Ô tô gầm cao tiếp tục là lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng Việt Nam
Ba tháng đầu năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các dòng xe gầm cao, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước tiếp tục ưu tiên lựa chọn SUV, crossover và xe đa dụng (MPV)… thay vì sedan hay hatchback.
Khả năng vượt địa hình phức tạp là điểm cộng giúp các dòng xe gầm cao trở nên ăn khách. |
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý đầu năm 2024, phân khúc xe phổ thông chỉ chứng kiến 8.367 chiếc sedan và 346 xe hatchback tới tay người tiêu dùng. Trong khi đó, lượng tiêu thụ SUV, crososver, và MPV lại “khủng” hơn rất nhiều, tương ứng 13.133 xe, 5.247 xe và 8.143 xe. Như vậy, lượng xe du lịch gầm cao được tiêu thụ gấp hơn 7 lần các mẫu gầm thấp trong 3 tháng đầu năm nay.
Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất quý đầu năm nay, có tới 7 mẫu gầm cao, nổi bật với những cái tên như Mitsubishi XForce, Ford Ranger hay Mazda CX-5. Một số hãng như Suzuki hay Mitsubishi tiếp tục chứng kiến xe gầm cao chiếm gần trọn tổng số xe bán ra.
Tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở các nhà sản xuất ngoài VAMA.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm, vị thế của xe gầm cao và gầm thấp đã hoàn toàn thay đổi. Trước đó, trong năm 2022, dòng sedan vẫn dẫn đầu doanh số với 90.984 chiếc được bán ra, trong khi SUV chỉ đạt 85.984 chiếc.
Theo nhiều nhận định, khách hàng Việt Nam có xu hướng ưa chuộng xe gầm cao hơn nhờ ưu điểm kích thước rộng rãi, di chuyển dễ dàng qua các cung đường xấu và đường bị ngập nước.
Các biến thể "Cross" của nhiều dòng xe truyền thống hút khách chỉ đơn giản nhờ việc được nâng khoảng sáng gầm. |
Trong giai đoạn vừa qua, doanh số xe gầm cao tăng mạnh có đóng góp đáng kể của dải sản phẩm MPV, đặc biệt là các biến thể "Cross", vốn ngày càng được mua sắm nhiều hơn nhờ tính tiện ích, thực dụng, khi vừa phục vụ được nhu cầu của gia đình vừa phù hợp để kinh doanh dịch vụ…
Trong khi đó, xe gầm cao cỡ nhỏ như KIA Sonet, Toyota Raize, Hyundai Venue cũng trình làng ngày càng nhiều, làm phong phú đáng kể lựa chọn. Các mẫu xe này cũng nhỏ gọn, phù hợp với đô thị, khác với nhiều dòng SUV đồ sộ trước kia. Đây chính là lý do một số nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam ghi nhận giai đoạn 2023-2024, tỷ lệ khách hàng lần đầu mua ô tô lựa chọn các dòng xe SUV, crossover, MPV tăng cao so với những năm trước đây.
Sự phổ biến của xe gầm cao đồng nghĩa thị phần xe “gầm thấp” ngày càng thu hẹp, hiện chỉ còn 4 gương mặt nổi trội là Hyundai Accent, Honda City, Toyota Vios và một số sản phẩm Mazda. Trong số này, chiếc sedan Hàn Quốc có doanh số dẫn đầu, đạt 2.248 xe trong 3 tháng đầu năm 2024, nhỉnh hơn so với mức 2.165 xe của Honda City.
Thực tế lúc này cũng cho thấy, Mazda và Honda City được người tiêu dùng gia đình chọn lựa, trong khi Vios và Accent chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách.
Các mẫu gầm cao đô thị cỡ nhỏ được nhiều người lựa chọn làm "chiếc xe đầu tiên". |
Thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam thay đổi buộc các nhà sản xuất phải phát triển sản phẩm xe gầm cao. Một số nhà sản xuất lúc này chỉ bán xe nhóm này, như VinFast, Ford..., trong khi tỷ lệ xe sedan, hatchback ngày càng ít dần trong danh mục sản phẩm của Hyundai, KIA, Toyota, Subaru...
Ở phân khúc xe thuần điện, phần lớn các mẫu xe mới trong năm qua từ VinFast, Mercedes-Benz hay BMW… đều là gầm cao.
Với sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn của khách hàng, có thể khẳng định, các phân khúc ô tô gầm cao sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Theo Báo Hà Nội Mới
Ý kiến bạn đọc