Xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia ở thị trấn Việt Quang

16:25, 24/07/2013

HGĐT- Đến nay, huyện Bắc Quang đã có 3 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Đây là con số không nhiều so với một nơi có bề dầy thành tích giáo dục của tỉnh. Càng đáng chú ý khi các trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia lại không nằm ở thị trấn huyện lỵ Việt Quang. Dù cấp ủy, chính quyền huyện và ngành GD-ĐT đã rất quan tâm trong việc xây dựng mục tiêu, lộ trình đạt chuẩn cho các trường ở thị trấn, nhưng cái khó nằm ở chỗ cần một cơ chế, chính sách đầu tư để các trường không chỉ hoàn thiện những tiêu chí cơ bản nhất, mà còn góp phần xây dựng các tiêu chí của đô thị loại IV thị trấn Việt Quang.


Với sự quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, những năm qua huyện Bắc Quang đã có Đề án xây dựng các trường học đạt chuẩn Quốc gia. Theo đó, ở thị trấn Việt Quang có 3 trường mầm non nằm trong lộ trình đạt chuẩn từ nay đến 2015 gồm: Trường Mầm non Việt Quang II, phấn đấu đạt chuẩn năm 2013; trường Mầm non Việt Quang I, phấn đấu đạt chuẩn năm 2014 và trường Mầm non Hoa Mai, phấn đấu đạt chuẩn năm 2015. Quyết tâm thực hiện Đề án, huyện và ngành GD-ĐT cùng với các trường không ngừng hoàn thiện các tiêu chí về trình độ đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục đến khó khăn nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, đối với trường Mầm non Cầu Ham, nay chuyển tên thành trường Mầm non Hoa Mai đang được xây dựng một cơ sở ở địa điểm mới thay thế cho cơ sở cũ chật hẹp trước đây. Còn lại, 2 trường Việt Quang I và II, về cơ bản đã và đang được giải quyết để có được mặt bằng đáp ứng yêu cầu chuẩn...

 


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm và nghe lãnh đạo Trường Mầm non Việt Quang I báo cáo về việc xây dựng mở rộng nhà trường.


Thầy Phạm Hồng Thanh, Trưởng phòng GD – ĐT huyện cho biết, theo lộ trình đề ra, để đạt chuẩn, các trường cần được đầu tư để xây dựng, hoàn thiện về cơ sở vật chất. Theo đó, đối với các trường Mầm non Việt Quang I và II, để đáp ứng đủ các tiêu chí về lớp học, các phòng chức năng cần phải đầu tư xây dựng thêm ít nhất mỗi đơn vị 1 nhà lớp học 2 tầng 8 gian. Thực tế hiện nay, ở 2 trường trên cơ bản đáp ứng phòng học cho học sinh từ 3 – 5 tuổi, các trường chưa đủ không gian vui chơi, sinh hoạt thể dục và các hoạt động ngoài trời theo tiêu chuẩn. Với số phòng học hiện có, nhóm trẻ dưới 3 tuổi cũng đang bắt đầu quá tải. Cùng với đó, bếp ăn của các trường cũng cần phải được đầu tư để đảm bảo vấn đề rất quan trọng là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với trường Mầm non Hoa Mai, huyện đang nỗ lực hoàn thiện để đưa vào hoạt động đầu năm học 2013 – 2014, và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn đến năm 2015.

 

Để có thể hoàn thiện các tiêu chí, cái khó khăn nhất là vốn. Trong khi hiện nay nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng ưu tiên cho các huyện thuộc diện 30a thì địa bàn được coi là động lực như Bắc Quang lại rất khó về nguồn đầu tư cho xây dựng các công trình trường học. Do đó, để có nguồn đòi hỏi phải có sự năng động của huyện kêu gọi các cấp, ngành đầu tư. Thị trấn Việt Quang là đô thị loại IV, tuy nhiên thực tế không ít tiêu chí của đô thị loại IV vẫn đang phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện, trong đó có cả việc xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn. Đồng chí Hồ Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Việt Quang cho biết, trong lộ trình đang được tỉnh xây dựng đó là thành lập thị xã Việt Quang và tách lập huyện mới Bắc Quang thì việc xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia cũng rất cần được quan tâm. Trước hết, để đáp ứng đủ chỗ học tập cho lượng học sinh ngày càng gia tăng nếu thị trấn trở thành thị xã. Sự gia tăng dân số sẽ diễn ra mạnh với mức dân số tăng do sáp nhập một số xã lân cận lên khoảng 35 ngàn người so với dân số thị trấn là 14.500 người như hiện nay...

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Tiến Son, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Theo lộ trình đề ra, huyện và ngành GD – ĐT vẫn đang quyết tâm để xây dựng 3 trường mầm non ở thị trấn đạt chuẩn Quốc gia. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng cho các trường vẫn còn gặp khó khăn về vốn do việc đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các chương trình mục tiêu chỉ là sửa chữa nhỏ, không có làm mới. Đối với các nguồn xã hội hóa thì huyện cũng đang vận động các đơn vị như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Báo Giáo dục Thời đại... tài trợ, nhưng cũng sẽ rất khó khăn. Theo đồng chí Dương Tiến Son và ý kiến của nhiều cơ quan có chức năng của huyện thì rất cần một cơ chế, chính sách đầu tư có lựa chọn cho những nơi mà nhu cầu đang thực sự cần thiết, để từ đó khi xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ có sự đồng bộ với sự phát triển của không gian, kiến trúc đô thị. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều công trình cần phải cắt giảm, nhưng đối với những công trình thiết thực, tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ ngân sách cho khởi công. Còn theo đồng chí Phạm Hồng Thanh, để thúc đẩy phát triển ngành học mầm non, Phòng GD – ĐT có một gải pháp nữa là tham mưu cho huyện mời gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng trường tư thục...

 

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Dung, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Việt Quang I cho biết, theo lộ trình đạt chuẩn Quốc gia từ nay đến 2015, cả 3 trường mầm non trên địa bàn thị trấn đều gặp những khó khăn về cơ sở vật chất. Trước sự gia tăng dân số, số trẻ trên địa bàn ngày càng đông lên, phụ huynh cũng bắt đầu kêu về vấn đề lớp đông học sinh, cơ sở vật chất mặt bằng chưa đủ đáp ứng cho các hoạt động giáo dục. Hiện nay, khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trời, sinh hoạt trong các phòng chức năng ở các nhà trường thường gặp khó khăn do thiếu không gian, mặt bằng, phòng học đủ điều kiện. Những khó khăn trước mắt có thể khắc phục bằng sự cố gắng của ngành GD – ĐT, của mỗi cán bộ, giáo viên. Nhưng về lâu dài, theo lộ trình đạt chuẩn, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp đối với việc đầu tư, xây dựng các trường mầm non trên địa bàn xứng tầm với đô thị loại IV.


Chị Bùi Thị Tuyết Nhung và Nguyễn Thị Hằng là phụ huynh của học sinh trường Mầm non Việt Quang I bày tỏ, xã hội muốn phát triển đòi hỏi phải có sự đầu tư để xây dựng môi trường giáo dục với cơ sở vật chất, giáo viên chất lượng. Trong việc xây dựng, phát triển, đưa thị trấn trở thành thị xã, người dân nơi đây rất mong muốn các cấp, các ngành cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non một cách tương xứng. Từ đó, tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị xã tương lai.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Người dân thôn Hạ mong có cầu treo
HGĐT- Trong nhiều lần đi tiếp xúc cử tri cùng đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình tại các xã, chúng tôi được biết, cơ sở vật chất của nhiều thôn còn rất khó khăn. Thôn Hạ (xã Vĩ Thượng) là một trong những thôn như vậy, người dân nơi đây mong muốn Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng cầu treo qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.
28/02/2013
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012
Nà Chì cần nơi đổ rác hợp lý
HGĐT- Nà Chì là xã nằm trên trục Tỉnh lộ 178 nối từ Quốc lộ 279 (ngã 3 huyện Quang Bình) đi Xín Mần, cách trụ sở UBND xã khoảng gần cây số. Trên trục đường đi Xín Mần, có con suối mang tên Nậm Nhang chảy dọc theo, nước trong xanh.
26/06/2013