đến gần bờ bên kia suối, mảng bị lật trôi cả người lẫn xe và thầy đã may mắn được nhân dân sinh sống hai bên suối cứu được. Mặc dù chưa mất mát lớn, nhưng tận mắt chứng kiến cuộc sống luôn phải đối diện với tử thần, anh luôn cảm thấy bất an. Trước thực trạng trên, cử tri trong thôn đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng cây cầu kiên cố qua suối Sảo; nhưng đã bao năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Tính trung bình trong 1 năm, khoảng 7 - 8 tháng, nhân dân phải tạm gác giao thương qua suối; nên đã tác động rất lớn đến sự phát triển KT – XH của địa phương,… tỷ lệ hộ nghèo của thôn Trung luôn cao hơn so với các thôn khác; hiện, 2 hộ dân sống ven suối đang bị sạt lở nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của các gia đình... Đồng chí Lý Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Bình cho biết: “Do chiều rộng của con suối khá lớn, nên việc dùng mảng tự làm bằng tre, nứa là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng và tái sản mỗi khi phải qua suối. Suối Sảo, nút giao thông quan trọng của nhân dân địa phương, song mỗi khi có mưa, nước suối dâng cao đã cản trở việc đi lại cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chưa kể, khi có người già, trẻ nhỏ đau ốm, bệnh tật cần phải đi bệnh viện... Với nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân; cấp ủy, chính quyền xã tha thiết đề nghị Nhà nước sớm quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây cầu cứng qua suối Sảo để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Rời thôn Trung, tôi hy vọng một ngày không xa, người dân nới đây sẽ thỏa lòng mơ ước và được đi trên cây cầu thật kiên cố và các em nhỏ vô tư đến trường học tập, cha mẹ yên tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo và không còn phải lo nghĩ mỗi khi mùa mưa về…
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc