Người dân mong được đền bù thiệt hại khi mở tuyến đường Cao Bồ – Thượng Sơn
BHG- Thời gian vừa qua, người dân 2 xã Thượng Sơn và Quảng Ngần (Vị Xuyên) đã có kiến nghị, phản ánh về việc trong quá trình thi công tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn đã làm thiệt hại đến hoa màu, cây cối, ruộng, mương nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân tại một số thôn của 2 xã trên. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, người dân vẫn đang chờ câu trả lời của ngành chức năng về việc đền bù thiệt hại do mở đường.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Vị Xuyên thì tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn được khởi công vào năm 2010 với chiều rộng 6m, tổng chiều dài 27 km nối từ Bản Dâng (Cao Bồ) đến thôn Đán Khao (Thượng Sơn), do UBND huyện Vị Xuyên làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty TNHH TVXDGT 307 Lai Châu và Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải. Hiện tại, công trình đã thi công san ủi mặt bằng (SUMB) từ Bản Dâng đến khu vực thôn Cao Bành (Thượng Sơn) được tạm dừng thi công. Trong quá trình thi công SUMB đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất gây thiệt hại về tài sản của người dân các thôn mà tuyến đường đi qua: Thôn Bản Chang, Nặm Ngạn, Khuổi Hóp (xã Quảng Ngần) và thôn Cao Bành, Đán Khao (xã Thượng Sơn).
Theo phản ánh của người dân ở các thôn trên khi tiến hành san ủi mặt đường làm đất đá sạt lở vùi lấp và gây hư hỏng các công trình thủy lợi mương nước, dẫn đến việc cung cấp nước tưới tiêu sản xuất của người dân gặp khó khăn. Nhiều diện tích đất ruộng của người dân cũng bị vùi lấp bởi đất đá. Qua kiểm tra thực tế của lãnh đạo xã Thượng Sơn ở thôn Cao Bành, có 7 hộ dân bị thiệt hại về tài sản, trong đó có 2 hộ dân bị vùi lấp mương nước tưới tiêu có chiều dài khoảng 500m, khoảng 120 cây chè Shan tuyết lâu năm của 4 hộ dân bị hư hại. Trong các xã mà tuyến đường Cao Bồ - Thượng Sơn đi qua, xã Quảng Ngần bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thi công tuyến đường. Trong đó, 3 thôn là Khuổi Hóp, Bản Chang, Nặm Ngạn bị thiệt hại chủ yếu về kênh mương, cây chè và đất ruộng do sạt lở đất đá khi mở đường. Anh Đặng Văn Dài, thôn Bản Chang kiến nghị: Gia đình anh có một mương nước được làm từ năm 1996, có chiều dài khoảng 450m dùng để cung cấp nước tưới tiêu đồng ruộng cho 4 hộ dân đã bị vùi lấp. Ngoài ra, gia đình anh Dài còn có 100 cây chè trồng vào năm 1998 cũng bị vùi lấp... Một số hộ dân ở thôn Nặm Ngạn còn phản ánh có việc mở đường sát với đất nền nhà của người dân nên khi SUMB làm đường đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Anh Đặng Văn Tẳng, Trưởng thôn Nặm Ngạn cho biết: Trước đây, khi bắt đầu mở con đường này người dân có nghe nói đền bù về ảnh hưởng của SUMB làm thiệt hại cây chè và đất canh tác. Nhưng đến nay, sau mấy năm thi công mà người dân vẫn chưa được đền bù. Lãnh đạo 2 xã Thượng Sơn và Quảng Ngần cũng đã gửi báo cáo những kiến nghị của người dân lên các cấp chính quyền và ngành chức năng mong được giải quyết. Thiệt hại về tài sản khi mở đường có được đền bù hay không? Và thời gian nào thì được giải quyết? Đó là những câu hỏi của người dân, chính quyền địa phương 2 xã Thượng Sơn, Quảng Ngần kiến nghị và đề nghị đơn vị chủ đầu tư của Dự án là UBND huyện Vị Xuyên, ngành chức năng liên quan sớm có câu trả lời thỏa đáng để người dân tại các thôn chịu ảnh hưởng ở xã Thượng Sơn và Quảng Ngần yên tâm, ổn định cuộc sống.
THÀNH NHÂN
Ý kiến bạn đọc