Công trình thủy lợi Phai Xoong Hỏ cần sửa chữa, nâng cấp
BHG- Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn (Quang Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây hơn chục năm, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Qua thời gian dài sử dụng, do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay, công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ thuộc 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn.
Hệ thống kè, cầu máng bê-tông dọc 2 bên bờ đập đã bị gãy vỡ, hư hỏng nghiêm trọng. |
Đi bộ hơn một cây số, dọc theo đường mương dẫn nước, qua những đồi cam Sành trĩu nặng quả; chúng tôi đến đập Phai Xoong Hỏ, con đập vắt ngang suối Đáp ở thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn. Trước mắt chúng tôi là hệ thống kè, cầu máng bê-tông; dọc 2 bên bờ đập đã gãy vỡ, hư hỏng nghiêm trọng, sân tiêu năng bị xói mòn, nước thấm chảy ra ngoài dẫn đến lượng nước đổ vào đường mương rất ít.
Ông Bàn Thanh Đức, Trưởng thôn Sơn Nam chia sẻ: Thôn Sơn Nam có tổng số 77 hộ dân; trong đó, 2/3 số hộ đều thuộc nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 66%), thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người/năm; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với 20 ha đất lúa và gần 80 ha đất trồng cam. Đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ được đầu tư xây dựng từ năm 2002 gồm đập đầu mối và tuyến kênh mương dài 1,1 km, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ 20 ha lúa 2 vụ và hoa màu của gần 400 hộ dân ở 2 thôn Buông và Sơn Nam của xã Hương Sơn. Do ảnh hưởng thiên tai nên hàng năm, huyện, xã đều hỗ trợ kinh phí cùng với nguồn đóng góp của thôn để mua xi măng, vải để bít các khe hở; ngăn nước dò gỉ (mỗi hộ dân đóng góp từ 500.000 – 1.000.000 đồng/năm). Đến năm 2009, sau trận mưa lũ lớn, công trình thủy lợi này đã xuống cấp trầm trọng. Đường ống sắt dẫn nước qua suối cũng bị bục, vỡ; hệ thống mương dẫn nước xây bằng đá hộc trát xi nên bị dò gỉ nhiều, không giữ được nước, bùn đất lấp đầy nên thường xuyên khô đáy vào mùa khô. Do điều kiện khó khăn, nên chúng tôi rất mong cơ quan chức năng khắc phục, xây dựng lại con đập để đảm bảo nguồn nước sản xuất cho bà con.
Thiếu nước sản xuất, nhiều hộ dân như: gia đình anh Bàn Văn Mạnh, Trương Quang Thịnh, Hoàng Văn Tường..., chỉ trồng được 1 vụ lúa Mùa, vụ còn lại phải chuyển đổi sang trồng màu (lạc, ngô). Những hộ dân sinh sống dọc hai bên suối tự đầu tư máy bơm nước mới dẫn đủ nước tưới tiêu cho 2 vụ lúa. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này rất tốn kém nhưng cũng chỉ đem lại hiệu qủa phần nào. Anh Đoàn Minh Sự, người dân ở thôn Buông, xã Hương Sơn cho hay: “Năm nay, gia đình tôi đóng góp 1 triệu đồng để tu sửa đập. Dù vậy, tình trạng hư, hỏng của con đập vẫn ngày càng nặng thêm theo thời gian; nước chảy từ mương tràn đầy ra đường, gia đình tôi đầu tư gần 2 triệu đồng mua máy bơm nước dẫn nước trực tiếp về ruộng mới đủ nước tưới tiêu cho hai vụ lúa. Dù vậy, hai năm gần đây nguồn nước cũng kém nên năng suất, chất lượng lúa cũng không cao”.
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của công trình, sau nhiều lần người dân kiến nghị lên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong các buổi tiếp xúc cử tri; cuối năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác xuống xã, tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ hư hại của toàn bộ công trình để lập dự án khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư, thi công xây dựng lại đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ vẫn còn... “bỏ ngỏ” (!)
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Trước ý kiến, kiến nghị của cử tri, công trình thủy lợi đập Phai Xoong Hỏ đã được huyện đưa vào danh sách những công trình thủy lợi trên địa bàn cần được xây dựng, sửa chữa trong thời gian tới. Do nguồn kinh phí đầu tư để xây dựng lại công trình này rất lớn nên huyện đang chờ nguồn hỗ trợ của tỉnh”.Mong mỏi công trình đập thủy lợi Phai Xoong Hỏ được xây dựng lại để đảm bảo nguồn nước sản xuất của người dân thôn Sơn Nam, thôn Buông, xã Hương Sơn là mong ước chính đáng, cấp thiết. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét và sớm giải quyết để công trình sớm được khắc phục và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả lâu dài.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc