Kỳ 2: Cần sớm khắc phục hậu quả thiên tai và giải quyết vấn đề liên quan
HGĐT- Sau trận lũ quét hồi tháng 7.2013, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Thượng Sơn, đóng chân trên địa bàn xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) buộc phải ngừng hoạt động. Xung quanh vấn đề này không chỉ là hậu quả tàn phá nặng nề của thiên tai, mà cùng với đó, nợ công cũng trở thành vấn đề nan giải khiến nhiều người dân trên địa bàn xã bức xúc, vì họ không biết “tìm công” ở đâu, khi người thuê nhân công “bặt vô âm tín” hơn 3 năm trời...
Hậu quả nặng nề sau thiên tai
Hiện tại, có thể ví NMTĐ Thượng Sơn đang nằm kẹt giữa thế “trên đe, dưới búa”. Bởi sau trận lũ quét tháng 7.2013, phía taluy dương của nhà máy đã bị đất đá từ trên cao xô thẳng xuống hông nhà. Một tảng đá to có vị trí nhằm chính giữa nhà máy đã để lộ chân đá, chỉ chờ một trận mưa lớn để lăn thẳng xuống NMTĐ, trực gây thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, với khối lượng đất đá sạt, lở lên đến khoảng 370 m3 đã vùi, lấp và làm hư hỏng nhiều đoạn kênh mương dẫn nước từ taluy dương xuống NMTĐ. Mặt khác, tại taluy âm của nhà máy đã bị nước lũ làm sạt, lở đất đá và khoét sâu vào chân móng (phía sau nhà máy), khiến nhiều đoạn bê-tông phần hiên NMTĐ bị đứt, gẫy dẫn đến mất mặt bằng ban đầu; gây nguy hiểm và thiếu an toàn cho người cùng tài sản của nhà máy. Trước hiện trạng trên, nhiều người tỏ ra quan ngại và đặt dấu chấm hỏi cho chất lượng công trình: Hậu quả này do thiên tai hay một phần do sự tính toán và thi công thiếu hợp lý từ phía đơn vị thi công?. Bên cạnh đó, tại khu vực thôn Bó Đướt, một cây cột điện chôn chân trên đất trồng trọt của người dân đã gẫy ½ cây và được dựng trở lại như ban đầu. Tuy nhiên, nếu sự việc này không được khắc phục (trước khi hoạt động trở lại) sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, khi tham gia lao động tại khu vực này. Bởi đường dây điện chỉ cách mặt đất vài mét...
Nước lũ làm đất, đá sạt lở và khoét sâu vào chân móng nhà máy thủy điện.
Từ những hiện trạng trên, nếu NMTĐ Thượng Sơn không sớm được khắc phục hậu quả thì nguy cơ tiếp tục thiệt hại nặng nề về kinh tế là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi thời điểm mùa mưa, lũ với những tác động xấu, để lại hậu quả khó lường do thời tiết gây ra đang đến rất gần...
Vấn đề bức xúc dư luận
Sự ngừng hoạt động của NMTĐ Thượng Sơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời gây bức xúc cho người dân của xã. Vấn đề bức xúc của người dân khi nuốt nghẹn trước sự “nợ công” từ phía đơn vị thi công công trình. Theo ý kiến phản ánh của nhiều người dân tại các thôn Bó Đướt, Cao Bành,...: Khi khởi công xây dựng NMTĐ Thượng Sơn, họ đã được phía đơn vị thi công thuê lao động, với mức thù lao từ 50-80.000 đồng/ngày công. Với sự thật thà, tin tưởng hoàn toàn vào đơn vị thi công của người dân nên giữa hai bên thuê và được thuê đã không có một bản cam kết hay bất cứ hợp đồng lao động nào. Việc ghi nhận ngày công tham gia của họ chỉ dựa vào bảng tự chấm công từ hai phía (mà không có sự ràng buộc nào). Đến khi công trình hoàn thành, đi vào sử dụng, phía thuê lao động đã “bặt vô âm tín”, bỏ họ lại trong sự ngỡ ngàng. Bởi họ không biết tìm ai để nhận lại tiền công lao động, mồ hôi, nước mắt, khi trong tay không một bằng chứng, chứng minh mình được thuê công lao động.
Hệ thống kênh mương dẫn nước về nhà máy đã khô cạn, nhiều đoạn hư hỏng nặng, nhường chỗ cho cỏ dại phát triển.
Anh Vương Văn Cường (thôn Bó Đướt) trần tình: Gia đình anh gồm 3 người, đều tham gia lao động tại NMTĐ từ những ngày đầu khởi công xây dựng và nhận thêm 3 người khác để thành lập một tổ lao động riêng. Nhưng khi công trình hoàn thành, anh đã không nhận được tiền công lao động một cách thỏa đáng, như sự thỏa thuận “miệng” giữa hai bên. Hơn nữa, với vai trò là tổ trưởng, anh Cường đã phải lấy tiền tiết kiệm của gia đình để chi trả tiền công lao động cho những nhân công khác trong tổ, với mức tiền thỏa thuận giảm 50% so với số tiền mà đơn vị thi công đã thuê. Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhưng khi họ tìm gặp người đứng ra thuê lao động (như trường hợp của anh Cường) để lấy lại tiền công thì “quả bóng” tránh nhiệm này được đùn đẩy cho nhiều người khác. Kết quả là người làm công vẫn chờ đợi tiền công lao động trong vô vọng, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động (từ năm 2010 đến nay). Còn nhiều trường hợp khác, họ ngậm ngùi phận “thấp cổ, bé họng” nên cam chịu cảnh lao động không công mà không dám mở lời cùng cơ quan chức năng, để giành lại tiền thù lao xứng đáng với công sức lao động của mình bỏ ra...
Xung quanh việc NMTĐ Thượng Sơn ngừng hoạt động, vẫn còn đó nhiều câu hỏi và nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận cần được giải quyết thỏa đáng. Rất mong các cấp, ngành liên quan đặc biệt lưu tâm, để NMTĐ Thượng Sơn sớm hoạt động trở lại, trong vai trò cung cấp điện năng phục vụ nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của người người dân 4 thôn vùng cao, xã Thượng Sơn đang hưởng lợi từ Chương trình năng lượng Nông thôn Việt Nam – Thụy Điển.
Ý kiến bạn đọc