Từ năm 2025, lỗi chạy xe chậm bị phạt bao nhiêu?
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các mức phạt cho lỗi chạy xe chậm được quy định rõ ràng theo từng đối tượng và hành vi vi phạm.
Từ ngày 1/1/2025, các quy định về xử phạt hành vi chạy xe chậm và tốc độ tối đa của xe cơ giới đã được điều chỉnh theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP và Thông tư 38/2024/TT-BGTVT.
Mức phạt lỗi chạy xe chậm
Từ năm 2025, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các mức phạt cho lỗi chạy xe chậm được quy định rõ ràng theo từng đối tượng và hành vi vi phạm.
Đối với ô tô, nếu điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu tại các đoạn đường có quy định tốc độ hoặc chạy chậm hơn các xe khác đi cùng chiều mà không di chuyển về phía làn đường bên phải (trừ trường hợp xe cùng chiều chạy quá tốc độ quy định), tài xế có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo Điểm o, p khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Trong khi đó, với xe máy, lỗi chạy chậm được chia làm hai trường hợp. Nếu điều khiển xe máy chạy dưới tốc độ tối thiểu quy định trên đoạn đường có biển báo tốc độ, người lái sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Tuy nhiên, nếu điều khiển xe với tốc độ thấp nhưng không đi về phía bên phải phần đường, gây cản trở giao thông, mức phạt sẽ tăng lên từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Ngoài ra, xe máy chuyên dùng – một loại phương tiện thường sử dụng trong các công việc như vận chuyển hàng hóa đặc thù – cũng phải tuân thủ quy định tương tự.
Nếu những xe này chạy dưới tốc độ tối thiểu trên các đoạn đường có quy định tốc độ, người điều khiển sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Tốc độ tối đa trong khu dân cư
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT đã đưa ra các giới hạn cụ thể về tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới trong khu vực đông dân cư. Theo đó, từ năm 2025, tốc độ tối đa sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại đường.
Với các tuyến đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, tốc độ tối đa cho phép là 60 km/h. Trong khi đó, trên các tuyến đường hai chiều hoặc đường một chiều chỉ có một làn xe cơ giới, tốc độ tối đa được giới hạn ở mức 50 km/h.
Đặc biệt, quy định này không áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện. Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, và các phương tiện tương tự, tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư là 40 km/h.
Riêng các xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chỉ được phép di chuyển với tốc độ tối đa 30 km/h trong phạm vi và thời gian được phép hoạt động. Đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, tốc độ tối đa được nâng lên 50 km/h trong điều kiện tương tự.
Theo Thể thao 24/7
Ý kiến bạn đọc