Kỳ 1: Khi nào Nhà máy Thủy điện Thượng Sơn hoạt động trở lại?

09:41, 20/03/2014

HGĐT- Đó là câu hỏi chung của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) khi Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Thượng Sơn ngừng hoạt động. Sự việc này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thế nhưng, câu hỏi trên vẫn không có lời giải đáp suốt từ tháng 7.2013 đến nay.


NMTĐ Thượng Sơn (thuộc Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam – Thụy Điển), được khởi công xây dựng từ năm 2009 và đi vào sử dụng hồi tháng 4.2010. Công trình có tổng đầu tư trên 12,7 tỷ đồng (trong đó, trên 10,7 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ, số còn lại là tiền đối ứng của địa phương). Với công suất 114 kW, gồm 7 trạm biến áp, NMTĐ Thượng Sơn đủ đáp ứng nhu cầu cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho 260 hộ dân của 4 thôn: Bó Đướt, Cao Bành, Khuổi Luông và Đán Khao. Tuy nhiên, sau trận lũ quét lịch sử hồi tháng 7.2013, NMTĐ Thượng Sơn buộc phải ngừng hoạt động do tác động xấu của thiên tai. Nhưng từ đó đến nay, công trình hàng chục tỷ đồng này vẫn “phủ chiếu” trước sự bỏ ngỏ của các cơ quan chức năng.

 

Xã Thượng Sơn có 12 thôn, bản nhưng với địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn nên chỉ có 2 thôn gần trung tâm xã được sử dụng điện lưới Quốc gia. 6 thôn khác quanh năm làm “bạn” với ánh sáng của đèn dầu hoặc nguồn điện nước không đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tối thiểu của người dân. 4 thôn còn lại là: Bó Đướt, Cao Bành, Khuổi Luông và Đán Khao được sử dụng điện từ NMTĐ Thượng Sơn. Nhưng hiện nay, khi NMTĐ ngừng hoạt động, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân.

 

Thượng Sơn là mảnh đất có thương hiệu chè Shan tuyết nổi tiếng. Đây là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Cả xã có 788 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch nhưng phần nhiều diện tích lại tập trung ở những thôn được hưởng lợi từ Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam – Thụy Điển. Nhằm phát huy thế mạnh về kinh tế của chè Shan, nhiều gia đình thực hiện thu, mua chè tươi để chế biến thành chè khô, bán ra thị trường. Và máy sao chè mini tại những thôn này có số lượng nhiều nhất xã, lên đến 23 máy sao chè. Nhưng hiện nay, khi mùa thu hoạch chè Shan tuyết đang đến gần, hàng tấn chè búp tươi cần sử dụng điện để sao khô mỗi ngày đang là bài toán khó, khiến người dân không khỏi lo lắng, khi NMTĐ Thượng Sơn vẫn chưa được cơ quan chức năng nào khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Hơn nữa, tại thôn Bó Đướt, Xưởng chế biến chè Shan tuyết của Công ty TNHH Thành Sơn cũng sẽ rơi vào tình trạng điêu đứng khi không có điện phục vụ sản xuất để chế biến chè.

 

Anh Hoàng Văn Dơm (thôn Bó Đướt) tỏ bày: Trước kia, khi NMTĐ Thượng Sơn phát huy hiệu quả, tiền sử dụng điện của gia đình chưa vượt quá con số 900.000 đồng/tháng (bao gồm nhiều thiết bị điện sinh hoạt và sản xuất). Nhưng khi NMTĐ ngừng hoạt động, việc thu mua và chế biến chè của gia đình anh Dơm cùng nhiều gia đình khác gặp không ít khó khăn về tài chính. Thay bằng việc sử dụng điện từ NMTĐ, anh Dơm phải đi xe máy xuống tận cây xăng thôn Vạt, thị trấn Việt Lâm (cách nhà anh trên 30km đường đồi núi dốc, quanh co) để mua nhiên liệu (dầu mazut), thực hiện sao khô từ 7 tạ đến 1,5 tấn chè búp tươi mỗi ngày. Anh Dơm nhẩm tính: Mỗi giờ đồng hồ, máy nổ phục vụ điện sản xuất chè tiêu tốn 1 lít dầu (với giá 24.000 đồng/lít – tại thời điểm đó). Và chỉ trong một tháng, gia đình anh phải chi trả vài triệu đồng tiền dầu mà chưa kể chi phí nhiên liệu cho việc sử dụng bóng điện thắp sáng và một vài thiết bị điện sinh hoạt khác. “Nếu sử dụng điện sản xuất từ NMTĐ thì hiệu quả kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với việc sử dụng máy nổ”, anh Dơm thở dài khi nghĩ đến thời điểm cuối tháng 3 này, sẽ là vụ chè Shan tuyết đầu tiên của năm cho thu hoạch.

 

Khi NMTĐ Thượng Sơn ngừng hoạt động, những máy thái rau phục vụ chăn nuôi của nhiều gia đình đành xếp gọn góc nhà. Thay vào đó, những cây chuối hay nhiều loại rau khác (thức ăn cho gia súc, gia cầm) đều phải thái bằng tay một cách vất vả và tốn thời gian, chưa kể đến việc nhiều hộ chăn nuôi lên đến vài chục con. Nhiều gia đình có đầy đủ phương tiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống như: Tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện và nhiều thiết bị điện khác cũng đành lòng để nhện làm tổ, giăng tơ khi không có nguồn điện đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Để khắc phục tình trạng trên, người dân phải mua máy phát điện sử dụng sức nước để có điện sinh hoạt. Nhưng Thượng Sơn mùa này, nguồn nước cạn kiệt nên máy phát điện nước không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tối thiểu cho các hộ dân. Và nhiều gia đình phải sử dụng chung một máy phát điện, bên nguồn nước thuận lợi nhất, để đủ thắp sáng 1 bóng điện mờ, khi trời nhá nhem tối.

 

Đã hơn nửa năm nay, kể từ khi NMTĐ Thượng Sơn ngừng hoạt động, vẫn còn đó tiếng thở than của bao người, sống gần khu vực NMTĐ nhưng vẫn thắp đèn dầu mỗi tối: Đến bao giờ, NMTĐ Thượng Sơn mới hoạt động trở lại?.


Phương Thùy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Nỗi niềm” nhà công vụ giáo viên
HGĐT- “Mùa gieo chữ” đã đến, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những nỗi niềm trăn trở của thầy, cô giáo đang công tác tại các bản làng xa xôi, heo hút núi.
28/08/2013
Nà Chì cần nơi đổ rác hợp lý
HGĐT- Nà Chì là xã nằm trên trục Tỉnh lộ 178 nối từ Quốc lộ 279 (ngã 3 huyện Quang Bình) đi Xín Mần, cách trụ sở UBND xã khoảng gần cây số. Trên trục đường đi Xín Mần, có con suối mang tên Nậm Nhang chảy dọc theo, nước trong xanh.
26/06/2013
Báo cáo năm nay, đừng như... năm ngoái (!)
HGĐT- Thời gian qua, với việc đẩy mạnh đấu tranh, phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI), kết quả đạt được là rất lớn, tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị xã hội, trong nhiều cơ quan, đơn vị. Mặc dù vậy, để có thể gạt được hết những thói quen, “bệnh” thành tích ở một bộ phận cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên là điều không dễ. Thực tế, chỉ
25/01/2014
Đền bù giải phóng mặt bằng đối với người dân Nà Tho (xã Tân Bắc)
HGĐT - Trong chuyến công tác tại huyện Quang Bình, phóng viên Báo Hà Giang đã có buổi làm việc tại xã Tân Bắc để được nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri thôn Nà Tho về việc đền bù đất và cây cối hoa màu khi Nhà nước triển khai thực hiện việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 279 từ những năm 1998 – 1999.
24/09/2013