Báo cáo năm nay, đừng như... năm ngoái (!)
HGĐT- Thời gian qua, với việc đẩy mạnh đấu tranh, phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI), kết quả đạt được là rất lớn, tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị xã hội, trong nhiều cơ quan, đơn vị. Mặc dù vậy, để có thể gạt được hết những thói quen, “bệnh” thành tích ở một bộ phận cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên là điều không dễ. Thực tế, chỉ cần qua những bản báo cáo tổng kết năm của không ít cơ quan, đơn vị, báo cáo kiểm điểm năm của cá nhân, có thể thấy, cái “thành tích” vẫn còn không nhỏ trong tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều này được thể hiện qua việc đánh giá về hạn chế thường chung chung, không ảnh hưởng đến ai hoặc tự nhận hạn chế, thiếu sót theo “kiểu” năm nay cũng tựa như... năm trước.
Trong báo cáo hàng năm, nhiều cơ sở giáo dục thường nêu, thực hiện tốt hoặc đảm bảo đảm giữ gìn cơ sở vật chất. Nhưng có những đơn vị vẫn tuênh hoang thế này.
(Ảnh chụp hè năm 2013 tại một trường học ở huyện Vị Xuyên).
Đọc báo cáo văn bản của một số sở, ngành, địa phương, có thể nhận thấy một số lời văn quen thuộc như: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có một số hạn chế tồn tại như:... trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế; thực hiện chức năng, nhiêm vụ ở một số bộ phận chưa thật chủ động; việc tổ chức triển khai và báo cáo chưa đảm bảo chất lượng cũng như thời gian quy định... Hay báo cáo đánh giá của một đơn vị Đoàn thể như: Nội dung sinh hoạt chưa được đổi mới toàn diện, chưa thật sự phong phú và hấp dẫn; một số đoàn viên/hội viên còn ngại tham gia các hoạt động phong trào, ý chí phấn đấu vươn lên chưa rõ nét... Đối với kiểm điểm của cá nhân, không ítbáo cáo kiểm điểm trong các dịp cuối năm đều tự đánh giá bản thân theo cách hơi giống nhau kiểu như: Trong năm qua, bên cạnh kết quả đạt được, bản thân tôi còn nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót như: Đôi khi còn nể nang, chưa mạnh dạn đấu tranh với những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp; xử lý công việc đôi khi còn chậm...
Đó chỉ là một trong số những ví dụ cho việc kiểm điểm, đánh giá một cách chung chung, “an toàn” của một bộ phận đơn vị, cá nhân. Theo đồng chí Phạm Bá Gia, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, quả thực có việc một số báo cáo còn mang tính hình thức, “sao chép” thành tích, hạn chế từ năm này sang năm kia. Trong những báo cáo đó, phần nhìn nhận về hạn chế, yếu điểm thường được nêu một cách chung chung, không chỉ rõ cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm. Ở góc độ cá nhân cán bộ, đảng viên báo cáo kiểm điểm cuối năm vẫn còn có báo cáo theo kiểu khuyết điểm, hạn chế là “...còn rụt dè, chưa mạnh dạn, còn e dè, nể nang...”. Như vậy, cái “đuôi” hình thức, chung chung trong việc kiểm điểm, đánh giá cứ bám dễ từ năm này sang năm khác. Khi chúng ta quyết tâm thực hiện Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI), trong đó nêu cao tinh thần “phê và tự phê bình” thì không thể cứ mãi diễn ra việc năm nào khuyết điểm cũng giống năm nào mà không thấy sửa chữa, khắc phục gì. Theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4, khi chỉ ra, nhận khuyết điểm, mỗi cá nhân, tập thể cần phải đưa ra giải pháp và có thời gian sửa chữa khuyết điểm, chứ không thể năm nào cũng mãi một khuyết điểm được.
Cùng quan điểm với đồng chí Phạm Bá Gia, một đảng viên thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh cho biết, nếu đảng viên 3 năm liền nêu cùng một khuyết điểm mà không thấy thay đổi, sửa chữa thì cần phải xem xét, đánh giá về tư cách của đảng viên đó. Còn đối với đồng chíu Xuân Hon, người từng kinh qua nhiều vị trí công tác ở nhiều cơ quan Đảng, đoàn thể cho rằng, bệnh thành tích, chung chung trong không ít báo cáo của một số đơn vị, cá nhân là một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua. Đây là lúc các cơ quan, đơn vị, cá nhân cần phải xem xét, nhìn nhận về ý thức trách nhiệm. Đồng thời, đây cũng là lúc cần phải nêu lên thực tế để chúng ta cùng khắc phục... Với vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tới đây MTTQ tỉnh cũng sẽ quan tâm, lưu ý phản biện về vấn đề này. Còn với bác nguyễn H, cán bộ hưu trí tại phường Quang Trung bày tỏ, thực tế có đơn vị hàng năm thường nêu đánh giá hạn chế chung chung, thiếu cụ thể, chủ yếu liên quan đến trình độ chuyên môn, nhận thức, tác phong, lề lối làm việc... nhưng khi phát hiện ra sai phạm ở đơn vị đó thì lại rất cụ thể ở một lĩnh vực khác là tài chính hay thực hiện quy chế dân chủ...
Có thể khẳng định, trong suốt quá trình phát triển, Đảng ta luôn coi việc tự đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ sống còn. Việc đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm là một việc làm luôn được coi trọng, khuyến khích nhằm tạo ra sự phát triển, đột phá. Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, chúng ta đã thấy tinh thần đổi mới được đề cao thông qua “4 đổi mới, 8 đột phá”... Từ đó, việc từng bước đấu tranh với bệnh thành tích, với những cái chung chung sẽ là việc làm để chúng ta góp phần thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Ý kiến bạn đọc