Sớm bàn giao lại đất và hỗ trợ người dân vùng trồng cao su
HGĐT- Chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su của BTV Tỉnh uỷ, sau hơn 3 tháng triển khai đã được người dân đón nhận với nhiều tâm trạng. Có mặt tại vùng cao su Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, chúng tôi ghi nhận được tâm tư, nguyện vọng chung của hàng trăm công nhân, hàng nghìn gia đình góp cổ phần bằng đất với Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang.
Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang chăm sóc giống cao su chịu lạnh hơn 2 năm tuổi.
Chúng tôi trở lại vùng quy hoạch trồng cao su của các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên vào một ngày cuối tháng 6 giữa những trận mưa rào sầm sập. Gặp mưa, các vạt đồi cao su giống chịu lạnh IAN 873 có nguồn gốc Bra-xin và VNg 774 được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhập về từ Trung Quốc trồng hơn một năm tuổi và cây mới trồng cách đây hai tháng lá to, thân khoẻ vươn lên kiêu hãnh. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng của giống cao su chịu lạnh, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang khẳng định: Sau 1 năm trồng trên đất Hà Giang, thân cây cao trung bình 1,5 m, tầng lá rộng, đều, sống khoẻ trong những thời điểm nhiệt độ xuống 6-70c, kéo dài 5-7 ngày, tốc độ tăng trưởng gấp 1,5 lần so với các tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT. Mặc dù trời mưa, nhưng đúng chu kỳ làm cỏ, chăm sóc nên hàng chục công nhân của các đội sản xuất vẫn cần mẫn làm việc, chăm chút để cây cao su vươn lên. Nhìn những cây cao su chịu lạnh xanh tốt, chúng tôi cảm nhận được niềm tin, niềm hy vọng của người công nhân, họ lại dành tâm huyết, gửi tình cảm vào cao su. Đợt rét khủng khiếp tràn qua vùng cao su khiến hơn 1 nghìn ha bị chết, đã tiêu tan nhiều hy vọng, thì giờ đây giống cây chịu lạnh đang khơi lại khát khao cho rất nhiều người.
Sau những thất bại ban đầu, chủ trương trồng cao su của tỉnh, việc đầu tư sản xuất của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang được tính toán thận trọng hơn. Thực hiện đúng chủ trương của BTV Tỉnh uỷ, sự thống nhất giữa UBND tỉnh với Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang tiến hành trồng thử nghiệm, nghiên cứu trên diện tích 750 ha giống cao su chịu lạnh. Sau khi có kết quả đánh giá của Bộ NN-PTNT, nếu phù hợp sẽ đề nghị bổ sung Hà Giang vào vùng quy hoạch cây cao su. Và chủ trương tạm dừng chương trình trồng cây cao su được người dân trực tiếp góp đất, công nhân cao su đón nhận với nhiều tâm trạng khác nhau.
Qua mấy năm đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang phát triển được 3 ban, 6 đội sản xuất với trên 200 cán bộ, công nhân viên, chủ yếu là con em địa phương, những gia đình trực tiếp góp đất. Mặc dù vẫn đang trong thời gian thiết kế, xây dựng cơ sở vùng trồng cao su, nhưng Công ty luôn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người lao động, thu nhập bình quân đạt trên 2triệu đồng/người/tháng, các chế độ, quyền lợi được đảm bảo. Khi tạm dừng trồng cao su, tác động lớn nhất đối với hàng trăm công nhân là nguy cơ thiếu việc làm, không đảm bảo thu nhập. Bởi lẽ, từ nay đến 2015, Công ty chỉ trồng thử nghiệm 750 ha, theo quy trình chi phí chăm sóc trên 1 ha cao su sẽ giảm dần theo tuổi đời cao su, với lao động hiện có chỉ để chăm sóc số diện tích chưa đến một nghìn ha thì thu nhập sẽ bị giảm.
Có mặt tại các đội sản xuất ở xã Trung Thành (Vị Xuyên), Vô Điếm (Bắc Quang), Vĩ Thượng (Quang Bình), nhiều công nhân chia sẻ, từ ngày vào làm công nhân cao su, cuộc sống của họ thay đổi nhiều. Sinh ra, lớn lên ở nông thôn, bao thế hệ người dân gắn chặt với núi đồi, ruộng nương, quanh năm làm quần quật nhưng may lắm cũng chỉ đủ ăn, bởi lẽ, đất tuy rộng nhưng khó canh tác nên nguồn thu không ổn định. Trong thôn, xóm, nhiều gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn đồi giá trị kinh tế thấp sang trồng cây keo, mỡ nhưng hạch toán chi li thu nhập cũng chỉ đạt 4 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi tham gia trồng cao su, trở thành công nhân ngay trên quê hương, thu nhập của họ cao gấp 4-5 lần. Nhờ nguồn thu nhập ổn định hàng tháng do Công ty trả, nhiều công nhân đã tích cóp, mua sắm được vật dụng trong gia đình, con em được đến trường học.
Còn những người dân góp đất trồng cao su cũng mang trong mình nhiều tâm tư. Cách đây mấy năm, khi cây cao su được đưa từ vùng khí hậu nóng ra xứ lạnh Hà Giang, nhiều người dân chưa hiểu nên chưa đồng thuận. Nhưng khi được tuyên truyền, vận động, được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất đồi giá trị kinh tế thấp sang trồng cao su, nhận thấy quyền lợi thiết thực nên mọi người đã góp đất với Công ty. Đến nay, tổng diện tích đất người dân các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên bàn giao cho Công ty trên 4,9 nghìn ha, diện tích khai hoang trên 2,5 nghìn ha, diện tích trồng khoanh gọn 750 ha. Vậy phương án xử lý số diện tích đất còn lại như thế nào đã trở thành câu chuyện thời sự từ nhiều ngày nay.
Khi biết BTV Tỉnh uỷ quyết định tạm dừng trồng cây cao su, chỉ trồng khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học đối với giống chịu lạnh, làm cơ sở đánh giá tính thích nghi, đồng thời thống nhất với Tập đoàn, Công ty Cổ phần cao su Hà Giang tạm bàn giao lại diện tích đất đã khai hoang để người dân chủ động trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày, hoặc cây nông nghiệp tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng đã được người dân đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm. Người dân còn vui hơn khi nhận lại đất, đăng ký trồng cây lâm nghiệp ngắn ngày theo chu kỳ khai thác 6-7 năm hoặc trồng cây nông nghiệp sẽ được Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định cuộc sống. Trước đây, khi tham gia góp đất, người dân đã được hỗ trợ chuyển đổi, được trả công khai hoang trên chính diện tích đất của mình, nay nhận lại còn được hỗ trợ canh tác nên người dân rất đồng tình.
Nhiều người dân, công nhân cao su cũng tâm sự, đợt rét đậm, rét hại càn qua vùng cao su là điều không ai mong muốn, nhưng nó cũng có vai trò thanh lọc rất tốt, giúp chọn ra được bộ giống thích hợp. Việc tạm dừng để khảo nghiệm bộ giống thích hợp là cần thiết, từ đó cho ta căn cứ, cái nhìn thận trọng hơn trước khi nhân rộng, tránh những thiệt hại không đáng có. Đồng thời việc hỗ trợ người dân trồng, tiêu thụ sản phẩm đã nhận được sự đồng tình rất cao, nó giải toả nỗi lo đang dấy lên trong dân từ mấy tháng nay. Người dân cũng mong muốn, việc giao lại đất và chính sách hỗ trợ cần được triển khai sớm để họ bắt tay vào sản xuất khi thời vụ cho phép, tránh lãng phí tài nguyên.
Ý kiến bạn đọc