Những lưu ý an toàn tối thiểu khi rời khỏi ôtô
Không chuyển xe về vị trí P trước khi rời xe là một trong những lỗi về an toàn tối thiểu có thể gây ra những tình huống nguy hiểm không mong muốn.
Ôtô ngày càng trở thành một phương tiện giao thông phổ biến, và vấn đề an toàn luôn là thứ được đặt lên hàng đầu. Dừng xe, đỗ xe và xuống xe đúng cách có thể giúp bạn và người xung quanh an toàn hơn rất nhiều.
Chú ý quan sát là điểm đầu tiên để bạn có thể dừng xe đúng cách. Hãy bắt đầu xin đường bằng tín hiệu đèn xi-nhan, từ từ đưa chiếc xe vào chỗ an toàn và tiến hành đưa xe vào chỗ đỗ.
Về P khi muốn rời khỏi xe
Quy trình thông thường sau khi đưa ôtô vào khu vực đỗ sẽ là chuyển xe về vị trí P (đỗ xe) trên cần số, kéo phanh tay, tháo dây an toàn đang đeo, tắt máy và rời khỏi xe.
Do chủ quan hoặc đôi khi quá vội vàng, không ít chủ xe Việt bỏ qua một số bước trong quy trình trên khiến nguy hiểm có thể xảy ra.
Việc đưa xe về vị trí P trên cần số kết hợp kéo phanh tay hoặc kích hoạt phanh tay điện tử sẽ giúp chiếc xe không bị trôi ra khỏi vị trí mà tài xế mong muốn dừng đỗ.
Thao tác này càng quan trọng hơn khi đỗ xe ở khu vực có độ dốc. Nếu xe chưa về P và phanh tay cơ chưa kéo hết hành trình, hoặc phanh tay điện tử chưa được kích hoạt, chiếc xe có thể bị trôi về chân dốc một cách mất kiểm soát ngay cả khi động cơ không hoạt động, gây mất an toàn không chỉ cho xe mà cho những người cùng tham gia giao thông.
Hoặc khi xe vẫn còn ở vị trí D (tiến) hay R (lùi xe) mà tài xế đã rời khoang lái, chưa chuyển về vị trí P, chưa kéo phanh tay cơ hoặc kích hoạt phanh tay điện tử, chiếc xe sẽ liên tục di chuyển về phía sau một cách mất kiểm soát, gây ra các trình huống nguy hiểm không mong muốn.
Làm đúng và đủ các thao tác an toàn tối thiểu
Không ít tài xế cũng vô tình quên mất thao tác tắt máy trước khi rời xe. Trong nhiều trường hợp rời xe quá lâu, hành động này có thể khiến bình ắc-quy trên xe cạn kiệt bởi hệ thống đèn chiếu sáng và điều hòa vẫn tiếp tục hoạt động, khiến ôtô không thể nổ máy ở lần khởi động tiếp theo.
Việc sử dụng chốt dây đai an toàn giả hoặc cài dây an toàn kiểu đối phó sau lưng ghế cũng có thể dẫn đến trường hợp ôtô "hiểu nhầm" rằng tài xế vẫn ở trên xe.
Một số mẫu ôtô có thể tự về P khi tài xế gỡ dây an toàn và mở cửa xe. Nếu dây đai an toàn vẫn cài trong trường hợp này, hệ thống sẽ cho rằng vẫn còn người trên xe và không tự động về P, khiến chiếc xe hoạt động theo số D hoặc R đang cài sẵn, gây nên những tai nạn đáng tiếc.
Hệ thống nói trên được xây dựng để hỗ trợ tài xế trong trường hợp ôtô gặp trục trặc ở hệ thống chuyển số, hoặc khi xe gặp tai nạn và tài xế cần thoát ra ngay lập tức một cách an toàn. Do đó, hệ thống này không được phát triển để tài xế phụ thuộc vào mà nên được xem như giải pháp tình huống. Tài xế cần tuân thủ thao tác về P, tắt máy rồi mới rời khỏi xe để đảm bảo an toàn ở mức tối đa.
Nhìn chung, các tính năng trên xe, bao gồm cả hệ thống trợ lái nâng cao ADAS hay tính năng tự chuyển xe về vị trí P trên cần số, đều chỉ mang tính hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người cầm lái.
Do đó, ưu tiên hàng đầu đối với người ngồi sau vô lăng là phải tuân thủ, làm đúng tất cả quy trình để đảm bảo an toàn, trước mắt cho chính người lái cũng như tất cả người cùng tham gia giao thông.
Theo Báo Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc