Một Dự án ổn định dân cư đang được người dân mong chờ
HGĐT- Gần 1 năm kể từ khi Dự án ổn định dân cư, định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) được khởi công, nhiều hạng mục đã và đang triển khai, 47/47 ngôi nhà được dựng lên, gần 30/47 hộ sống rải rác, khó khăn ở thôn Lâm, thôn Nhạ đã chuyển về đây với mong muốn có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Những ngôi nhà mới ở khu tái định cư thôn Lâm vẫn đang chờ... điện, nước.
Tuy nhiên, đứng trước khó khăn về nguồn vốn, Dự án khó có thể về đích theo kế hoạch đề ra năm 2012 này. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục hộ đồng bào Dao, Mông, Nùng cũng đang chờ đợi cuộc sống ổn định từ Dự án...
Chúng tôi đến thôn Lâm trong một ngày mà gió Đông Bắc đầu mùa kéo về. Bí thư Chi bộ thôn Lâm, anh Triệu Minh Thị tiếp chúng tôi trong tâm trạng như tìm được người rãi bày. Anh cho biết, để Dự án triển khai đến ngày hôm nay, việc vận động bà con không dễ dàng anh ạ. 47 hộ của 2 thôn Lâm, thôn Nhạ ở nơi ở cũ, sống rải rác, xa trung tâm, thiếu đất sản xuất, phải phát rừng làm nương, lại là nơi có nguy cơ sạt lở..., bà con rất cần được hạ sơn, tập trung để ổn định cuộc sống. Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, xã Đồng Tâm, thôn Lâm cùng với Phòng Dân tộc huyện đã mất rất nhiều công sức vận động. Nói hợp lòng là bà con nghe, bởi theo Dự án, nơi ở mới không chỉ ở khu trung tâm, mà mỗi hộ được cấp từ 2.000 – 3.000m2đất để ở và làm vườn, có điện, có đường, có nước sinh hoạt, trẻ em có hẳn một sân chơi còn to hơn sân vận động huyện... Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Hoàng Văn Phú chia sẻ, đây là Dự án rất ý nghĩa, vì thế xã rất nỗ lực vận động bà con hạ sơn để xây dựng khu dân cư gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo Dự án ổn định dân cư, ĐCĐC tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đồng Tâm do UBND tỉnh phê duyệt ngày 2.8.2010, với tổng mức đầu tư trên 17,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Hỗ trợ 47 hộ với 237 khẩu gồm các dân tộc Dao, Mông, Nùng sống rải rác, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt ở thôn Lâm, thôn Nhạ về sống tại khu vực trung tâm thôn Lâm. Các hộ được hỗ trợ làm nhà ở, điện sinh hoạt, khai hoang đất sản xuất; Dự án đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học mầm non, trạm hạ thế, đường dây 0,4kv, đường giao thông nông thôn loại B, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi...
Trao đổi với ông Vũ Văn Tú, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, được biết qua gần 1 năm triển khai Dự án, nhiều hạng mục đã được thi công. Trong đó, 47/47 hộ đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà ở; công trình thủy lợi đã hoàn thành đạt 100%. Nhưng, việc xây dựng trạm biến áp và đường điện 0,4kv mới chỉ đạt khoảng 75% khối lượng; đường giao thông nông thôn loại B khối lượng mới đạt khoảng 35%, phải tạm dừng thi công vì thiếu vốn; mặt bằng xây dựng nhà lớp học mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng đã hoàn thành, nhưng chưa có vốn xây dựng 2 công trình trên; công trình cấp nước sinh hoạt đã bàn giao mặt bằng, hiện nay nhà thầu đang tập kết vật liệu để thi công. Tổng kinh phí Dự án được cấp đến năm 2012 là 8.468 triệu đồng, đạt khoảng 46%. Ông Vũ Văn Tú cũng cho biết, trước khó khăn về vốn, huyện phải tạm dừng cấp vốn cho một số hàng mục nhằm ưu tiên bố trí các hạng mục cấp thiết là điện và nước sinh hoạt.
Mặc dù khó khăn, nhưng từ tháng 4, 5 đến nay, với sự vận động của huyện, xã, trong tổng số 47 hộ thuộc Dự án, đã có gần 30 hộ tự nguyện chuyển về ở khu ĐCĐC. Đi vào khu vực triển khai Dự án, có thể thấy rõ những ngôi nhà mái phi bro mới, được làm theo hàng, theo lối rất khang trang, nhưng bên cạnh đó là những hàng cột điện vẫn chưa mắc dây. Vào thăm gia đình mẹ con bà Bàn Thị Tích và Lý Văn Bình, dân tộc Dao, một trong những hộ gương mẫu chuyển về đây sớm nhất. Bà Tích cho biết, chuyển về đây rộng rãi hơn nơi ở cũ rất nhiều, đi lại cũng dễ hơn. Nhưng, gia đình vẫn chưa chuyển về hết vì ở đây vẫn chưa có điện, chưa có nước sinh hoạt. Khó khăn lắm, gia đình mới mua, chắp nối được vài chục mét dây điện để kéo điện từ một nhà hàng xóm ở phía dưới về dùng. Còn nước thì vẫn phải đi lấy xa lắm, thiếu điện, nước làm gì cũng khó. Đến nhà anh Lù Văn Vinh, dân tộc Nùng với 6 khẩu mới chuyển về theo Dự án, anh cho biết, ở đây điều kiện tốt hơn nơi ở cũ, nhưng vẫn thiếu điện, nước, hàng ngày cả nhà phải dùng xe trâu đi chở nước về dùng vất vả lắm. Có nhà dùng xe đạp, có nhà dùng xe máy chở nước, mấy chục hộ ở đây đều phải làm như vậy. Qua trao đổi, các gia đình đều bày tỏ điều mong muốn nhất lúc này là được Nhà nước đầu tư hoàn thành Dự án, nhất là nước và điện để nhân dân sớm có cuộc sống ổn định.
Bí thư Chi bộ Triệu Minh Thị cho biết, những ngày đầu bà con mới về, thôn và người dân xung quanh đã góp tay vào giúp đỡ bà con mới đến rất nhiều. Thôn cũng tích cực đến từng nhà vận động để bà con yên tâm ở nơi ở mới. Anh Thị cũng cho biết, nếu có nước, có điện, chắc chắn cuộc sống sẽ nhanh chóng ổn định. Nói xong, anh phân trần, người dân nơi đây đã tin thì chỉ cần nói một lần là nghe và ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, rất mong các ngành, các cấp sớm quan tâm, đầu tư giải quyết khó khăn cho Dự án, tránh để bà con mất lòng tin rồi lại chuyển về nơi ở cũ...
Được biết, trước khó khăn của bà con, vừa rồi, Phòng Dân tộc đã phải dùng kinh phí chi thường xuyên của đơn vị để mua ủng hộ mỗi hộ 2 can tích nước 20 lít. Để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con, huyện đang ưu tiên đầu tư vào hạng mục nước sinh hoạt, năm 2012 được UBND tỉnh bố trí vốn 1,1 tỷ đồng, huyện đã ưu tiên bố trí 800 triệu để xây dựng hạng mục nước sinh hoạt. Gắn với việc xây dựng nông thôn mới, tới đây huyện tính hỗ trợ cho mỗi hộ 30 cây mít vàng, 20 cây chanh và giống chè để trồng bao xung quanh nhà, vừa tạo cảnh quan, vừa làm kinh tế. Đồng thời, huyện cùng với xã quy hoạch và hỗ trợ cho mỗi hộ 500kg xi măng xây dựng công trình phụ trợ.
Trao đổi với đồng chí Hoàng Quang Phùng, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang về những khó khăn của Dự án, đồng chí cho biết, Dự án ổn định dân cư, ĐCĐC tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Lâm nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng từ T.Ư, đến tỉnh và huyện. Qua triển khai, huyện đã rất nỗ lực đầu tư vào nhiều hạng mục để có thể sớm đưa bà con về đây sinh sống. Qua đó, ước khối lượng Dự án đã đầu tư đạt khoảng 13/17,5 tỷ đồng. Trước những khó khăn đặt ra, huyện đang đôn đốc giải quyết các vấn đề cấp bách về nước, điện, giao đất ở, đất vườn để bà con ổn định tư tưởng. Từ khó khăn về vốn, có thể khẳng định tiến độ Dự án đang bị chậm và gần như không thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra trong năm 2012 này. Do đó, huyện mong muốn và đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm và ưu tiên bố trí vốn cho Dự án trong năm 2013, để từ đó giúp 47 hộ đồng bào Dao, Mông, Nùng tham gia dự án sớm có cuộc sống mới ổn định, đồng thời củng cố niềm tin của bà con vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc