Người dân xã Tiên Yên mong được tách công tơ điện
HGĐT- Điện đem đến ánh sáng văn minh cho người dân ở các vùng nông thôn. Thế nhưng, lâu nay vấn đề giá điện luôn làm cho người dân xã Tiên Yên (Quang Bình) bức xúc. Chỉ tay vào hộp công tơ, ông Nông Văn Nhập ở Đội 2, thôn Yên Chung, giải thích: “Công tơ đứng tên tôi có 06 gia đình cùng dùng chung.
Ông Nông Văn Nhập giải thích về hộp công-tơ chung ở thôn Yên Chung, xã Tiên Yên.
Từ khi có điện về năm 2001, các gia đình rất phấn khởi kéo điện về nhà nhưng do nhà cách xa đường dây điện, không có kinh phí kéo điện riêng nên 6 nhà gom tiền mắc chung một công tơ, sau đó mỗi nhà lại tự mắc một công tơ khác ở trong nhà để tính số tiền điện phải trả hàng tháng. Điều đáng nói ở đây là do lâu ngày nên đường dây điện không còn đảm bảo; các cọc tre dùng để kéo dây điện đi qua ruộng, đồi đã bị mục rữa, có thể đổ bất cứ lúc nào. Số tiền điện phải trả hàng tháng đều cao hơn so với thực tế dùng điện của các hộ mà nguyên nhân chính là bị thất thoát từ đường dây kéo vào nhà. Hàng tháng tôi rất vất vả khi đi thu tiền điện của 6 hộ dùng chung công tơ do số điện và giá điện cao hơn so với thực tế dùng điện ở nhà họ.”
Đối với những người dân làm nông nghiệp không mấy khá giả trong thôn thì số tiền điện chênh lệch này rất khó chấp nhận. Ông Đoàn Văn Mến, một hộ dùng chung công tơ ở thôn Yên Chung, bức xúc: “Nhà tôi dùng chung công tơ đã nhiều năm, riêng dây điện kéo từ công tơ vào nhà là khoảng 700m; còn giá điện thì bấp bênh lắm, hàng tháng gia đình chỉ dùng điện để thắp sáng mà phải trả trên 50 nghìn đồng/tháng tiền điện, tính ra vào khoảng 1,8 – 2,5 nghìn đồng một số điện. Bây giờ chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước kéo đường dây điện 0,4kV về để gia đình có thể sử dụng trực tiếp điện lưới Quốc gia”. Được biết, xã Tiên Yên có 809 hộ thì có khoảng 80% số hộ được sử dụng điện an toàn, 20% nhóm hộ tự kéo điện từ trục đường dây 0,4kV về dùng tức là khoảng hơn 200 hộ gia đình vẫn đang dùng chung công tơ. Về vấn đề đường dây điện không an toàn, theo Chủ tịch UBND xã Tiên Yên, Phùng Minh Thanh, kiến nghị: Nếu được hỗ trợ xi măng, cát, sỏi người dân sẽ tự đổ cột điện để thay thế cho số cột bằng cọc tre đang mục rữa.
Đưa ra giải pháp, Giám đốc Điện lực huyện Quang Bình, Phạm Ngọc Hùng cho biết: Trước đây hệ thống lưới điện ở huyện Quang Bình đa phần là bán tổng (hay số hộ dùng chung công tơ). Do đặc thù phân bổ nên có nhiều nhóm hộ từ 7 - 10 gia đình trở lên ở khu vực xa đường dây cùng góp tiền vào kéo một hệ thống đường dây sau một công tơ để giảm chi phí đến nay đã xuống cấp bao gồm cả xã Tiên Yên.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2013 phía Điện lực Quang Bình đã đăng ký kế hoạch cải tạo, sửa chữa đường dây điện lưới nông thôn với Công ty Điện lực Hà Giang; tham mưu cho UBND huyện xem xét đầu tư xây dựng trạm biến áp, đường dây 0,4kV để cấp điện vào khu vực nông thôn. Cụ thể tại xã Tiên Yên, trong năm 2013, ngành Điện đã thực hiện chương trình cải tạo, tiếp nhận gói thầu DEP1, đầu tư xây dựng thêm một trạm biến áp 75 kVA, cải tạo nâng cấp và kéo dài thêm 2,7 km đường dây 0,4 kV. Hiện công trình đã thi công xong, mới nghiệm thu theo quy định của ngành Điện để đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, an toàn. Sau đó, Công ty Điện lực Hà Giang sẽ giao cho Điện lực Quang Bình quản lý, khai thác cấp điện cho nhân dân. Tuy nhiên, theo dự án này ban đầu lập không có hòm hộp công tơ. Công ty Điện lực Hà Giang đã có chủ trương chỉ đạo Điện lực Quang Bình xây dựng phương án chi tiết để bổ sung hòm hộp công tơ, lắp đặt bán lẻ cho các hộ dân nằm trong khu vực bán kính cấp điện của đường dây mới xây dựng. Dự kiến sẽ lắp đặt và cấp điện vào khoảng đầu quý II năm nay.
Ý kiến bạn đọc