Mỏ sắt Ngài Thầu Sảng dừng hoạt động, nhưng nỗi lo bà con chưa... dừng!

07:50, 21/01/2017

BHG- Đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ khi mỏ khai thác (KT) quặng sắt Ngài Thầu Sảng, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đóng cửa và tạm dừng KT. Thế nhưng, dường như nỗi lo về những hệ lụy đến môi trường của người dân 2 thôn Lùng Mười và Ngài Thầu Sảng bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động KT quặng sắt của Công ty TNHH Minh Tiến từ nhiều năm nay, vẫn chưa bao giờ... dừng lại.

Hiện trạng ao rửa quặng mỏ khai thác quặng sắt Ngài Thầu Sảng cạn nước nhưng vẫn ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: CTV
Hiện trạng ao rửa quặng mỏ khai thác quặng sắt Ngài Thầu Sảng cạn nước nhưng vẫn ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: CTV

Quyết Tiến là xã cửa ngõ của huyện Quản Bạ và là điểm đặt chân đầu tiên của du khách khi lên với 4 huyện vùng Cao nguyên đá phía Bắc. Xã được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản (KS) – mỏ sắt Ngài Thầu Sảng lộ thiên, với trữ lượng 111.000 tấn quặng, hàm lượng xấp xỉ 54%. Khi được UBND tỉnh cấp Giấy phép KT từ năm 2006, với thời hạn từ 5 năm 8 tháng, Công ty TNHH Minh Tiến đã sử dụng gần 6 ha đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và đất khác của thôn Ngài Thầu Sảng để chuyển đổi mục đích sang đất KT KS. Cũng từ đây, hoạt động KT KS đã làm thay đổi cấu trúc địa hình, đất đai, hệ sinh thái khu vực, để lại những bãi thải quặng, bờ tầng, tương lai khó phục hồi như mặt bằng nguyên trạng. Cùng với đó, nước mưa rửa trôi từ những mỏ lộ thiên, bãi chứa đất đá bóc chứa nhiều kim loại nặng rửa trôi từ khu vực xưởng luyện đã làm cho nguồn nước ngầm tự nhiên bị ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sản xuất của dân.

Trong những năm gần đây, vấn đề này đã trở thành nỗi bức xúc và lo lắng của 15 hộ dân thuộc Đội 3, thôn Lùng Mười và 25 hộ dân thôn Ngài Thầu Sảng ở xã Quyết Tiến, nhiều năm nay họ luôn sống trong nỗi lo nguồn nước đầu nguồn dùng sinh hoạt bị bẩn, đục ngầu, ô nhiễm nặng và cạn kiệt vào mùa khô, nước sản xuất cũng thiếu. Một năm thì có đến 7 tháng họ phải đi gánh nước xa hàng cây số về dùng cùng tìm cách ngăn chặn dòng nước bẩn đục ngầu. Anh Vàng Mí Dáo, người dân sống gần nguồn nước ô nhiễm ở thôn Ngài Thầu Sảng lắc đầu ngao ngán: “Năm 2012, Công ty tạm dừng KT sắt rồi, nhưng mà nguồn nước bẩn thì không tạm dừng được. Mấy năm nay, nguồn nước toàn bị đục đỏ ngầu lên, bể lắng xuống gần 50 cm bùn đất, nước ít đục nhất là mùa khô, còn mùa mưa là nhà mình hay phải đi gánh nước ở chỗ khác về dùng. Cũng nhờ trưởng thôn kiến nghị để khắc phục làm sao cho nước sạch dùng nhiều rồi, nhưng mà khó quá”.

Anh Vàng Dỉ Sèn, Trưởng thôn Ngài Thầu Sảng cho biết: “Cả thôn có 55/175 hộ dân đang dùng nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm do bùn đất từ ao rửa quặng của Công ty TNHH Minh Tiến chảy xuống. Tôi cũng kiến nghị lên xã, huyện nhiều rồi, xã cũng kiến nghị lên Công ty cần phục hồi nguồn nước và đất đai ở đây nhưng mãi chưa được khắc phục”.

Cuối tháng 11.2016 vừa qua, tại xã Quyết Tiến, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Liên minh Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) KT KS. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đầu năm 2013, Công ty TNHH Minh Tiến dừng KT và không tiếp tục làm hồ sơ xin ra hạn KT. Bên cạnh những kết quả tích cực của KT quặng sắt tại điểm mỏ Ngài Thầu Sảng như tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (năm 2012, Công ty nộp ngân sách Nhà nước 665,8 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường (BVMT) 200 triệu đồng); tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, hoạt động KT KS đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường và xã hội như: Giờ đây mỏ sắt Ngài Thầu Sảng đang bị xuống cấp do không được cải tạo, phục hồi, không có bóng người qua lại, những cỗ máy hoen gỉ ngừng hoạt động trên công trường. Công ty còn tồn khoảng 1.000 tấn quặng sắt đổ đống bừa bãi dọc ven đường đi của dân. Sau 4 năm đóng cửa, đến nay Công ty chưa thực hiện nội dung cam kết BVMT đã ký kết. Không thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi BVMT san gạt mặt bằng, trồng và chăm sóc 4,5 ha sa mộc trong 3 năm để trả lại hiện trạng môi trường rừng trồng cho khu vực. Làm suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư thôn Lùng Mười, Ngài Thầu Sảng.

Việc nguồn nước tự nhiên thôn Lùng Mười và Ngài Thầu Sảng bị ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân và sự phát triển KT – XH bị ảnh hưởng. Trước thực trạng tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội của bà con 2 thôn Lùng Mười và Ngài Thầu Sảng, từ hoạt động KT KS của Công ty TNHH Minh Tiến Hà Giang, cần các cấp chính quyền, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, kịp thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các hoạt động KT KS, có biện pháp khắc phục tình trạng trên để người dân ổn định cuộc sống.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công viên mini Minh Khai cần được quản lý để sử dụng đúng công năng

BHG - Hệ thống công viên trong đô thị là không gian để mọi người đi dạo, nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, hệ thống vườn hoa, cây xanh của các công viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường...

30/08/2016
Hơn 3 năm, đường đến trung tâm xã Phiêng Luông vẫn chưa hoàn thành (!)

BHG- Những năm qua, hàng ngàn người dân xã Phiêng Luông (Bắc Mê) phải đi trên tuyến đường đá cấp phối lổn nhổn, gồ ghề. Nguyên nhân là do gần 3 km đường tới trung tâm xã được khởi công xây dựng rồi bỏ dở hơn 3 năm đến nay vẫn chưa hoàn thành.

29/09/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Hơn 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn bao giờ mới có điện?

BHG- Hơn chục năm nay, với trên 200 hộ dân ở 6 thôn của xã Minh Sơn (Bắc Mê) vẫn sống trong cảnh thắp sáng bằng đèn dầu, bếp củi. Điện lưới Quốc gia đối với người dân nơi đây là niềm "mơ ước" vẫn chưa thành hiện thực. 

28/07/2016