Từ năm 2026, trẻ dưới 10 tuổi đi ô tô phải có ghế an toàn
Trao đổi với Lao Động, Cục Cảnh sát giao thông cho biết từ năm 2026, trẻ dưới 10 tuổi đi ô tô phải có ghế an toàn riêng
Tại cuộc họp phổ biến những quy định mới về đảm bảo an toàn cho trẻ em trong Luật Trật tự an toàn giao thông chiều 15.11 do Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Tuy nhiên, quy định này phải đến 2026 mới có hiệu lực (chậm hơn 1 năm so với Luật Trật tự an toàn giao thông).
Từ 2026, trẻ em đi ôtô phải có ghế riêng. |
Lý giải điều này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, sở dĩ quy định trên có hiệu lực chậm 1 năm so với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm có thời gian tuyên truyền phổ biến cho người dân thích nghi với thiết bị mới.
Thông tin tại cuộc họp, ThS. Dương Kim Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho biết, thực trạng sở hữu ôtô ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Ví dụ tại TP Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu xe ôtô con là 113,7%/năm (2014 - 2018) và tỷ lệ sở hữu ô tô con là 60 xe/1.000 dân (2018). Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng của xu hướng sở hữu xe ôtô ở khu vực ngoài thành phố và nhu cầu di chuyển quãng đường xa của các gia đình có trẻ em.
Đây là 2 trong số những yếu tố khiến nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến ô tô có xu hướng tăng.
Theo ThS. Dương Kim Tuấn, trong khi xu hướng sở hữu ô tô gia tăng nhanh chóng, thực trạng sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em lại không tương xứng. Đây là nguyên nhân khiến thương vong ở trẻ em khi tham gia giao thông trên ôtô gia tăng.
Thống kê của Trung tâm cho thấy, hiện nay chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Trong số đó, 2,6% tại TP Hà Nội, 1,1% tại TP Hồ Chí Minh và 0% ở TP Đà Nẵng. Hầu hết người sử dụng thiết bị an toàn đặc thù là do đã có thói quen khi sử dụng ở nước ngoài hoặc học tập theo nước ngoài.
ThS. Dương Kim Tuấn cho biết thêm, trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi có thể dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ em chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150 cm. Bởi các nghiên cứu khoa học đều kết luận rằng, dây an toàn được trang bị trên xe ô tô được thiết kế cho người lớn, có chiều cao từ 150 cm trở lên.
Vì vậy, thiết bị an toàn cho trẻ là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ em.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, vấn đề chi phí tuân thủ quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Các tính toán, thống kê đều cho thấy, chi phí mua sắm thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô chỉ chiếm tỉ lệ từ 0,3 đến dưới 1% giá trị của chiếc xe. Mức chi phí tuân thủ đều ở mức phù hợp thực tế.
Theo Báo Nghệ An
Ý kiến bạn đọc