Người dân Du Tiến mong Nhà nước xây điểm trường kiên cố

13:43, 22/01/2013

HGĐT- Vào xã Du Tiến (Yên Minh) đúng dịp miền Bắc đang phải hứng chịu đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong nhiều ngày đầu tháng 1. Trao đổi với chính quyền địa phương, lãnh đạo các trường và nhân dân trên địa bàn, chúng tôi thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của giáo viên, học sinh tại các điểm trường thôn bản khi phải dạy và học trong những lớp học tạm. “Mong nhà nước đầu tư xây dựng điểm trường kiên cố” là nguyện vọng chung của người dân nơi đây.


Những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở xã vùng sâu, vùng xa Du Tiến có những chuyển biến đáng mừng. Các điểm trường chính ở các cấp học được Nhà nước quan tâm đầu tư, bổ sung về cơ sở trường lớp; nhà trường và chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục nên tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số học sinh ngày một tăng; chất lượng dạy và học được nâng lên... Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, sự nghiệp giáo dục trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế và đó cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở không chỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn của cả người dân trong xã. Đồng chí Nguyễn Trường Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước, cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo trên địa bàn từng bước được đầu tư. Tuy nhiên, chỉ ở các điểm trường chính mới được đầu tư xây dựng trường, lớp kiên cố, còn lại, các điểm trường thôn bản đều là phòng học tạm. Xã có 11 điểm trường mầm non thôn bản thì 100% là phòng học tạm, trong đó có 3 điểm mượn phòng học của điểm trường tiểu học. 11 điểm trường tiểu học thôn bản mới có 2 điểm được xây dựng kiên cố. Các điểm trường thôn bản đa phần là do xã vận động nhân dân đóng góp công lao động, vật liệu để xây dựng cho con em mình đến trường. Đến nay, qua nhiều năm sử dụng, hầu hết các điểm trường thôn bản ở cả 2 cấp đều xuống cấp”.


                     Điểm trường Tiểu học thôn Nậm Chộm
 

Chúng tôi có mặt tại điểm trường tiểu học thôn Nậm Chộm trong buổi chiều mưa phùn, gió rét. Điểm trường nằm giữa cánh đồng với 2 gian nhà tạm, vách được bưng bằng ván gỗ cao chưa quá đầu người. Dù nhiệt độ ngoài trời hơn 100C nhưng lớp học ghép (ghép lớp 2 và lớp 3 do thiếu phòng học) của thầy giáo Hỏa Văn Tịch vẫn được duy trì. Nằm giữa cánh đồng lộng gió, ván bưng không đảm bảo nên gần 20 học sinh lớp ghép ngồi “thu mình” vì lạnh. Thầy Hỏa Văn Tịch cho biết: “Học sinh tiểu học ở thôn đông, đi học rất đều, điểm trường chỉ có 2 phòng học tạm nên chúng tôi phải tổ chức lớp học ghép. Thiếu cơ sở vật chất đã đành, lớp học cũng không kiên cố nên mùa nào cũng gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Trời mưa thì ướt bàn, ướt ghế, còn thời tiết giá lạnh như dịp này thì gió lùa tứ phía, ngồi trong lớp mà cả thầy và trò đều run vì lạnh. Trong hoàn cảnh thiếu lớp, phòng học tạm không những ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thầy và trò mà chất lượng giáo dục cũng khó có thể nâng cao... Gặp anh Lý Văn Vẩy, có con là Lý Văn Pàn đang học lớp 3 tại điểm trường thôn, anh tâm sự: “Động viên cháu đến trường nhưng trong lòng tôi lo lắm, ngồi trong nhà còn lạnh nữa là bọn trẻ ngồi ở lớp học điểm trường tạm bợ. Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn rất mong nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng điểm trường kiên cố, vững chắc để chúng tôi yên tâm vận động con em mình đến trường mà không lo chúng bị ốm...”. Thầy giáo Đỗ Vinh Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Du Tiến cho biết: “Không chỉ ở điểm trường Nậm Chộm, 8/11 điểm trường tiểu học đều gặp khó khăn tương tự. Tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục chung của toàn trường. Đặc biệt, đối với những ngày thời tiết giá lạnh, mưa gió thì việc duy trì sỹ số học sinh gặp rất nhiều khó khăn”.



                           Lớp ghép ( 2 và 3) tại điểm trường thôn Nậm Chộm.
 

Với cấp học mầm non, điều kiện cơ sở vật chất có phần thiếu thốn hơn, cô giáo Lê Thị Thúy Hạnh, Hiệu trưởng trường Mầm non Du Tiến cho biết: “Năm học này, nhà trường có 22 nhóm trẻ. Ngoài điểm trường chính được xây dựng kiên cố (nhưng vẫn còn chật hẹp, thiếu lớp) thì 11 điểm trường thôn bản đều là phòng học tạm. Cấp học mầm non, các em còn nhỏ, sức đề kháng kém nên khó có thể đảm bảo sức khỏe cho các em khi đến trường trong những ngày mưa, gió rét. Không chỉ thiếu phòng học, đội ngũ giáo viên trong trường còn gặp rất nhiều khó khăn về nhà lưu trú”. Thôn Gia Vài, thôn xa nhất xã, điểm trường mầm non nằm treo leo trên núi cao, trong những ngày Đông lạnh giá, ngày nào sương mù cũng ùa vào phòng học. Cô giáo Nguyễn Thị Hân, giáo viên điểm trường thôn cho biết: “Điểm trường mầm non chỉ có 1 phòng học tạm nên bọn em phải tổ chức lớp học gép từ 3 đến 5 tuổi với 20 em học sinh. Trên núi cao nhiều gió, sương mù bao phủ, nhiệt độ thường xuyên xuống thấp, trường lớp không đảm bảo nên bố mẹ các em không giám cho con em mình đến trường nên lớp học chỉ duy trì được khoảng 50% sỹ số”.

 

“Mong ước được nhà nước đầu tư xây dựng điểm trường kiên cố, xây dựng nhà lưu trú cho giáo viên” là nguyện vọng chung của chính quyền địa phương, của cán bộ giáo viên và người dân trên địa bàn xã Du Tiến. Trong những ngày đầu năm mới 2013, nhiệt độ thường xuyên xuống thấp trên, dưới 100C thì mong ước đó càng “mãnh liệt” hơn bao giờ hết.

Đồng chí Lương Văn Soòng, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh cho biết: “Có trường, có lớp học kiên cố là yêu cầu cơ bản của ngành Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nguyện vọng xây điểm trường kiên cố không chỉ của người dân Du Tiến mà còn là nguyện vọng chung của nhiều xã trên địa bàn tỉnh bởi hiện nay tỉnh ta có trên 10.000 phòng học nhưng mới chỉ có 5.360 phòng học kiên cố; 3.473 phòng học cấp IV và còn 1.799 phòng học tạm cần được đầu tư xây dựng”.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
29/06/2012
Bàn chuyện “cần câu và con cá”...
HGĐT- Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua, người dân tỉnh ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành nhằm XĐGN và phát triển bền vững thông qua nhiều mô hình, đề án phát triển KT-XH. Qua nhiều mô hình, đề án, có những cái thành công và cả thất bại, không ít người lại bàn nhiều về việc "cho người dân cái cần câu hay con cá?". Và làm thế nào để
28/03/2012
Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
27/09/2012
Người dân Sèo Lùng Sán mong sớm có điện
HGĐT- Nằm trong địa bàn xã Lũng Chinh - một trong những xã gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là núi đá, diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, thôn Sèo Lùng Sán là nơi sinh sống của 71 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào Mông.
25/12/2012