Cọc tiêu… "nấm" (!)
BHG - Tỉnh lộ 177 từ xã Tân Quang (Bắc Quang) đi thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) được coi là tuyến đường khó đi và nguy hiểm nhất trên địa bàn tỉnh, bởi có độ dốc lớn, đường hẹp, trong khi phần ta – luy âm sâu. Những năm qua, tuyến đường thường xuyên được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn trên tuyến đường này, hệ thống cọc tiêu đã bị mất hoặc có hàng trăm cọc tiêu phần nhô lên mặt đất chỉ 20 – 30 cm, thậm chí có cọc chỉ khoảng 10 cm, trông không khác nào những… cây “nấm” mọc ven đường; ảnh hưởng đến độ an toàn của các phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm, bởi độ cao cọc tiêu không đảm bảo theo tiêu chuẩn, khiến người tham gia giao thông khó quan sát các vị trí nguy hiểm…
Theo Điều 56 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ quy định, cọc tiêu đường bộ được đặt ở lề của các đoạn đường nguy hiểm có tác dụng hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường. Cũng trong quy định này, các trường hợp phải cắm cọc tiêu gồm: Các đoạn nền đường bị thắt hẹp; các đoạn đường có ta - luy âm từ 2 m trở lên; các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao… Cọc tiêu có kích thước cạnh tối thiểu 12 cm hoặc hình tròn có tiết diện tối thiểu tương đương; chiều cao cọc tiêu tính từ vai đường đến đỉnh cọc là 70 cm; ở những đoạn đường cong, có thể trồng cọc tiêu thay đổi chiều cao cọc, cao dần từ 40 cm tại tiếp đầu, tiếp cuối đến 70 cm tại phân giác.
Rất mong ngành chức năng sớm cắm lại cọc tiêu ở những vị trí đã mất và thay thế các cọc tiêu… “nấm”, đảm bảo tính hiệu quả về báo hiệu đường bộ, nhất là những điểm nguy hiểm trên tuyến đường.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc